(Mặt trận) - Tỉnh Gia Lai có 140 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thì 83 thôn, làng đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều thôn, làng khác cũng sắp về đích. Một trong những nguyên nhân mang lại thành công này là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ. Quê hương khởi sắc, đời sống được nâng lên, bởi vậy, năm nay đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai lại có thêm một Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tươi vui, phấn khởi...
|
Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (ngoài cùng bên trái) tặng quà cán bộ, nhân dân làng Đê Ktu.
|
Mới sáng sớm nhưng làng Đê Ktu (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) đã rộn ràng bởi tiếng cồng chiêng, tiếng nói cười của đồng bào đổ về nhà rông để tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18-11-1930 / 18-11-2021).
Chung vui cùng bà con có đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai. Bà Huel, Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Đê Ktu phấn khởi nói: “Làng mình có 135 hộ và 100% là người dân tộc Ba Na, đến nay chỉ còn 14 hộ nghèo. Năm 2021 có 127 hộ đạt “Gia đình văn hóa”.
Đặc biệt, người dân trong làng đã tự giác tham gia ngày công để tu sửa các trục đường, phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, trồng hoa, trồng cây xanh hai bên đường làng. Nhờ đó, cảnh quan môi trường được cải thiện rõ rệt, đường làng luôn xanh-sạch-đẹp. Người dân cũng đã thay đổi tập quán trong chăn nuôi, không còn hiện tượng thả rông gia súc, gia cầm; đưa chuồng trại ra xa nhà ở và xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh...”.
Tương tự như làng Đê Ktu, nhiều thôn, làng vùng DTTS tỉnh Gia Lai tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam với một bầu không khí vui tươi, phấn khởi. Tính cố kết cộng đồng, sức mạnh đại đoàn kết tiếp tục được nhân lên, phát huy trong giai đoạn mới. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng tôn vinh những mô hình, cách làm hay, những tấm gương cống hiến hết mình vì cộng đồng.
Đó là những thay đổi tích cực ở 4 làng: Pông, Hek, Trớ và Kinh Pêng (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện), không những chấm dứt tình trạng người dân bỏ làng lên núi sống biệt lập với “5 không” (không điện, đường, trường, trạm và không hộ khẩu) mà tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.
Cảnh những ngôi nhà sàn chắp vá, tạm bợ, thiếu điện, thiếu nước; dưới gầm nhà là nơi nuôi nhốt gia súc, khắp nơi vương vãi chất thải, bốc mùi hôi thối... ở làng Bi Giông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) đã không còn sau khi chính quyền, người dân, lực lượng vũ trang chung sức di dời, quy hoạch lại làng.
Hay như làng Hreng (xã Hòa Phú, huyện Chư Păh) từng là địa bàn hoạt động của FULRO, nhưng bằng sức mạnh cộng đồng, các đối tượng có mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giáo dục, cảm hóa, nhận ra lỗi lầm của mình. Hiện 267 hộ gia đình của làng chỉ còn 13 hộ nghèo (chiếm 4,86%), thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm...
Chia sẻ niềm vui với đồng bào làng Đê Ktu trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên khẳng định, đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, dù ở bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào thì tinh thần đoàn kết dân tộc cũng luôn được thể hiện và phát huy.
Để không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương giàu đẹp, cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân phải tiếp tục thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; triển khai toàn diện, hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS; các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai hướng dẫn tổ chức linh hoạt theo các kịch bản phù hợp với tình hình của địa phương; chú trọng biểu dương các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn...
Với các địa phương đang thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 thì chú trọng tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết, khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; tổ chức tốt các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ các gia đình, cá nhân gặp khó khăn...
Nguyễn Anh Sơn