Phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào Dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Hiện nay, cả nước có hơn 32.000 Người có uy tín trong đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS). Họ là những cá nhân uy tín, có tầm ảnh hưởng và tiếng nói quan trọng đối với cộng đồng dân tộc nơi họ sinh sống. Những năm qua, với vai trò, trách nhiệm của mình, đội ngũ những Người có uy tín luôn là điểm tựa vững chắc của người dân, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt…

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Việc triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dành cho Người có uy tín đã tạo động lực để những Người có uy tín phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm với cộng đồng.

Truyền thống tốt đẹp

Nước ta có 54 dân tộc, trong đó có 53 DTTS với gần 14,2 triệu người. Mỗi dân tộc lại có những phong tục, tập quán, văn hóa… khác nhau. Tuy nhiên, dân tộc nào cũng có những cá nhân uy tín, có tầm ảnh hưởng và tiếng nói quan trọng đối với cộng đồng dân tộc nơi họ sinh sống.

Đối với các bản làng ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trưởng thôn, trưởng bản là những người có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội của cộng đồng các DTTS. Cùng với trưởng thôn, trưởng bản, những người giữ vị trí trưởng dòng họ, hay người nắm giữ việc thực hiện các nghi thức tín ngưỡng của cộng đồng, đều được đồng bào rất nể trọng.

Còn đối với các buôn làng nơi đại ngàn Tây Nguyên, các già làng luôn là “thủ lĩnh” của cộng đồng nơi họ sinh sống. Già làng là người được ví vững chãi như mái nhà rông, cao lớn như cây Kơ nia, qua bao nắng mưa, giông tố lại càng mạnh mẽ. Nắm giữ mạch nguồn tri thức văn hóa của cộng đồng, các già làng chính là chủ thể chính trong việc sáng tạo và trao truyền cho các thế hệ mai sau. Già làng còn là chỗ dựa tinh thần cho cả dân làng qua bao thăng trầm, biến cố của buôn làng.

Hay như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các vị sư sãi thuộc Phật giáo Nam Tông tại các chùa Khmer có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống dân cư của vùng đồng bào dân tộc Khmer. Họ là đội ngũ nòng cốt của các tôn giáo, họ vừa có vị trí, vai trò lãnh đạo, vừa có trình độ giáo lý, giáo luật, có uy tín lớn trong quần chúng tín đồ, vừa là “cầu nối” giữa các tôn giáo với tín đồ, nên các vị chức sắc tôn giáo có tác động to lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến quần chúng tín đồ tham gia quản lý trật tự, an ninh xã hội…

Trước khi chính sách dành cho Người có uy tín ra đời và hiện nay, những cá nhân tiêu biểu ấy vẫn hằng ngày, hằng giờ, bằng trách nhiệm với cộng đồng, dòng tộc… luôn là điểm tựa vững chắc của người dân, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của bản làng, phum sóc.

Hiệu quả từ chính sách

Nhận thức sâu sắc vai trò của những Người có uy tín trong đồng bào DTTS, Ủy ban Dân tộc đã nghiên cứu, xây dựng và tham mưu trình Chính phủ chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Theo đó, ngày 18/3/2011, Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg về chính sách cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (nay là Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg).

Chính sách quy định, Người có uy tín được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi cư trú định kỳ hoặc đột xuất phổ biến, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước; tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; được cấp không thu tiền Báo Dân tộc và Phát triển, báo tỉnh nơi Người có uy tín cư trú; được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức hoặc tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh do địa phương xác định… Đồng thời, Người có uy tín được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi cư trú thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán, Tết của các DTTS; thăm hỏi khi đau ốm…

Chính sách xây dựng, phát huy vai trò Người có uy tín được ra đời trên cơ sở thực tiễn trong đời sống xã hội và truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân và mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến sự phát triển vùng DTTS. Nhờ đó, đội ngũ Người có uy tín không ngừng được củng cố, phát triển và thể hiện vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển cộng đồng xã hội.

Hiện nay, cả nước có hơn 32.000 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Họ là những người được thôn bản, buôn làng, phum sóc bình chọn, suy tôn, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Những năm qua, bằng vai trò, trách nhiệm của mình, đội ngũ những Người có uy tín đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bài trừ hủ tục, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc; hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc, mâu thuẫn trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc đoàn kết, bình yên và phát triển.

Có thể khẳng định, với sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước bằng chính sách dành cho Người có uy tín đã tạo động lực quan trọng để họ thực hiện tốt sứ mệnh là “cầu nối” trong việc chuyển tải, vận động đồng bào các DTTS thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, công tác dân tộc, chính sách dân tộc nói riêng. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt…

Hà Minh