(Mặt trận) - Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội đến ngày 6/9 để phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần Chỉ thị số 17 của UBND thành phố Hà Nội, những ngày qua trên khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố, UBND, Ủy ban MTTQ các cấp cùng các tổ chức thành viên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn.
|
Bà Lê Thị Vinh (bên phải) tặng quà hỗ trợ người thuê trọ ngoài việc miễn, giảm tiền thuê nhà. Ảnh: Báo Hà Nội mới
|
Quận Tây Hồ: Ấm lòng nghĩa cử miễn, giảm tiền thuê trọ cho người gặp khó khăn
Tính đến ngày 23/8, 8/8 phường trên địa bàn quận Tây Hồ đã vận động 700 chủ nhà trọ cùng chung tay với địa phương hỗ trợ trực tiếp người lao động gặp khó khăn bằng việc giảm hoặc miễn tiền thuê 2.297 phòng trọ, với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Hành động đẹp này ấm lòng hàng nghìn người thuê trọ trong đại dịch.
Những ngày qua, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, phường và nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận Tây Hồ đã triển khai nhiều đợt hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người lao động tự do mất việc còn mắc kẹt trên địa bàn. Cùng với đó, thông qua hình thức phát hành thư ngỏ các phường vận động các chủ nhà miễn, giảm tiền thuê nhà cho người gặp khó khăn.
Đồng cảm, chia sẻ với nỗi vất vả của không ít người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khi phải tạm nghỉ việc, không có thu nhập, nhiều chủ nhà trọ tại quận Tây Hồ đã chủ động giảm giá, thậm chí miễn phí cho người thuê. Bà Bùi Thị Điểm, Tổ trưởng tổ dân phố 12 (phường Yên Phụ), cho biết: “Trong tổ đã có 9 gia đình tham gia giảm giá hoặc miễn phí phòng trọ. Tiêu biểu như gia đình bà Phạm Thị Phượng, bà Lê Thị Vinh, ông Đỗ Danh Yên…”.
Dãy nhà trọ của gia đình bà Lê Thị Vinh (tổ dân phố 12, phường Yên Phụ) có 15 phòng. Bà Vinh cùng gia đình đã giảm 50% tiền 2 tháng cho người thuê, với mong muốn chia sẻ khó khăn trong mùa dịch.
Ngoài ra, bà Vinh còn tặng nhu yếu phẩm cho các phòng trọ của gia đình. Là người thuê được giảm tiền phòng, chị Trần Thị Nhật vui mừng, cho biết: “Do dịch bệnh nên vợ chồng tôi đều tạm thời nghỉ việc, cũng không thể về quê ở Hải Dương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi rất biết ơn tấm lòng của bác Vinh khi được miễn giảm tiền thuê nhà 2 tháng, bác lại còn tặng đồ ăn cho chúng tôi”.
Về kết quả vận động người dân giảm tiền thuê trọ trên địa bàn, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Hoàng Xuân Sáng, cho biết: Đến ngày 23-8, đã có 86 hộ gia đình miễn giảm 227 phòng trọ, với tổng số tiền 354,9 triệu đồng. Có 40 người nước ngoài, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ được giảm giá cho thuê, với số tiền 365 triệu đồng.
|
Phường Quảng An trao quà hỗ trợ người lao động tự do trên địa bàn. Ảnh: Báo Hà Nội mới |
Tương tự, tại phường Xuân La, qua vận động, các chủ nhà trọ đều đồng lòng quan tâm, ủng hộ, cùng chia sẻ với các lao động tạm trú đang phải ở lại. Bí thư Đảng ủy phường Xuân La Nguyễn Mạnh Tiến cho biết: Công an phường cùng các ban, ngành, đoàn thể của phường đã vận động được 206 chủ nhà thực hiện miễn giảm tiền thuê cho 886 người ở trọ với tổng số tiền 454,3 triệu đồng, qua đó, góp phần giảm gánh nặng rất lớn cho người dân đang lưu trú, thuê trọ trên địa bàn phường.
Còn tại phường Phú Thượng, có 111 chủ nhà cùng thực hiện miễn giảm tiền thuê trọ cho người lao động. Cụ thể, có 312 phòng trọ được miễn giảm với số tiền hơn 557 triệu đồng, trong đó, có 45 hộ giảm 50% tiền thuê trọ; 24 hộ miễn phí cho người thuê. Là một trong 24 chủ nhà trọ đã miễn 100% tiền thuê nhà, ông Công Xuân Lập (tổ dân phố 4, phường Phú Thượng), cho biết: “Cùng với Đảng bộ, chính quyền phường Phú Thượng, chúng tôi mong muốn được giúp thêm một phần nhỏ cho những người lao động vượt qua khó khăn, cùng nhau thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch”.
|
Ban Chỉ huy quân sự quận Tây Hồ tặng quà cho người lao động ngoại tỉnh ở phường Bưởi. Ảnh: Báo Hà Nội mới
|
Thời gian tới, UBND quận Tây Hồ tiếp tục chỉ đạo các phường tăng cường vận động chủ nhà trọ chung tay giúp đỡ, hỗ trợ người thuê trọ vượt qua giai đoạn khó khăn, để người dân an tâm ở lại Thủ đô, thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch, góp phần cùng cộng đồng sớm đẩy lùi dịch Covid-19.
Quận Đống Đa: Hơn 1.000 người dân được hỗ trợ nhu yếu phẩm từ ''Siêu thị mini 0 đồng''
|
Người dân đến mua hàng tại “Siêu thị mini 0 đồng” diễn ra sáng 24-8. Ảnh: Báo Hà Nội mới
|
Sáng 24/8, tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (phường Hàng Bột), quận Đống Đa phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội và Tập đoàn Phú Thái tổ chức “Siêu thị mini 0 đồng” để đưa nhu yếu phẩm đến với những người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại 5 phường trên địa bàn quận Đống Đa. Đối tượng thụ hưởng là gia đình hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng số 1.007 trường hợp.
Theo đó, phường Văn Chương có 510 trường hợp, các phường Thổ Quan, Hàng Bột, mỗi phường 150 trường hợp, các phường Văn Miếu, Khâm Thiên, mỗi phường 100 trường hợp; mỗi suất quà có giá trị trung bình 400.000 đồng.
“Siêu thị mini 0 đồng” diễn ra trong thời gian 2 ngày (24 và 25-8), vận hành theo 2 phương thức: Nhóm các trường hợp nhận quà của siêu thị tại nhà gồm tổng số 700 trường hợp, trong đó: Phường Văn Chương 510 trường hợp, Văn Miếu 100 trường hợp, Thổ Quan và Khâm Thiên mỗi phường 50 trường hợp, Hàng Bột 40 trường hợp.
Đối với nhóm mua hàng trực tiếp tại siêu thị, Ban tổ chức, UBND các phường phát phiếu mua hàng, thông báo thời gian, địa điểm và chia khung giờ để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, sáng 24-8, phường Thổ Quan 110 trường hợp, chiều 24-8, phường Khâm Thiên 55 trường hợp. Phường Hàng Bột có 138 trường hợp sẽ mua hàng vào sáng 25-8.
Ghi nhận trong buổi sáng 24-8, hàng hóa tại “Siêu thị mini 0 đồng” được các cấp chính quyền, nhà tài chợ chuẩn bị rất chu đáo, nhân viên hỗ trợ, tư vấn rất khoa học. Trực tiếp đến mua hàng tại “Siêu thị mini 0 đồng”, ông Đoàn Ngọc Vinh (phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan) là thương binh cho biết: “Nhận được sự quan tâm, thấu hiểu người dân từ các cấp chính quyền trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi rất cảm kích. Thay mặt người dân địa phương, tôi chân thành cảm ơn”.
|
Ban tổ chức “Siêu thị mini 0 đồng” trao tặng 1.007 phiếu mua hàng cho người dân 5 phường quận Đống Đa. Ảnh: Báo Hà Nội mới |
Trước đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đống Đa phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự quận mở “Gian hàng 0 đồng” để hỗ trợ hàng trăm người dân, người lao động gặp khó khăn vào ngày 15-8. Hội Liên hiệp phụ nữ quận Đống Đa phối hợp với Liên đoàn Lao động quận tổ chức “Gian hàng 0 đồng” vào sáng 18-8, trao tặng 400 suất quà cho các hộ dân tại khu cách ly phường Văn Chương và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Tất cả các “Gian hàng 0 đồng”, “Siêu thị mini 0 đồng” đều với mục tiêu không để người khó khăn nào trên địa bàn quận Đống Đa không được quan tâm, hỗ trợ kịp thời.
Công đoàn Hà Nội vận dụng tối đa chính sách để kịp thời hỗ trợ người lao động
|
Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thị Thanh trao hỗ trợ tới công nhân lao động Tổ môi trường số 1 - Chi nhánh Đống Đa. Ảnh: Báo Hà Nội mới |
Cùng với việc đẩy mạnh và duy trì hoạt động của các "Tổ ứng phó khẩn cấp", Công đoàn các cấp tiếp tục chủ động nghiên cứu, vận dụng linh hoạt mô hình đã thực hiện, mang lại hiệu quả cao trong thời gian gian qua như: Mô hình "Tổ An toàn COVID-19" tại các doanh nghiệp, "Xe buýt siêu thị 0 đồng", "Chuyến xe 0 đồng", "Siêu thị 0 đồng", "Túi An sinh Công đoàn"… đảm bảo thực chất, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp Công đoàn Thủ đô và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác tham gia, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, người sử dụng lao động để giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, chăm lo, chia sẻ những khó khăn, đặc biệt là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đoàn viên, người lao động trong các Công đoàn trực quản tại đơn vị, địa phương bị thiếu ăn, thiếu mặc...
Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội là nơi có đông công nhân tại khu nhà ở tập trung, khu nhà trọ công nhân đang bị cách ly, phong tỏa cần nhanh chóng, khẩn trương tham gia, đề xuất, phối hợp với chính quyền, Công an địa phương rà soát, nắm tình hình đời sống của người lao động để tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ hỗ trợ giảm tiền thuê trọ cho công nhân gặp khó khăn. Từ đó, tạo điều kiện để người lao động yên tâm ở lại và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.
"Phải phát huy hiệu quả hệ thống đường dây nóng, khi có ai khó khăn gọi cho Công đoàn. Ngoài ra cần lưu lại thông tin người đó, xem thuộc địa bàn nào giao Công đoàn cấp trên cơ sở của địa phương đó tiếp nhận, có giải pháp kịp thời hỗ trợ, không để người lao động thiếu ăn, thiếu mặc", ông Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố, lúc này, các cấp Công đoàn phải triển khai linh hoạt, vận dụng mọi cơ chế, chính sách, tất cả vì người lao động để kịp thời hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Việc chăm lo cho người lao động khó khăn cần có kế hoạch dài hơi, nỗ lực làm hết sức vì tinh thần trách nhiệm với đoàn viên công đoàn, người lao động và vì uy tín của tổ chức Công đoàn.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khiến đời sống, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Đến nay, toàn thành phố đã có 333 doanh nghiệp dừng hoạt động; 1.489 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động. Số lao động mất việc làm là 7.388 người, số lao động thiếu việc làm là 37.100 người.
Trước tình hình đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thăm hỏi lực lượng tuyến đầu và ủng hộ "Quỹ vaccine phòng COVID-19", "Quỹ phòng, chống dịch COVID-19" của thành phố với tổng số tiền hơn 41 tỷ đồng; vận động các nguồn lực xã hội hóa được hơn 94 tỷ đồng; 60.852 đoàn viên, người lao động được hỗ trợ kịp thời và 2.090 doanh nghiệp có "Tổ An toàn COVID-19"; có 615 điểm "Vùng xanh Doanh nghiệp" được gắn biển và phê duyệt phương án hoạt động, sản xuất.
Đáng chú ý, tính đến ngày 19/8, có 73.121 công nhân, người lao động ở 8 khu công nghiệp được tiêm vaccine phòng COVID-19. Các Công đoàn cấp trên cơ sở tích cực triển khai "Chuyến xe Siêu thị 0 đồng", mô hình "Siêu thị 0 đồng" và các mô hình hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, 18.916 đoàn viên, người lao động gặp khó khăn ở các doanh nghiệp, khu nhà trọ đã được hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.
Hương Diệp