(Mặt trận) - Chiều 25/4, nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902-5/5/2022), tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”.
|
Toàn cảnh Hội thảo khoa học: "Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An". Ảnh: Thành Duy |
Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS. TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Bùi Trường Giang - Phó Chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, ngành Trung ương; đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Phan Đăng Lưu; các nhà khoa học Trung ương và địa phương.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các sở, ban, ngành.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Thành Duy |
LÀM SÂU SẮC HƠN NHỮNG HOẠT ĐỘNG VÀ CỐNG HIẾN CỦA ĐỒNG CHÍ PHAN ĐĂNG LƯU
Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902, tại thôn Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - một vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước. Tiếp thu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, đồng chí Phan Đăng Lưu đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công.
Tham gia cách mạng từ sớm, với tài năng và uy tín cao, đồng chí sớm trở thành một trong những lãnh đạo cách mạng chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương và được giao giữ nhiều vị trí quan trọng như: Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 26/8/1942, đồng chí Phan Đăng Lưu anh dũng hy sinh trước mũi súng kẻ thù.
Với 39 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, trong đó có hơn 7 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc, đồng chí Phan Đăng Lưu đã cống hiến và hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trở thành nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các đại biểu, nhà khoa học tập trung thảo luận làm sâu sắc thêm 4 nội dung về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phan Đăng Lưu: một trí thức yêu nước nhiệt thành, người cộng sản kiên trung, bất khuất; người cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam; tấm gương người cộng sản mẫu mực, phấn đấu, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; người con ưu tú của quê hương Nghệ An.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Hội thảo khoa học kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu được tổ chức trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Noi gương đồng chí Phan Đăng Lưu, từng cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Cùng với đó, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị; thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình, tự giác nêu gương gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, coi đó là một động lực và là một trong những giải pháp quan trọng, lâu dài, thường xuyên của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cách mạng tiền bối vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An khẳng định: Cuộc đời của đồng chí Phan Đăng Lưu để lại tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân; một nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, đầy mưu lược, dũng cảm và kiên cường. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, khi còn là một thanh niên yêu nước đến khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, trong lao tù đế quốc hay đến tận những giây phút cuối cùng hy sinh anh dũng trên pháp trường, đồng chí vẫn luôn giữ vững chí khí chiến đấu và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh: Thông qua Hội thảo hôm nay, sẽ góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm về cuộc đời, hoạt động và những đóng góp của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta; hiểu hơn, tự hào hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa của đất và người Nghệ An.
Bên cạnh đó, tài liệu của Hội thảo sẽ là những dữ liệu lịch sử hết sức quý báu của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Nghệ An phục vụ công tác học tập, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
|
Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh: Thành Duy |
TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH, TÔN VINH, TRI ÂN NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ PHAN ĐĂNG LƯU
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 30 bản báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo các cơ quan ban, ngành Trung ương, một số địa phương và các nhà khoa học, trong đó có 7 tham luận, ý kiến trực tiếp trình bày tại Hội thảo.
Trên cơ sở tổng hợp nội dung định hướng báo cáo đề dẫn các tham luận, có thể thấy từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An.
Đại diện gia đình đồng chí Phan Đăng Lưu, bà Nguyễn Thị Kim Dung - cháu dâu trưởng phát biểu bày tỏ xúc động, bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc, biết ơn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn ghi nhớ công lao hy sinh anh dũng của đồng chí Phan Đăng Lưu.
Để xứng đáng với tấm gương đồng chí Phan Đăng Lưu, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Con cháu trong gia đình luôn phấn đấu và công tác tốt, rất nhiều thành viên con cháu đang đứng trong hàng ngũ của Đảng, hết sức, hết lòng phục vụ cách mạng và Nhân dân, xứng đáng là con cháu nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu.
Để tiếp tục khẳng định, tôn vinh, tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: "Chúng ta hãy đẩy mạnh tuyên công tác tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ; noi gương sáng những phẩm chất trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì lý tưởng cộng sản cao đẹp của đồng chí Phan Đăng Lưu và các vị tiền bối cách mạng; sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
|
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cùng các đại biểu thăm gian trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu. Ảnh: Thành Duy |
Theo Báo Nghệ An