Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một biểu tượng chói lọi của văn hóa Việt Nam

(Mặt trận) - Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, xứng đáng ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là biểu tượng chói lọi của văn hóa Việt Nam, của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, của ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam cần được phát huy mạnh mẽ để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính

HDBank đồng hành cùng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức Chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) 

Những chiến thắng vang dội trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta làm nên biểu tượng văn hóa Việt Nam

Trên thế giới, hiếm có một dân tộc nào có lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng như dân tộc Việt Nam. Từ thủa bình minh của lịch sử, dân tộc ta đã xác định dựng nước và giữ nước luôn luôn gắn chặt với nhau; phải xây dựng được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng giữ nước, đồng thời, phải giữ được nước mới có điều kiện để xây dựng đất nước.

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta phải đương đầu với các thế lực xâm lược mạnh hơn ta rất nhiều lần, nhưng đều đã giành chiến thắng vang dội làm nên biểu tượng văn hóa Việt Nam. Với tinh thần phát huy trí tuệ, ý chí, sáng tạo, sức mạnh của toàn dân, cũng như khả năng động viên cả nước đánh giặc, “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” dù cho quân xâm lược có mạnh đến đâu, đã trở thành truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của văn hóa Việt Nam.

Nói đến biểu tượng văn hóa là nói đến mặt biểu đạt của hệ giá trị văn hóa - những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã được cả cộng đồng xã hội chấp nhận, là thành tố cốt lõi làm nên bản sắc riêng của cả một cộng đồng dân tộc. Biểu tượng văn hóa có khả năng chi phối đời sống tâm lý và mọi hoạt động của các thành viên sống trong cộng đồng xã hội đó.

Chúng ta đều biết đến truyền thuyết Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân. Truyền thuyết đó phản ánh công cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ cùng với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, anh dũng, quật khởi chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta ngay từ những buổi đầu dựng nước và giữ nước.

Theo dòng lịch sử, vào mùa xuân năm 40, trước sự áp bức, bóc lột tàn bạo của Thái thú Tô Định và bè lũ quan lại nhà Đông Hán, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng lan ra cả nước, làm sụp đổ toàn bộ chính quyền Đông Hán. Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn, nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao, ý chí quật cường của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã trở thành biểu tượng văn hóa, theo dòng thời gian đã chuyển hóa thành các sự tích văn hóa, vào huyền thoại, đi vào tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng người Việt Nam.

Sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Nhân dân ta liên tục nổi dậy chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, điển hình là khởi nghĩa Lý Bí (542 - 544), khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ (905 - 907). Nổi bật là Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 do Ngô Quyền chỉ huy chống lại quân Nam Hán xâm lược. Với tài thao lược, Ngô Quyền đã đề phương án tác chiến đặc biệt, vô cùng sáng tạo đã dẫn đến thắng lợi bất ngờ của trận đánh, đập tan ý chí xâm lược của nhà Nam Hán. Trận Bạch Đằng năm 938 là một chiến thắng vang dội của dân tộc Việt Nam, là nguồn cảm hứng và niềm tự hào vô hạn cho các thế hệ người Việt sau này. Trận chiến này đánh dấu sự chấm dứt của hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên mới - thời đại độc lập và tự chủ lâu dài của dân tộc Việt Nam.

Trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ độc lập, tự chủ từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, dân tộc ta phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến tranh giải phóng dân tộc và đều giành thắng lợi. Những chiến thắng đó đều là những chiến thắng vang dội làm nên biểu tượng văn hóa Việt Nam.

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược nhà Tống lần thứ hai (1075 - 1077). Vào thế kỷ XI, cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai của quân và dân Đại Việt (1075 - 1077), dưới thời vương triều Lý là cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, đỉnh cao là trận quyết chiến mang tính chiến lược mà Lý Thường Kiệt đã lập phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) vào mùa xuân 1077 để ngăn chặn quân giặc. Đây là phòng tuyến chiến lược dựa vào thế núi, thế sông và đồng ruộng để chặn đứng quân xâm lược nhà Tống. Phòng tuyến sông Như Nguyệt cũng là nơi bài thơ “Nam quốc sơn hà” - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam ra đời. Thắng lợi của trận chiến này đã đập tan hoàn toàn mưu đồ xâm lược của nhà Tống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước.

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược Nguyên - Mông. Trong vòng 30 năm ở thế kỷ XIII, đế quốc Nguyên - Mông đã ba lần tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta (1258, 1285 và 1288), nhưng chúng đều chuốc lấy thất bại thảm hại. Với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất, nghệ thuật quân sự tài tình, có phương pháp đánh giặc đúng đắn, nắm được chỗ mạnh, chỗ yếu của quân giặc để phát huy điểm mạnh của ta, dưới sự lãnh đạo của vương triều Trần, quân dân Đại Việt đã đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông hung tàn, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Chiến thắng của quân dân Đại Việt trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thật là vĩ đại. Nước ta là một nước nhỏ nhưng đã chiến thắng một quân đội hùng mạnh bậc nhất vào thời đó.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống ách đô hộ của nhà Minh. Năm 1406, nhà Minh xâm lược nước ta đặt ra chính sách cai trị hà khắc làm cho dân ta điêu đứng, lầm than: “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn”, “vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”; “người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập, thuồng luồng”, “kẻ bị đem vào núi đãi cát, tìm vàng, khối nỗi rừng sâu nước độc”… Đã có nhiều cuộc nổi dậy chống quân Minh, điển hình là cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần, song đã bị đàn áp một cách tàn khốc. Trong bối cảnh đó, năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương tiến hành khởi nghĩa Lam Sơn, truyền hịch kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đuổi quân Minh xâm lược. Trong giai đoạn đầu (1418 - 1423), cuộc khởi nghĩa gặp muôn vàn khó khăn, lực lượng chỉ có vài nghìn người, lương thực thiếu thốn, trong khi đó quân Minh mạnh hơn ra sức vây hãm nghĩa quân hòng bóp nghẹt cuộc khởi nghĩa. Với quyết tâm cao độ, quân Lam Sơn vừa đánh vừa xây dựng lực lượng, đến cuối năm 1425, quân Lam Sơn đã giành thế chủ động, thực hiện chiến lược cơ động, buộc quân Minh phải co cụm để giữ các thành trì quan trọng.

Đặc biệt, với chiến thắng quyết định trong trận Tốt Động - Chúc Động, quân Lam Sơn giành được thế chủ động trên chiến trường. Tiếp nối thắng lợi, cuối năm 1427, quân Lam Sơn triển khai chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang, đánh tan lực lượng viện binh quân Minh, buộc tướng chỉ huy quân Minh là Vương Thông phải xin giảng hòa và được phép rút quân về nước. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã chấm dứt hơn 20 năm đô hộ của nhà Minh, mở ra thời kỳ mới cho dân tộc ta, triều đại hậu Lê với gần 400 năm lịch sử.

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống quân xâm lược Mãn Thanh năm 1789. Vào cuối thời kỳ Hậu Lê, đất nước ta lâm vào cảnh biến loạn, bị phân chia thành Đàng Trong, Đàng Ngoài; vua Lê không còn thực quyền, chúa Trịnh, chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, nhũng nhiễu; đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, lầm than. “Trong hoàn cảnh thế cùng, lực kiệt”, vua Lê Chiêu Thống chỉ vì quyền lợi ích kỷ đã cầu cứu nhà Thanh. Lợi dụng tình cảnh ấy, nhà Thanh đưa 29 vạn quân tràn sang xâm lược nước ta.

Được tin cấp báo, Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Quang Trung, lập tức chỉnh đốn binh mã lên đường ra Bắc tiêu diệt quân ngoại xâm (22/12/1788). Đoàn quân Quang Trung ra Bắc bằng bước đi thần tốc, chỉ khoảng một tháng, ngày 25/1/1789, tức 30 tháng Chạp, đúng giao thừa năm Kỷ Dậu, đã mở màn chiến dịch đại phá quân Thanh ngay trên đất Thăng Long, mở cửa vào ở phía Nam và phía Tây. Đêm mồng 3 Tết bao vây đồn Hạ Hồi, buộc quân địch phải bỏ giáo xin hàng, rồi tiến quân ngay lên vây đánh đồn Ngọc Hồi. Mờ sáng ngày mồng 5 Tết, quân Tây Sơn do đích thân Vua Quang Trung chỉ huy đánh một trận hỏa công, thiêu cháy hoàn toàn đồn Ngọc Hồi của quân giặc, mở đường tiến thẳng vào thành Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị thất trận, tháo chạy qua cầu phao, rút về nước; cầu bị gãy vì quá tải, hàng ngàn quân bị đẩy xuống sông mà chết.

Như vậy, kể từ ngày 16/12/1788, khi tên lính Mãn Thanh đầu tiên đặt chân lên đất Thăng Long, cho đến ngày 30/1/1789 (tức mồng 5 Tết năm Mậu Thân), vua Quang Trung dẫn đầu đoàn hùng binh tiến vào quét sạch quân xâm lược, kinh thành Thăng Long được giải phóng, quân Thanh chỉ chiếm được Thăng Long tổng cộng được 45 ngày. Chiến thắng đại phá quân Thanh của Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đập tan thế lực ngoại xâm, vạch trần sự nhu nhược, hèn yếu của các thế lực phong kiến, tay sai, giành lại giang sơn gấm vóc, mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển của dân tộc.

Những chiến thắng vang dội trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói trên đã làm nên biểu tượng văn hóa Việt Nam. Những chiến thắng đó đều lấy tinh thần yêu nước làm động lực nên đã động viên được sức mạnh toàn dân, cả nước đánh giặc, trở thành truyền thống của văn hóa Việt Nam mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, một biểu tượng chói lọi của văn hóa Việt Nam

Cách đây 70 năm, từ ngày 13/3 đến 7/5/1954, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ xứng đáng là một biểu tượng chói lọi của văn hóa Việt Nam.

Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Hồ Chủ tịch và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Sau hơn 7 năm kháng chiến, ta càng đánh càng mạnh, thực dân Pháp càng lâm vào thế bị động. Nhằm "tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự", Na-va - Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã đề ra kế hoạch quân sự mới vào tháng 7/1953 với hy vọng quân Pháp đang trong tình thế phòng ngự bị động sẽ “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng.

Về phía ta, Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nguyên tắc chỉ đạo chiến lược, tác chiến là tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, tương đối yếu mà đánh; giữ vững thế chủ động, kiên quyết tiến công, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng, chọn thời cơ quyết chiến, quyết thắng.

Được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã nhanh chóng tiến hành xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Các tướng lĩnh Mỹ và Pháp đều cho rằng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả chiến bại”, với mục tiêu thu hút, làm tiêu hao quân chủ lực của ta, đồng thời khống chế toàn bộ vùng Tây Bắc nước ta và Thượng Lào. Do đó, để giành thắng lợi mang tính quyết chiến chiến lược, quân ta cần tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để làm lung lay đến tận gốc rễ hy vọng tiếp tục chiến tranh của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ.

Ta nhận định Điện Biên Phủ có một vị trí cô lập, xa căn cứ hậu phương của địch và mọi sự tăng viện, tiếp tế đều dựa vào đường hàng không. Lực lượng ta có tinh thần chiến đấu cao và đã được huấn luyện về cách đánh tập đoàn cứ điểm. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Từ ngày 13/3/1954, tại mặt trận Điện Biên Phủ, quân ta đã tiêu diệt lần lượt từng cứ điểm, vây lấn địch từng mét hào và mở những đợt tiến công quyết định đi đến thắng lợi. Vào hồi 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ-cát cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch đầu hàng và bị bắt sống. Kết thúc chiến dịch, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu toàn bộ 16.200 tên địch, trong đó có 1 tướng, hạ 62 máy bay, 81 đại bác. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt,” nhưng “gan không núng, chí không mòn”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Na-va, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Đây là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.

Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy Nhân dân và Quân đội ta rất anh hùng. Những người dân từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cho chiến trường, tiếp thêm ý chí cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận. Bằng tài thao lược của Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng ý chí quyết chiến, quyết thắng, Bộ đội ta đã vượt lên bao mưa bom bão đạn, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo và cắm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Bác Hồ trao trên nóc hầm Đờ-cát.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, của ý chí quyết chiến, quyết thắng, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng”; của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. 70 năm đã trôi qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng chói lọi của văn hóa Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm vóc thời đại sâu sắc.

Phát huy mạnh mẽ biểu tượng Chiến thắng Điện Biên Phủ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Ngày nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới nặng nề, phức tạp đòi hỏi phải “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; ý chí quyết chiến, quyết thắng và khát vọng hòa bình của Nhân dân ta, thể hiện sâu sắc, đậm nét trong các cuộc kháng chiến mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tiếp theo. Để phát phát huy mạnh mẽ biểu tượng Chiến thắng Điện Biên Phủ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt những định hướng chủ yếu sau:

Một là, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tôn vinh, tri ân sâu sắc tới các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong năm 2024, thi đua lập thành tích chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hai là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng. Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; cơ hội và thách thức đan xen; các thế lực thù địch, phản động bằng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc liên tục chống phá, đòi hỏi chúng ta càng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ của Đảng; lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Trong quá trình thực hiện, phải kiên định các mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, lấy bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ba là, tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới; khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam. Tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên; thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; phát huy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân.

Tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, bồi đắp niềm tin, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Tập hợp lực lượng, tạo xung lực chính trị và tinh thần, phát huy trí tuệ, sức mạnh của toàn dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy biểu tượng Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta phải có ý chí, niềm tin, khát vọng vươn lên, xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng. Biến quyết tâm thành hành động, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bốn là, tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại, tạo nền tảng bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải không ngừng củng cố, tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng theo hướng mạnh toàn diện, ổn định lâu dài, ngày càng hiện đại. Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm, biên giới, biển đảo.

Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng khu vực phòng thủ, trong đó cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở; tạo nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh; phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Năm là, thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kế thừa bài học Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nắm vững đường lối chính trị, quân sự của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, có cơ cấu, thành phần hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, bảo đảm thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Trong đó, đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang. Xây dựng Đảng bộ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các tổ chức đảng trực thuộc thực sự trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng và lực lượng; tổ chức, sắp xếp biên chế Quân đội theo hướng: tinh, gọn, mạnh, phù hợp với điều kiện tác chiến mới.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tài liệu tham khảo

1.  Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tập 5.

2.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I.

3.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược quốc phòng Việt Nam.

4.  Võ Nguyên Giáp: Điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.

5.  Dương Xuân Đống: Văn hóa quân sự Việt Nam - Văn hóa giữ nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.

6.   Ban Tuyên giáo Trung ương: Đề cương truyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

TRẦN QUỐC DÂN - Nguyên Phó Giám đốc

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật