Khẳng định vai trò của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Ngày 22/6, tại TP HCM, đã diễn ra buổi Tọa đàm khoa học các giá trị tôn giáo và xã hội của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ (PGKS) Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo và ông Võ Văn Thiện, Trưởng ban Công tác phía Nam (UBTƯ MTTQ Việt Nam) chủ trì buổi tọa đàm.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn Giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm còn có các đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục An Ninh nội địa (Bộ Công an); đại diện Hệ phái PGKS Việt Nam, các nhân sĩ, các nhà nghiên cứu…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái PGKS Việt Nam cho biết, Hệ phái PGKS Việt Nam nguyên là Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập tại miền Nam Việt Nam. Trong vòng 10 năm tu tập và hoằng hóa (1944-1954), Tổ sư đã độ được hàng trăm Tăng ni noi theo hành Phật Tăng xưa, sống đời đơn giản thanh bần, chuyên tu giải thoát. Trong số đó, có nhiều vị là bậc đại căn sau này trở thành bậc Trưởng lão, thành lập các Giáo đoàn, hoằng dương Phật pháp, lợi lạc nhân thiên.

Cũng theo Hòa thượng Thích Giác Toàn, sự hiện diện của Phật giáo Khất sĩ lúc bấy giờ như một làn gió thanh lương mang sức sống tinh khôi, tươi mới thổi vào Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn suy vi, góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam bằng con đường tu tập, giới hạnh trang nghiêm, hoằng dương Phật pháp.

“76 năm hình thành và phát triển (1944-2020), gần 40 năm tham gia tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2020), Phật giáo Khất sĩ không những góp phần cho những hệ giá trị đạo đức, tôn giáo, tâm linh đối với Phật giáo Việt Nam ngày một sắc nét, mà còn góp phần cho sự ổn định, hòa hợp, đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho đất nước có những bước phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực xã hội”, Hòa thượng Thích Giác Toàn nhấn mạnh.

Ông Vũ Mạnh Hải, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho rằng, Hệ phái PGKS Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng như hiện nay là do có sự kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp từ truyền thống cao đẹp, tỏa sáng của Phật giáo, đồng thời đưa ra những quan niệm mới phù hợp với tính chất hiền hòa, chân chất, chịu thương, chịu khó, bao dung của người Việt khiến cho giáo lý càng thêm phù hợp với nhu cầu của thời đại.

 

Bên cạnh đó, với sự khai sáng của Tổ sư Minh Đăng Quang và sự kế tục của hàng đệ tử, biết vận dụng linh hoạt những giáo lý, huấn từ của đức Tổ sư đã phát huy thêm đạo đức của Phật giáo trong xã hội và biến nó thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ.

“Mặt khác, còn có sự uyển chuyển của hai nền Phật giáo Nguyên Thủy và Đại thừa, sự bắt nhịp của người tu sĩ ý thức gắn kết “Đạo với Đời”, ý thức trách nhiệm của người tu với cuộc sống, cùng vui niềm vui của mọi người; cùng lo lắng, cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt với pháp môn khất thực của những nhà Du Tăng Khất sĩ, các vị đến từng ngõ ngách, con hẻm để hòa đồng cùng thế nhân, để cảm thông, huấn dạy, xoa dịu…từng bước đi, tính cách, sự hiểu biết, hòa nhã, khiêm tốn đã làm cho mọi người thêm gần gũi, thương mến, trân quý với Tăng Ni Khất Sĩ”, ông Hải nói.

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thanh trân trọng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. “Trong thời gian ngắn nhưng đã có rất nhiều ý kiến hay, các ý kiến vừa khẳng định, sự phát triển cũng như những đóng góp của Hệ phái PGKS Việt Nam. Đồng thời các ý kiến đã gợi mở nhiều nội dung rất quan trọng, có thể giúp cho Hệ phái PGKS Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn”, Trưởng Ban Tông giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thanh ghi nhận tất cả các ý kiến tâm huyết của các đại biểu và bày tỏ mong muốn Hệ phái PGKS Việt Nam ngày một phát triển bền vững, góp phần vào tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.