MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

(Mặt trận) - Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lãng phí, gây tác họa nghiêm trọng, lâu dài, khó khắc phục, cản trở đất nước vươn mình, giàu mạnh. Bởi vậy, hiện nay, Đảng, Nhà nước coi triệt bỏ lãng phí là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: Báo Nhân dân 

Với vai trò, trách nhiệm nòng cốt trong “kiềng 3 chân” của hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng, kiên định, kiên trì, bền bỉ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Lãng phí - “kẻ thù” lớn nhất, kìm hãm sự phát triển, làm xói mòn niềm tin của Nhân dân

Lúc sinh thời, bệnh “lãng phí” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ và quan điểm của Người về thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí vô cùng sâu sắc, rộng lớn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân” (1)

Từ kinh nghiệm thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận nguyên nhân gây ra thứ “giặc nội xâm” là do bệnh quan liêu gây ra: “Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. Đồng thời, Người cũng đưa ra cách diệt trừ chúng: “Muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước hết phải tẩy sạch bệnh quan liêu”(2) . Vì thế, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng, mẫu mực về đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nếp sống thanh bạch, tính cách khiêm tốn, giản dị.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay, ở mọi giai đoạn cách mạng, nhận thức rõ tính tệ hại của “quốc nạn” này, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở luôn đề cao, coi trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định đây là một trong những công việc hệ trọng hàng đầu, đấu tranh lâu dài, phức tạp cần phải làm và làm với quyết tâm chính trị cao nhất, để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Đây là một trong những tiền đề, kinh nghiệm quý báu, có giá trị cần được phát huy trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tuy nhiên, đến nay, vấn nạn lãng phí ở nước ta còn rất đáng báo động. Trong nền sản xuất ngày càng hiện đại, khoa học - kỹ thuật không ngừng tiến bộ giúp tạo ra khối lượng của cải, vật chất khổng lồ trong thời gian rất ngắn, nhưng nếu quản lý, sử dụng các nguồn lực kém hiệu quả, sai mục đích thì cho dù năng lực sản xuất có dồi dào đến đâu đi chăng nữa nếu xảy ra thất thoát, lãng phí sẽ gây nên những hậu quả nặng nề, phá hoại nền kinh tế, ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân, kìm hãm, thậm chí là kéo lùi sự phát triển của đất nước và đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong những năm gần đây, nước ta vẫn còn hàng chục công trình, dự án trọng điểm quốc gia, dự án trọng điểm đang tồn tại kéo dài, hiệu quả thấp và có nguy cơ gây thất thoát lãng phí lớn. Hiện rà soát có 57 dự án (9 dự án trong lĩnh vực xây dựng; 22 dự án lĩnh vực điện lực, công nghiệp than khoáng sản; 15 dự án lĩnh vực giao thông; 7 dự án lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thể thao - du lịch; 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp) cần xử lý chống lãng phí. (3)

Chúng ta có thể dễ dàng kể tên các dự án đầu tư “khủng” đến “siêu khủng”, lên tới nhiều ngàn tỷ đồng đã và đang gây bức xúc trong nhân dân trong những năm gần đây như: Hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam, với tổng mức đầu tư lần lượt là 4.900 tỷ đồng và 4.500 tỷ đồng. Được khởi công xây dựng từ cuối năm 2014, đến cuối năm 2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, đến nay, cả hai cơ sở y tế này chỉ dừng lại ở việc khánh thành rồi hoạt động cầm chừng hoặc tạm thời dừng hoạt động.

Đó là dự án chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư lên tới 10.000 tỷ, trải qua nhiều nhiệm kỳ, tiền Nhà nước bỏ ra rồi nhưng nhân dân Thành phố vẫn chịu cảnh ngập lụt. Cùng với đó, hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng dần qua các năm. Những quy hoạch treo “xuyên thế kỷ”, các công trình nghìn tỷ bỏ hoang vô thời hạn, các dự án được vẽ ra trên giấy để “ôm đất vàng, đất bạc”, nạn “chảy máu” tài nguyên khoáng sản, trụ sở, đất công bị “xẻ thịt”, sử dụng không đúng mục đích.... Rồi tình trạng “lạm phát” hội nghị, hội thảo, vừa tốn kém chi phí tổ chức, vừa không đem lại lợi ích, làm mất thời gian của người dự hội họp… đã gây ra một sự lãng phí rất lớn.

Trên đây là những con số “biết nói”, những “lát cắt” rất nhỏ về thực trạng lãng phí chồng lãng phí, “lãng phí mẹ đẻ lãng phí con” tồn tại trong mọi ngóc ngách ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương ở nước ta. Đau xót hơn nữa, trong khi ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, các công trình phục vụ dân sinh, hạ tầng thiết yếu thì lại thiếu kinh phí xây dựng.

Soi chiếu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, tư tưởng, chỉ đạo, sự kiến giải sâu sắc của Tổng Bí thư Tô Lâm qua các bài viết, bài phát biểu đã thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn hệ thống chính trị và xã hội, mang tính thực tiễn sâu sắc, đầy tính thuyết phục, trở thành nền tảng lý luận cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong giai đoạn mới, là “kim chỉ nam” cho hành động của cách mạng hiện nay, nhận được sự nhất trí cao trong toàn Đảng và Nhân dân đồng tình hưởng ứng, ủng hộ.

Rõ ràng, đứng trước tình hình quốc tế, tình hình đất nước đang có nhiều cơ hội và thách thức thì những vấn đề quốc gia đại sự được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu bật trong thời gian gần đây có tầm vóc lâu dài, chiến lược, nếu chớp lấy thời cơ, nắm được cơ hội thì hoàn toàn xoay chuyển được tình thế, tạo ra những kỳ tích phát triển mới, trước sự kiện trọng đại 100 năm thành lập nước, biến Việt Nam từ “nhỏ bé” thành “vĩ đại”, sánh vai với cường quốc năm châu.

Đặc biệt, trong bài viết “Chống lãng phí” (viết tháng 10/2024) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hàm chứa rất nhiều tư tưởng mới, giá trị mới, tư duy mới đột phá, nhận diện, chỉ rõ đến gốc rễ của thực trạng lãng phí đang nổi lên gay gắt. Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu lên vấn đề rất cốt lõi, mang tầm chiến lược, phù hợp với các quy luật khách quan, xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, trong đó nhấn mạnh “đẩy mạnh phòng, chống lãng phí như phòng, chống tham nhũng tiêu cực, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành tự giác, tự nguyện, cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ nguyên nhân, biểu hiện, hình thức của lãng phí như: Một là, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Hai là, lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt.

Ba là, lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.

Bốn là, lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm.

Năm là, lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.

Ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo.

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập hết sức toàn diện những “điểm nghẽn”, các vấn đề tồn tại, hạn chế trong cơ chế, thể chế và nguy cơ tác động nghiêm trọng của việc lãng phí, gây suy giảm các nguồn lực, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Đồng thời, bài viết cũng gợi mở những giải pháp rất lớn, rất khẩn trương, rất cấp bách, những việc cần làm ngay nhằm thúc giục trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để việc phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, hình thành thói quen tiết kiệm, chống lãng phí trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, thể hiện trách nhiệm với tương lai, giúp đưa tiết kiệm, chống lãng phí là nét đẹp văn hóa trường tồn của dân tộc. (4)

Trước những thay đổi nhanh chóng, những đòi hỏi nóng bỏng của thời đại, để nâng cao sức mạnh nội lực, đưa đất nước tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển bền vững, vấn đề thu hút và phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và công tác xây dựng hệ thống chính trị theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” đều là những công việc rất hệ trọng nhưng cũng khó khăn, phức tạp… mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, “đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.(5)

Do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần “lấy dân làm gốc”, khẳng định vai trò nòng cốt chính trị, không ngừng nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy cao độ truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, hưởng ứng, ủng hộ và nỗ lực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm nên những thành tựu quan trọng, có tính bước ngoặt của đất nước ta trong giai đoạn tiếp theo.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tạo sự đoàn kết, thống nhất, động viên Nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Quyết tâm đã có, cách làm đã rõ, đòi hỏi toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, thực hiện đồng bộ các giải pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, pháp luật, chính sách, đi những bước vững chắc, tích cực, chủ động, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm để bắt kịp yêu cầu đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục ngay các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Không thể nằm ngoài xu thế đổi mới tích cực đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên cần tích cực, chủ động trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền; Tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước, giám sát văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan nhà nước ban hành có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; Tăng cường sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy từ Trung ương đến các địa phương; Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đi đôi với khơi dậy tinh thần dấn thân, khát vọng cống hiến của mọi tổ chức, cá nhân đóng góp trí tuệ, công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc …

Với vai trò, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, để tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thực hiện thực chất trong mọi mặt đời sống chính trị - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu tinh gọn bộ máy, đẩy lùi, triệt bỏ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đặt ra trong thời gian tới là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, yêu cầu sự năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, đòi hỏi quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn… tạo đà, tạo tâm thế, nền tảng vững chắc để Mặt trận và các tổ chức thành viên cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần đấu tranh, lao động, sáng tạo của Nhân dân là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn lực mạnh nhất đưa dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, “thác ghềnh”. Và để phát huy tối đa tinh thần, ý chí, sức mạnh của Nhân dân - chủ thể đóng vai trò trung tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, tăng cường đồng thuận, phát huy vai trò của xã hội trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hình thành phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thông qua hoạt động, hệ thống Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, làm sâu sắc những thông điệp, các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm đến với các cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong xã hội.

Tích cực vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, coi lãng phí là “giặc nội xâm” - kẻ thù của Nhân dân. Tham gia hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí, nhận diện những biểu hiện của lãng phí. Khích lệ, cổ vũ, động viên, khơi dậy sức sáng tạo của Nhân dân khi hăng hái tham gia các phong trào thi đua tiết kiệm, chống lãng phí. Kiến nghị tôn vinh và khen thưởng các tập thể, cá nhân có hành động đẹp, cách làm hay trong tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi gây lãng phí, thất thoát tài sản công.

Hai là, trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên luôn là địa chỉ tin cậy, lắng nghe, chia sẻ, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã khẳng định vai trò, vị trí, những đóng góp quan trọng của hệ thống Mặt trận các cấp trong việc thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, tới đây, để phù hợp với thực tiễn tình hình mới, hệ thống Mặt trận cũng cần phải đổi mới, có giải pháp tổng thể, có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.

Mặt khác, những tồn tại, hạn chế của công tác giám sát, phản biện xã hội cần phải nhanh chóng khắc phục. Trong đó, cần chú trọng tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phục vụ các hoạt động giám sát, phản biện. Việc tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc trả lời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải duy trì thường xuyên, liên tục, phải kiên trì, bền bỉ trong việc theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện, nhất là những vụ, những việc ảnh hưởng lớn, nổi cộm, gây bức xúc trong Nhân dân.

Ba là, ở Trung ương, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần chú trọng tham gia xây dựng pháp luật và giám sát công tác xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước, góp phần phòng, chống lãng phí. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội đối với các dự án luật cần đề cao cảnh giác, thực hiện đầy đủ các biện pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn biểu hiện của lợi ích nhóm trong xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như: phân bổ ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, hoạt động đầu tư công, ngân hàng, đất đai, xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Đồng thời, có kiến nghị, đề xuất các giải pháp, biện pháp hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, để phòng, chống “lợi ích nhóm” trong hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật. Qua đó, công tác xây dựng chính sách, pháp luật được thực hiện khách quan, đảm bảo chất lượng, ổn định, lâu dài, không có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không cài cắm đặc quyền, đặc lợi, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất trong xây dựng chính sách, pháp luật.

Ở địa phương, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) ở xã, phường, thị trấn cần được đề cao, chú trọng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động. Ban TTND và Ban GSĐTCĐ chính là những “tai mắt” của Nhân dân ở cơ sở. Hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCĐ kiến nghị với chính quyền xử lý vi phạm, góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở trên các lĩnh vực như đất đai, giao thông, thu chi ngân sách, chế độ chính sách đối với những người có công…

Bởi vậy, các cấp, các ngành cần tổng kết nhưng cách làm hay, cách làm sáng tạo của Ban TTND và Ban GSĐTCĐ, từ đó nhân rộng mô hình hay, điển hình tiên tiến, nhằm kiểm soát, giải quyết, xử lý kịp thời thất thoát, lãng phí ngay từ sớm, từ manh nha, kể cả lãng phí ở khu vực ngoài nhà nước, khu vực tư nhân, không để phát sinh những điểm nóng, điểm phức tạp xảy ra, cũng là cơ sở để đấu tranh chống lại những biểu hiện tham nhũng, lãng phí trong các công trình xây dựng, dự án trên địa bàn. Chất lượng công trình được đảm bảo, tạo lòng tin cho Nhân dân, giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ vững ổn định tại địa phương.

Bốn là, hiện nay 70% chi ngân sách là chi thường xuyên để duy trì bộ máy hoạt động, nguồn tài chính để chi cho đầu tư phát triển là rất hạn hẹp. Bên cạnh đó, sự chồng chéo, nhiều tầng nấc, không rõ trách nhiệm và thẩm quyền cũng dẫn đến nguy cơ gây đùn đẩy trách nhiệm, hoặc nghiêm trọng hơn là “lấn sân”, “bao biện làm thay”, cản trở, thậm chí vô hiệu hóa lẫn nhau giữa các đơn vị.

Tuy nhiên, vấn đề tinh gọn bộ máy, hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị là vấn đề rất khó, phức tạp, nhạy cảm, mức độ tác động lớn, ảnh hưởng tới tâm tư của đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức… Với thực trạng hiện nay, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, sự phát triển bền vững của đất nước thì cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là vấn đề phải bàn làm, không thể bàn lùi.

Đối với người đứng đầu các ngành, các lĩnh vực, các địa phương cần nêu gương, tiền phong, gương mẫu cùng đội ngũ công chức, viên chức có quyết tâm chính trị cao, sự dũng cảm, hy sinh, nỗ lực lớn, vượt lên chính mình, vượt qua tâm tư cá nhân, đặt nhiệm vụ phục vụ Nhân dân lên trên hết, trước hết vì mục tiêu chung.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị để cán bộ, công chức, viên chức hiểu, ủng hộ, chia sẻ, nhất trí, đạt đồng thuận, tạo trận địa thuận lợi cho công tác tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, tổ chức.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với việc sắp xếp, tinh giản bộ máy diễn ra minh bạch, công bằng theo đúng quy trình, thủ tục theo quy định, xây dựng các phương án giải quyết chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ, công chức, viên chức có liên quan và có lộ trình bố trí, sắp xếp hợp lý để bảo đảm đúng số lượng quy định; xây dựng phương án sử dụng tài sản của các cơ quan, tổ chức... Việc tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị không gây xáo trộn, không làm ảnh hưởng, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt, hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Năm là, hành trình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong thời gian tới sẽ tiếp tục trải qua vô vàn khó khăn, thách thức và gặp phải sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Những thông tin, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống phá cách mạng có thể làm hoang mang một bộ phận dư luận, làm một số cán bộ, đảng viên bị nhiễu loạn, trở nên nản lòng, chùn bước... Do vậy, công tác Mặt trận phải đi trước một bước, kịp thời nắm bắt tình hình Nhân dân, lắng nghe Nhân dân kịp thời, giải quyết có hiệu quả những bức xúc của Nhân dân, tạo đồng thuận trong thực hiện các chủ trương lớn, làm cho Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, trong đó có vai trò của cán bộ Mặt trận các cấp trong việc tích cực tham gia tuyên truyền về ý thức sử dụng mạng xã hội, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm phát huy vai trò của các các chức sắc, chức việc tôn giáo và người tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, góp phần tạo nên môi trường mạng lành mạnh, văn minh, tiến bộ, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, không để các thế lực thù địch có cơ hội lợi dụng, lôi kéo để kích động, chống phá, bội nhọ hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp trên không gian mạng và không gian thực.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn là thông, đã quyết thì cả nước một lòng” - như lời hiệu triệu tinh thần đại đoàn kết của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, bằng với sự quyết tâm cao nhất cùng các giải pháp đồng bộ của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự trợ lực của Nhân dân thì công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chắc chắn sẽ thành công, chuyển hóa thách thức thành cơ hội để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh trong kỷ nguyên đang tới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TS. Vũ Văn Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch,

Trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 141.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 295.

3. 57 dự án vào "tầm ngắm" cần xử lý chống lãng phí - Báo Dân trí, đăng ngày 31/10/2024 (link: https://dantri.com.vn/xa-hoi/57-du-an-vao-tam-ngam-can-xu-ly-chong-lang-phi-20241030212929163.htm)

4. Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí, ngày 13/10/2024 trên Báo điện tử Vietnamplus (Link: https://www.vietnamplus.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-ve-chong-lang-phi-post983016.vnp)

5. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả', ngày 05/11/2024