Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đưa tư tưởng “Dân là gốc” của Đảng vào cuộc sống hiện nay

(Mặt trận) - Tư tưởng “Dân là gốc” là một trong những nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng ta, là sự kế thừa, tiếp nối bài học từ chiều dài lịch sử dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong Văn kiện Đại hội XIII, tư tưởng “Dân là gốc” được bổ sung toàn diện, phong phú và sâu sắc hơn, phản ánh tính khoa học và cách mạng, tính nhân văn và sáng tạo trong nhận thức lý luận của Đảng ta. Quan điểm đó tiếp tục định hướng công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, việc đưa tư tưởng “Dân là gốc” của Đảng vào cuộc sống là cấp thiết, trong đó vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất quan trọng.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng theo tinh thần Đại hội XIII - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại chương trình gặp mặt, tri ân ngày 17/4/2024

Tư tưởng “Dân là gốc” trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta

Lịch sử Việt Nam từ khi ra đời đến nay là lịch sử dựng nước và giữ nước gắn bó với nhau. Phải dựng nước hùng mạnh mới có khả năng giữ nước và phải giữ được nước mới có điều kiện dựng nước.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhưng triều đình Huế lúc này không biết tổ chức đánh giặc, mặc dù tinh thần kháng chiến trong dân dâng cao. Các phong trào của Trương Định, Nguyễn Trung Trực… đã chứng tỏ tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc ta. Năm 1885, Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi đã kêu gọi văn thân, sĩ phu và Nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập. Phong trào Cần Vương diễn ra mạnh mẽ, nhưng thiếu sự đoàn kết và thống nhất đã khiến nó không thể trở thành một phong trào lớn, lan tỏa trong cả nước, đặc biệt, sau khi vua Hàm Nghi bị bắt nên đã thất bại.

Sau khi đàn áp các cuộc khởi nghĩa, nhất là khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám kéo dài gần 30 năm (1884 - 1913), thực dân Pháp bắt đầu triển khai chính sách khai thác thuộc địa. Lúc này xuất hiện các phong trào chống Pháp theo khuynh hướng dân chủ tư sản, tiêu biểu là phong trào Đông du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh. Các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đã diễn ra liên tục, sôi nổi, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, thể hiện ý thức dân tộc, tinh thần chống đế quốc của Nhân dân ta, nhưng cuối cùng đều thất bại.

Một trong những nguyên nhân thất bại của các phong trào chống Pháp từ khi Pháp xâm lược nước ta đến trước năm 1930 là do tư tưởng “Dân là gốc” không được vận dụng tốt, vì vậy, không tập hợp được sức mạnh đoàn kết toàn dân tham gia giữ nước.

Giữa lúc phong trào yêu nước Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước và lực lượng lãnh đạo thì trên chính trường xuất hiện một tổ chức chính trị mới - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930. Kế thừa và phát huy tư tưởng “Dân là gốc” trong lịch sử dân tộc, Đảng ta đã thực hiện nhiều nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức quần chúng đấu tranh, đưa ra những khẩu hiệu sát đúng với đòi hỏi của thực tiễn nên đã quy tụ và tập hợp sức mạnh của Nhân dân.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939 cho thấy ý chí đoàn kết, tinh thần đấu tranh, niềm tin vào cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng, của Nhân dân ta. Năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời với mục đích liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước. Kết nạp từng đoàn thể không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, để cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, chỉ sau một thời gian ngắn, Mặt trận Việt Minh đã quy tụ được lòng dân, thu hút đông đảo các giai tầng xã hội, tạo sức mạnh quật khởi của toàn dân tộc, góp phần quyết định của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo, với đường lối cách mạng đúng đắn đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên tinh thần yêu nước của Nhân dân chống đế quốc, phong kiến, làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa người dân Việt Nam từ địa vị nô lệ lên vị trí người làm chủ đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tư do.

Có thể nói, thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1930 đến năm 1945 là sự vận dụng khéo léo, cụ thể hóa từng bước, trong từng giai đoạn cách mạng tư tưởng chính trị “Dân là gốc”, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp cụ thể nhằm biến tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trở thành hiện thực, thành hành động cách mạng, đưa lại thành công to lớn cho cách mạng giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay Nhân dân. Nhân dân tham gia lực lượng cách mạng và Nhân dân được hưởng chính những thành quả cách mạng mà mình tạo ra.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đối mặt với khó khăn, thử thách nghiêm trọng, nhất là thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, tư tưởng “Dân là gốc” được phát huy, xây dựng và động viên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính; phát huy truyền thống yêu nước, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tư do của dân tộc.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”1.

Đỉnh cao sức mạnh của tư tưởng “Dân là gốc” trong đường lối chiến tranh nhân dân là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (7/5/1954), kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, mở ra giai đoạn cách mạng mới của dân tộc ta.

Sau chín năm kháng chiến gian khổ và anh dũng, Nhân dân ta đã giành được thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền Nam - Bắc để đến tháng 7/1956, cả hai miền tiến hành tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước. Nhưng với dã tâm thâm độc, đế quốc Mỹ và các lực lượng tay sai không thực hiện Hiệp định Giơnevơ, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam trở thành thuộc địa kiểu mới.

Trước tình hình đó, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước xác định đường lối,chủ trương và biện pháp đúng đắn nhằm đưa cách mạng trên cả hai miền đất nước vượt qua thử thách và không ngừng tiến lên. Xuất phát từ bài học “Dân là gốc”, mọi đường lối, chủ trương của Đảng đều xuất phát từ lợi ích dân tộc, đáp ứng nguyện vọng và lòng mong mỏi của Nhân dân cả nước, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng: xây dựng, củng cố hậu phương miền Bắc và quyết chiến, quyết thắng, đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tạo tiền đề cho đất nước ta chuyển sang thời kỳ mới: Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, cả nước tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, từ năm 1975 đến 1986 là thời kỳ đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thời kỳ này, Nhân dân ta vừa phải khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải đương đầu với chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy bài học “Dân là gốc”, chúng ta đã động viên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và củng cố sức mạnh kinh tế, quốc phòng, chiến thắng cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Từ năm 1986 đến nay, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng “Dân là gốc” luôn được đề cao và phát huy. Vì vậy, xuyên suốt các kỳ Đại hội Đảng, Đảng ta luôn đề cao bài học đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “Dân là gốc”, vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc:

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) mở đầu công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã khẳng định: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”2.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tiếp tục khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích chân chính của nhân dân”3.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996) tổng kết 10 năm đổi mới đã rút ra bài học quan trọng: “Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới mới đạt được những thành tựu hôm nay”4.

- Các Đại hội IX, X, XI, XII của Đảng đều tiếp tục khẳng định những quan điểm, bài học, tư tưởng “Dân là gốc”, đồng thời, coi đó là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên những thắng lợi trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của nước ta: “Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo”5; “đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, xuất phát từ thực tiễn, nhạy bén với cái mới”6; “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Chính nhân dân là người làm nên những chiến thắng lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân”7; “đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm ”Dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”8.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (25/1 - 2/2/2021) là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Tư tưởng “Dân là gốc” thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII đã được đúc rút từ lịch sử và tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh:

“Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”; kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”9.

Tư tưởng “Dân là gốc” là một trong những nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng ta, là sự kế thừa, tiếp nối bài học từ chiều dài lịch sử dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong Văn kiện Đại hội XIII, tư tưởng “Dân là gốc” được bổ sung toàn diện, phong phú và sâu sắc hơn, phản ánh tính khoa học và cách mạng, tính nhân văn và sáng tạo trong nhận thức lý luận của Đảng ta. Quan điểm đó tiếp tục định hướng công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại chương trình gặp mặt, tri ân ngày 17/4/2024 

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đưa tư tưởng “Dân là gốc” của Đảng vào cuộc sống hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”10. Thực tế lịch sử đã chứng minh, tin dân, dựa vào dân, biết khơi dậy sự đồng lòng và phát huy ý chí, khát vọng toàn dân tộc mới bảo đảm được sự trường tồn của non sông đất nước. Từ đó, Người chỉ rõ: “Nước lấy dân làm gốc... Gốc có vững cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”11.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; luôn coi Mặt trận và hoạt động của Mặt trận là thành tố quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã làm sâu sắc hơn tư tưởng “Dân là gốc”, thấy được sức mạnh to lớn, nguồn lực vô tận của Nhân dân; Nhân dân là nền tảng, chỗ dựa vững chắc của hệ thống chính trị, lực lượng rộng lớn trong mọi phong trào cách mạng, để từ đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trước yêu cầu mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc đưa tư tưởng “Dân là gốc” của Đảng vào cuộc sống. Để làm được việc đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần quan tâm các giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là vấn đề cần thiết, bảo đảm cho sự thành công trong việc đưa tư tưởng “Dân là gốc” của Đảng vào cuộc sống, cũng như trong việc thực hiện vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là một bộ phận cấu thành quan trọng, không thể thiếu của hệ thống chính trị Việt Nam. Việc đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động thiết thực và có hiệu quả không những bảo đảm vững chắc cho thành công trong hoạt động, mà còn phát triển, bổ sung, hoàn thiện và nhân lên sức mạnh, đồng thời phát hiện và khắc phục những điểm còn bất cập trong mọi hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo ra triển vọng phát triển trong tương lai.

Hai là, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đưa tư tưởng “Dân là gốc” của Đảng vào cuộc sống. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, cần phát huy sức mạnh toàn dân tộc, chủ nghĩa yêu nước; mọi hoạt động của toàn hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của Nhân dân.

Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; Tiếp tục làm tốt nhiệm vụ tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Ba là, trong quá trình hoạt động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn phải lấy tư tưởng “Dân là gốc” làm nền tảng. Điều đó đặt ra yêu cầu Mặt trận Tổ quốc các cấp và cán bộ Mặt trận Tổ quốc phải gắn bó, sâu sát hơn nữa với cơ sở, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình Nhân dân để tham mưu, kiến nghị kịp thời, đầy đủ tới cấp uỷ đảng, chính quyền.

Cần thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, chu toàn đường lối, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các chương trình mục tiêu quốc gia. Chăm lo, hỗ trợ đối với người khó khăn, các đối tượng yếu thế,… đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thấm nhuần tư tưởng, quan điểm “Dân là gốc” của Đảng. Nâng cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của quần chúng nhân dân - người làm nên lịch sử, nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên, các cá nhân có uy tín, có tầm ảnh hưởng.

Thường xuyên củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Năm là, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của Nhân dân là xuất phát điểm, là mục tiêu hướng đến của mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền và trách nhiệm làm chủ của Nhân dân, kiên trì cụ thể hóa nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với Nhân dân; việc gì cũng bàn với Nhân dân và giải thích cho Nhân dân hiểu rõ; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước Nhân dân và hoan nghênh Nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi Nhân dân; tự mình phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để Nhân dân noi theo.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.534.

2,3,4,5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.30, 425, 680-681, 906.

6,7,8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần II (Đại hội X, XI, XII), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.94-95, 498, 632-633.

9.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.96-97.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.130, 453.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.501-502.

 TRẦN QUỐC DÂN -  Nguyên Phó Giám đốc

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật