Hà Nội: Quận Hà Đông với phong trào 'Vì công nhân mắc kẹt' do giãn cách xã hội

(Mặt trận) - Ngày 1/9, quận Hà Đông phát động “Chương trình 15.000 túi an sinh” đợt 2 nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay cùng Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị tổn thương do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguồn lực huy động từ chương trình để hỗ trợ các hộ gia đình, người lao động ngoại tỉnh đang ở lại tại các công trình xây dựng, khu nhà trọ trên địa bàn.

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử

Nhóm lao động làm nghề xây dựng đón nhận túi an sinh do quận Hà Đông trao tặng. 

Bà Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, với việc phát động “Chương trình 15.000 túi quà an sinh” để hỗ trợ lần hai, lần ba cho các công nhân ngoại tỉnh bị “mắc kẹt” tại các công trình, các khu nhà trọ, UBND các phường trên địa bàn quận sẽ huy động 8.000 túi an sinh, các ngành, đoàn thể huy động khoảng 7.000 túi với tổng trị giá khoảng hơn 5 tỷ đồng. Mỗi túi an sinh hỗ trợ đối với cá nhân có trị giá từ 200.000 đến 300.000 đồng, đối với hộ gia đình có trị giá từ 400.000 đến 500.000 đồng, gồm một số lương thực, thực phẩm thiết yếu, góp phần bảo đảm đời sống cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị ở lại phía sau. Nhân sự kiện này, quận vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà nhằm giúp đỡ người lao động gặp khó khăn trong thời gian giãn cách.

Sau lễ phát động, đại diện lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hà Đông đến thăm hỏi, động viên, trao túi an sinh cho một số lao động tự do ngoại tỉnh bị “mắc kẹt” tại phường Phú La. Đón nhận túi an sinh, bà Trần Thị Xuân, đến từ huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) cho biết: "Nhóm chúng tôi gồm 8 người, làm công nhân xây dựng, không thể đi làm, cũng không thể về quê trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Rất may, chúng tôi đã hai lần được các cơ quan chức năng quận Hà Đông quan tâm, hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Điều đó giúp chúng tôi yên tâm giãn cách xã hội để bảo đảm an toàn cho bản thân, cộng đồng".

Theo bà Cấn Thị Việt Hà, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư trên địa bàn Hà Nội, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ kéo dài hơn một tháng qua dẫn tới hàng loạt công nhân không có việc làm và thu nhập, cuộc sống vô cùng khó khăn. Quận Hà Đông phải đối mặt với hai vấn đề lớn là bảo đảm an sinh xã hội và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, những công trình thiết yếu, cấp bách.

Khi vừa bùng phát dịch, các doanh nghiệp ngừng hoạt động, quận đã chủ động chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt, dự báo cuộc sống của nhân dân. Việc đầu tiên quận Hà Đông thực hiện là giao cho từng tổ dân phố, các doanh nghiệp rà soát đối tượng là công nhân và sinh viên: Trên địa bàn quận có 13.000 lao động và khoảng 400 sinh viên đang bị mắc kẹt do giãn cách không thể về quê.

Sau khi rà soát, nắm tình hình, quận đánh giá người lao động các tỉnh đang lưu lại trên địa bàn có nguy cơ thất nghiệp và thiếu đói nhất. Vì vậy, Quận ủy, UBND quận phát động sâu rộng phong trào quyên góp, ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các địa phương khác. Nhiều nhà hảo tâm, nhiều địa phương đã tích cực ủng hộ như: huyện Ứng Hòa tặng 3 tấn gạo và 15 ngàn quả trứng vịt; xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa hỗ trợ 2 ngàn quả trứng, 2 tấn rau, 250 kg gạo; huyện Ba Vì 5 tấn rau xanh; huyện Thường Tín 5 ngàn quả trứng; hộ kinh doanh của bà Trần Thị Lê, phường Nguyễn Trãi đóng góp 10 tấn gạo… Đến nay, quận đã hỗ trợ 15.500 suất quà cho lao động ở lại địa bàn.

Ông Trần Hải Sơn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hà Đông cũng chia sẻ, ông đã cố gắng lo chu toàn công việc gia đình để vợ là bác sỹ quân y vào miền Nam chống dịch. Những ngày qua, tinh thần tình nguyện, giúp đỡ nhau luôn là nét đẹp truyền thống của người dân Hà Đông. Mỗi phường đều tự lo rất tốt công tác an sinh nên đã giảm áp lực cho quận. Bên cạnh việc chỉ đạo các phường chủ động, quận đã vận động ủng hộ được hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo và người lao động thiếu ăn. 

Quận Hà Đông còn công bố đường dây nóng, số Zalo, trang mạng xã hội Facebook, công khai số điện thoại của lãnh đạo quận, lãnh đạo các phường để nhân dân được biết. Theo đó, những người khó khăn, lao động lang thang không có nơi ăn, ở khi liên hệ với chính quyền sẽ được giúp đỡ. Đơn cử như trường hợp lao động là người Tuyên Quang, Lào Cai làm công nhân ở nơi khác nhưng đi lang thang trên địa bàn đã được phường Hà Cầu mời đến làm việc, sau khi xét nghiệm COVID-19 an toàn, phường đã bố trí nơi ở chung với các nhóm công nhân các công trường.

Theo lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông, số công nhân không thể về quê trên địa bàn quận khá nhiều nhưng với tinh thần chỉ đạo chung của thành phố là đảm bảo an toàn, không để dịch bệnh lây lan, quận Hà Đông nỗ lực để họ ở yên tâm ở lại. Trên địa bàn quận hiện có rất nhiều dự án lớn, khu đô thị, khu nhà cao tầng nên nhu cầu lao động lớn như Khu đô thị mới Dương Nội, Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, Khu đô thị Đô Nghĩa, Dự án trường Đại học Phennika... Nếu không làm tốt khâu quản lý lao động sẽ dễ dẫn tới mất an toàn dịch bệnh và trật tư xã hội.

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Hà Đông khẳng định, đối với địa bàn có nhiều người đến lao động và học tập như Hà Đông, quận luôn tập trung lo công tác an sinh xã hội, coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng và không được lơ là.

Bởi vậy, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, từ thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (ngày 24-7 đến nay), ngoài các chính sách chung, quận Hà Đông đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho gần 29.000 lượt người, hộ gia đình bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-10 với tổng trị giá gần 8 tỷ đồng, trong đó có gần 16.000 lượt người là lao động ngoại tỉnh, người ở trọ ngoại tỉnh.