Nhân rộng những mô hình bảo vệ môi trường trong các tôn giáo thành phong trào thi đua rộng khắp

(Mặt trận) - Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng 43 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tổ chức Hội nghị ký kết và triển khai Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Chương trình phối hợp nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của các tổ chức, cá nhân tôn giáo và Nhân dân, thúc đẩy phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; góp phần tích cực, chủ động trong thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

 Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân 43 chức sắc các tôn giáo đã ký kết Chương trình Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026 dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương. 

Năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, đại diện lãnh đạo của 14 tôn giáo tại Việt Nam đã cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường giai đoạn 2015 - 2020 với 5 nội dung và 7 nhiệm vụ, giải pháp.

Qua hơn 6 năm thực hiện, Chương trình đã tạo được sự chuyển biến tích cực, làm thay đổi căn bản trong nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Sau khi Chương trình phối hợp được ký kết, Ban Chỉ đạo Chương trình đã được thành lập với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo. 63 tỉnh, thành phố đã tiến hành ký kết Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo ở cấp tỉnh.

Từ 3 mô hình điểm do Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng vào năm 2016, trên cơ sở các hướng dẫn của Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương tuyên truyền, vận động và giúp đỡ các tổ chức tôn giáo xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, cả nước đã có gần 2.000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Nhiều mô hình hay và có sức lan tỏa trong cộng đồng

Nhiều địa phương, các tổ chức tôn giáo đã triển khai, xây dựng mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như: Bình Thuận với mô hình "Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu" vùng đồng bào theo đạo Bàlamôn; tỉnh Quảng Nam với mô hình “Tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” của các cơ sở thờ tự tôn giáo trên địa bàn các xã: Cẩm Thanh, Cẩm Kim; các phường: Minh An, Cẩm Châu, Cửa Đại; mô hình “Xử lý rác thải, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ; mô hình “Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường” tại chùa Long Quang, thị trấn Núi Thành; mô hình “Cơ sở tôn giáo cảnh tịnh, thanh nhã và gương mẫu” của các tôn giáo trên địa bàn huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam...

Cùng với đó là nhiều mô hình, phong trào ở khắp cả nước như: Giáo xứ, cơ sở thờ tự xanh, sạch, đẹp; Cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường; Phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình, cơ sở tôn giáo; Hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự; Câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào Thứ sáu hàng tuần; Giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa… Nhiều tôn giáo đã và đang tích cực tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông gắn với những buổi giảng đạo và trong các ngày lễ tôn giáo.

Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thường xuyên vận động tín đồ trồng cây xanh ở cơ sở thờ tự; vệ sinh môi trường trước, trong và sau các dịp lễ lớn; tích cực tham gia các hoạt động vì môi trường do chính quyền tổ chức… đã tạo sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội, góp phần cùng với cả hệ thống chính trị trong cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.

Các tổ chức tôn giáo đã tích cực và chủ động có nhiều hình thức đa dạng, phong phú thực hiện Chương trình phối hợp. Tiêu biểu như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lồng ghép phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các trường hạ, khóa tu của Phật tử, các buổi học chính khóa và chương trình sinh hoạt ngoại khóa của tăng, ni sinh tại các trường đào tạo Phật học; tham gia ký kết Biên bản giao ước thực hiện phóng sinh các loài cá, chim và tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã; khuyến khích đồng bào phật tử tích cực thực hiện nếp sống thiểu dục, tri túc, ăn chay - sống xanh - bảo vệ môi trường - lan tỏa yêu thương...

Về phía Công giáo, Công giáo Caritas Hải Phòng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; thi tìm hiểu về kiến thức môi trường nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6; tổ chức các buổi truyền thông về khí hậu và bảo vệ môi trường tại các giáo xứ…

Hay Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) thường xuyên kết hợp, lồng ghép trong các giờ lễ để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở tín hữu phải có ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường; quan tâm gìn giữ, bảo vệ môi trường sống cho chính mình và cho cộng đồng; đưa nội dung phân tích về thiên tai, động đất, sóng thần xâm ngập mặn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… vào bài giảng của các mục sư, truyền đạo Hội Thánh.

Đặc biệt, Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam đã đưa nội dung biến đổi khí hậu với những phân tích về thiên tai, động đất, sóng thần... vào các bài giảng của các mục sư, truyền đạo Hội Thánh; đồng thời in các bộ sách gồm nhiều quyển về các đề tài như môi trường, không khí, chất lỏng, dinh dưỡng, lạc quan, liêm chính, giúp đỡ cộng đồng…

Có thể thấy, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc bảo vệ môi trường của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, giúp Nhân dân hiểu rõ hơn về tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt, tập quán, sản xuất, cảnh quan...

Qua đó, hình thành thói quen, phương pháp thực hiện trách nhiệm giám sát và tự giám sát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư. Người dân đã nêu cao ý thức, trách nhiệm trong giám sát việc bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn khu dân cư.

Phối hợp giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân ở cộng đồng tăng cường giám sát, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình.

Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiến hành kiểm tra, giám sát các công trình, các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các dự án đã được phê duyệt trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Tỉnh Vĩnh Phúc, đã giám sát, phát hiện, phản ánh và đề nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính đối với một số cơ sở vi phạm; di dời 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Tỉnh Sóc Trăng, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát việc bảo vệ môi trường tại Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng để cải thiện mức độ ô nhiễm do chất thải từ nhà máy và mùi hôi từ phế phẩm sản xuất đường.

Tỉnh Đồng Nai, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Khánh và thành phố Biên Hòa thành lập 4 đoàn giám sát, tổ chức 24 cuộc giám sát về việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Qua giám sát đã có 38 kiến nghị trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, các kiến nghị này được đoàn giám sát gửi đến chính quyền, các cơ quan chức năng xem xét. Công tác quan trắc chất lượng môi trường đất, không khí, nước mặt và nước ngầm cũng được thực hiện thường xuyên ở một số tỉnh, thành phố để theo dõi, giám sát diễn biến chất lượng các thành phần môi trường phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.              

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đoàn viên, hội viên là tôn giáo và Nhân dân hưởng ứng các nội dung về môi trường và biến đổi khí hậu ở cộng đồng dân cư, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường như: Nếp sống vệ sinh, xanh, sạch, đẹp, thói quen bớt xả rác, ăn uống khoa học, thanh tịnh, hợp vệ sinh và bảo đảm sức khỏe; hưởng ứng các phong trào xanh: “Chủ nhật xanh”, trồng cây, trồng rừng, xanh đồng, sạch ngõ, sạch nhà, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, không lạm dụng đốt rơm rạ, đốt vàng mã, rải tiền vàng mã, nhang hương gây ô nhiễm; vận động Nhân dân hưởng ứng hỏa táng, chôn cất đúng nơi quy định, hạn chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như: Điện gió, điện mặt trời mái nhà, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả…

Thứ hai, đẩy mạnh vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ xóa bỏ những tập quán, thói quen sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, làm tăng biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp, văn minh; tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân ở cộng đồng.

Thứ ba, các tổ chức tôn giáo tiếp tục đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào hiến chương, điều lệ và chương trình hoạt động hàng năm, những khóa bồi dưỡng giáo lý, giáo luật của tổ chức tôn giáo để triển khai tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo nâng cao ý thức, hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, hạn chế tiến tới không sử dụng túi ni lon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; xây dựng và hình thành nếp sống thuận theo tự nhiên, thói quen tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích hỗ trợ thực hiện tăng trưởng xanh; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về lợi ích của các sản phẩm dán nhãn sinh thái; các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tiếp tục tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, hội viên, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, xây dựng các mô hình tự quản về môi trường ở khu dân cư gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng phát triển các mô hình thành phố bền vững về môi trường, mô hình làng sinh thái, mô hình phân loại rác thải tại nguồn.

Quan tâm thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, phản ánh ý kiến Nhân dân, góp ý xây dựng hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thứ sáu, phát huy vai trò nêu gương của các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, nhất là vai trò nêu gương của người đứng đầu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trong tham gia thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình...

Vũ Đình Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam