Lễ xuất quân đợt 2 của chư Tăng tỉnh Nam Định ra tuyến đầu chống dịch

(Mặt trận) - Chiều ngày 25/8, tại Trúc lâm Thiên Trường-Trụ sở Phật giáo tỉnh, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định tổ chức lễ xuất quân tình nguyện đợt 2, cử 10 chư Tăng tham gia tuyến đầu hỗ trợ, phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện dã chiến số 13, thuộc bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Quang cảnh buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ xuất quân, TT. Thích Quảng Hà cho rằng: Hơn lúc nào hết với tinh thần từ bi nhập thế của đạo Phật, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Chư Tăng tỉnh Nam Định và chư Tăng trường TCPH tỉnh Nam Định nguyện xung phong vào tuyến đầu chống dịch, nguyện đóng góp công sức của mình khi Tổ quốc cần, nguyện hành Bồ tát đạo, hướng về miền Nam ruột thịt, yêu thương. Đồng thời Thượng toạ biểu dương và trân quý tinh thần dấn thân vì cộng đồng của chư Tăng tình nguyện viên. Với nhiệt huyết tuổi trẻ đã sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ đầy ý nghĩa nhưng cũng hết sức nguy hiểm. Mong quý vị là những đại diện tiêu biểu của Phật giáo tỉnh nhà để lan toả hình ảnh đẹp của "người chiến sĩ áo nâu" đến cộng đồng và xã hội. Góp phần nhỏ của mình vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh, đem lai cuộc sống an vui và hạnh phúc cho nhân quần, TT. Thích Quảng Hà nhấn mạnh.

Chư tôn đức lãnh đạo và các đại biểu tặng hoa, và quà cho chư Tăng tình nguyện viên 

Phát biểu động viên chư Tăng tại lễ xuất quân, Phó Bí thư-Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, cho biết trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vừa qua, tỉnh nhà đã cử 70 cán bộ y, bác sĩ, hơn 400 điều dưỡng, ủng hộ hơn 2 tỷ đồng, 100 ngàn khẩu trang y tế N95 và nhiều nhu yếu phẩm khác cho các tỉnh phía Nam. Nay Phật giáo tỉnh nhà tiếp tục xuất quân đợt 2 vào hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh. Sự đoàn kết, chia sẻ tài lực, vật lực và tình cảm của mọi giai tầng tỉnh nhà sẽ là động lực to lớn, và nguồn động viên tinh thần vô giá đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch, tạo nên sức mạnh giúp thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh/thành khác sớm đẩy lùi, chiến thắng dịch Covid-19.

Cảm ơn lãnh đạo Phật giáo tỉnh Nam Định đã cử chư Tăng tình nguyện viên tham gia tuyến đầu chống dịch nhằm giảm tải cho lực lượng y tế, giúp chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân mắc Covid-19, ông Phạm Đình Nghị ghi nhận và tri ân tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng, sự đóng góp của chư Tăng tình nguyện viên.

 

Chư Tăng tình nguyện viên đều đã trải qua khóa học tập huấn kiến thức, kỹ năng y tế; đã được tiêm  vắc xin phòng Covid-19 và có kết quả âm tính xét nghiệm RT- PCR trước khi lên đường.

Những ngày qua, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh/thành phía Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hưởng ứng, phát động phong trào “Cởi áo ca sa khoác áo boluse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch”. Từ phát động này, chư Tăng Ni, Phật tử tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở Phật giáo trong cả nước, trong đó có Nam Định, liên tục có đơn đăng ký xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch. Hiện cả nước đã có hơn 1.000 Tăng Ni, Phật tử tham gia tuyến đầu phòng dịch.

Cùng với đó, nhằm góp phần làm giảm áp lực cho các bệnh viện, trung tâm điều trị Covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khuyến khích các chùa, tự viện phát huy tinh thần “Hộ quốc an dân” tích cực phát tâm đăng ký, đề nghị chính quyền sở tại sử dụng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly thông qua phong trào “Dùng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly phòng chống dịch Covid-19”. Theo đó, các chùa, cơ sở tự viện đăng ký nhận tro cốt của người chết do dịch Covid-19 và tổ chức cầu siêu cho các vong linh của những người tử vong do đại dịch Covid-19; đồng thời đưa các nội dung tuyên truyền, khuyến cáo của Bộ Y tế về dịch Covid-19 thành các chuyên đề kết hợp trong các bài giảng trực tuyến, online, thuyết pháp trên các phương tiện truyền thông;  đẩy mạnh việc tuyên truyền trong tín đồ, Phật tử, cảnh giác với các thông tin giả, thông tin không chính xác, mê tín dị đoan về dịch bệnh...

Thời gian qua các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.