Hà Nội: Cùng chăm lo cho tuyến đầu chống dịch và người lao động ở cơ sở

(Mặt trận) - Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, sự chung tay, đóng góp của cộng đồng nhằm bổ sung nguồn lực chống dịch, trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn là vô cùng cần thiết. Thấu hiểu điều này, các tổ chức thành viên của MTTQ thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình, chương trình ý nghĩa, góp phần kết nối cộng đồng vượt qua thách thức.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Tinh gọn là phải rất gọn, chức năng và nhiệm vụ phải rõ ràng

Đại diện Hội Chữ thập đỏ cùng các ngành, đoàn thể huyện Gia Lâm trao hỗ trợ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Những mô hình hiệu quả

Với vai trò là đơn vị triển khai đường dây nóng hỗ trợ những trường hợp khó khăn do dịch Covid-19 của huyện Gia Lâm (hoạt động từ ngày 11-8-2021), Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm phân công cán bộ, hội viên trực 24/24 giờ.

Nhận được thông tin, bất kể ngày hay đêm, Hội sẽ phối hợp với các ngành, địa phương xác minh hoàn cảnh của người gửi thông tin đến đường dây nóng để có phương án hỗ trợ kịp thời. Qua thông tin tiếp nhận, các lực lượng chức năng huyện Gia Lâm đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà và tiền mặt trị giá 730.000 đồng/suất cho 12 hộ gia đình khó khăn, sinh sống trên sông nước tại khu vực Bến đò Văn Đức (xã Văn Đức) vào ngày 12-8.

Trường hợp khác cũng được hỗ trợ kịp thời trong ngày 12-8 là chị Vang Thị Huyền, hiện sống một mình trong nhà trọ tại thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm). Chị Huyền là lao động ngoại tỉnh bị mất việc làm, chưa thể về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19... “Tôi đã nhận được 10kg gạo và một số thực phẩm thiết yếu, có thể đủ sử dụng đến ngày 23-8 là thời điểm Hà Nội hết giãn cách xã hội đợt 2 tính từ ngày 24-7, nên giờ không còn phải quá lo lắng”, chị Huyền nói.

Ngoài ra, chương trình “Mỗi tuần một món ăn” cũng được lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ huyện Gia Lâm tập trung vận động nguồn lực, nỗ lực triển khai, mang lại hiệu quả tích cực. Qua 4 tuần tổ chức, toàn huyện cung cấp được khoảng 2.000 suất ăn và sữa đến các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, khu cách ly trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Cùng với những mô hình, chương trình hình thành trong thời gian giãn cách xã hội, lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ huyện Gia Lâm bền bỉ kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tăng cường ủng hộ nguồn lực để giúp đỡ về nhiều mặt cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Yến cho biết, từ thời điểm toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội (ngày 24-7) đến nay, tổng trị giá nguồn lực do Hội Chữ thập đỏ huyện vận động đạt khoảng 1,3 tỷ đồng, đã trợ giúp kịp thời cho hàng nghìn lượt người, gia đình gặp khó khăn. Những ngày gần đây, Hội tập trung vận động ủng hộ lương thực, thực phẩm thiết yếu, như gạo, bún khô, dầu ăn, nước mắm, đường..., để cùng Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm và các tổ chức hội, đoàn thể của huyện hỗ trợ cho hội viên, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn... Ngoài ra, Hội còn "tiếp sức" cho một số cơ sở mầm non tư thục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, để các cơ sở này hỗ trợ thêm cho giáo viên, nhân viên cần trợ giúp...

Phát huy tinh thần “Vì mọi người, ở mọi nơi”, dịp này, các tổ chức hội, Chi hội chữ thập đỏ huyện Gia Lâm đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với những hoàn cảnh cần trợ giúp trong cộng đồng. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đa Tốn Nguyễn Thị Minh Thu cho hay: “Song song với việc huy động nguồn lực hỗ trợ phòng, chống dịch, chúng tôi vẫn duy trì trợ giúp một số địa chỉ nhân đạo, giúp đỡ các trẻ em mồ côi trên địa bàn xã với mức trung bình tổng cộng 16 triệu đồng/tháng”.

Có hai con là Đỗ Đức Đạt và Đỗ Đức Bảo nhận được sự trợ giúp thường xuyên, chị Đào Thị Thêm, thôn Khoan Tế (xã Đa Tốn) chia sẻ: “Chồng tôi không may mất sớm, một mình tôi nuôi 2 con ăn học và chăm sóc mẹ chồng tuổi đã cao, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của nhà hảo tâm thông qua Hội Chữ thập đỏ xã Đa Tốn, các con tôi có điều kiện được học tập, vui chơi như bạn bè. Ở thời điểm dịch Covid-19 hiện nay, gia đình tôi cũng không bị rơi vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc”.

Vui hơn, khi thấy nguồn lực trợ giúp phát huy hiệu quả dưới sự điều phối của Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đồng hành, ủng hộ. Có thể kể đến, Gia đình Thiện Tâm Duyên; Chi hội chữ thập đỏ “Nghĩa tình Gia Lâm”...

Là nhà hảo tâm tích cực ủng hộ phong trào, hoạt động chữ thập đỏ tại huyện Gia Lâm, bà Nguyễn Thị Tâm, thôn 6, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) cho hay: “Tôi tin tưởng vào hiệu quả của các chương trình, hoạt động do Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm triển khai. Do đó, khi người dân gặp khó khăn, tôi sẵn sàng trợ giúp cho họ thông qua Hội”.

Còn theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu, các phong trào, hoạt động do Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm đã, đang triển khai đã thiết thực góp phần bảo đảm an sinh xã hội nhất là trong bối cảnh có dịch Covid-19, nên cần được tiếp tục phát huy.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng trao túi "An sinh Công đoàn" cho người lao động tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Những "Chuyến xe siêu thị 0 đồng" và túi quà "An sinh Công đoàn" tới tận tay người lao động

Ngày 17-8, Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã tổ chức 3 "Chuyến xe siêu thị 0 đồng" di chuyển đến 26 công đoàn cơ sở trên địa bàn quận, trao 339 túi quà "An sinh Công đoàn" tới 339 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 14 phường.

Thay mặt đoàn viên, người lao động được nhận quà hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Hồng La - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Thăng Long Kidsmart chia sẻ, thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, nhà trường nghỉ đón trẻ từ đầu tháng 5-2021 đến nay, đồng nghĩa với việc không có nguồn thu. Do đó, đời sống, sinh hoạt của 61 gia đình giáo viên, nhân viên nhà trường gặp không ít khó khăn. Phần quà được trao tặng lần này, giá trị vật chất tuy không lớn, nhưng đến với đoàn viên, người lao động đúng lúc khó khăn thật là đáng quý, đáng trân trọng.

Đến nay, tổng số quà Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã hỗ trợ tới đoàn viên, người lao động là 901 suất; hỗ trợ 93 "Tổ an toàn Covid-19" và tặng quà động viên 2 đơn vị tuyến đầu chống dịch là Trung tâm Y tế quận Long Biên và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Tổng kinh phí và giá trị quà đã trao tặng tới các đơn vị, đoàn viên, người lao động là trên 700 triệu đồng.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đã đến thăm, trao tặng 1 thùng quà và 50 suất quà (mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng) cho đội ngũ y, bác sĩ, người lao động tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh; trao 1.000 túi "An sinh Công đoàn” cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh).

Dịp này, Đoàn công tác huyện Mê Linh đã trao tặng cho đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế huyện với tổng số tiền 20 triệu đồng cùng 2.500 chiếc khẩu trang y tế kháng khuẩn, 300 tấm chắn giọt bắn, 10 thùng nước. Đoàn công tác cũng tặng một số nhu yếu phẩm như sữa, nước, tấm chắn giọt bắn cho một số chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn huyện.

Đón nhận tình cảm của tổ chức Công đoàn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh Đỗ Viết Tiến bày tỏ: “Người lao động của bệnh viện vui mừng và xúc động khi đón nhận sự quan tâm, động viên của tổ chức Công đoàn. Đây chính là liều thuốc tinh thần, tiếp thêm ý chí, động lực để chúng tôi thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19”.

Công nhân lao động ngoại tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở huyện Đan Phượng được nhận túi "An sinh Công đoàn” ngày 17-8. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Cùng ngày, Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng tổ chức trao tặng túi "An sinh Công đoàn" cho 57 công nhân lao động ngoại tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại các xã Liên Trung, Đồng Tháp, Tân Lập, Đan Phượng và Trung tâm Đăng kiểm Tâm Đức. Đồng thời, Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức cũng tổ chức mở 3 "Gian hàng 0 đồng" tại các xã La Phù, An Khánh, An Thượng.

Người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại huyện Hoài Đức đến nhận quà hỗ trợ tại ''Gian hàng 0 đồng”. Ảnh: Báo Hà Nội mới

2.000 suất quà trao tặng thiếu nhi gia đình công nhân, lao động tự do

Ngày 17-8, Thành đoàn, Hội đồng Đội thành phố Hà Nội phối hợp với 21 đoàn thanh niên, hội đồng đội các quận, huyện, thị xã và Đoàn Thanh niên các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức trao tặng 2.000 suất quà tới thiếu nhi gia đình công nhân, lao động tự do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mỗi suất quà trị giá 300.000 đồng, gồm: Gạo, sữa, bánh kẹo, dầu ăn, trứng, xúc xích…, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tổ chức Đoàn, Hội, Đội thành phố Hà Nội đối với thiếu niên, nhi đồng Thủ đô.

Trước đó, hàng trăm suất quà đã được trao tặng tới thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Bắc Từ Liêm và huyện Thường Tín.

Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội Lý Duy Xuân trao các suất quà tới Quận đoàn Hai Bà Trưng. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Hoạt động trên nằm trong chương trình “Hà Nội nghĩa tình - Suất quà trao em” do Thành đoàn, Hội đồng Đội thành phố Hà Nội tổ chức, với mục tiêu hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồng hành cùng gần 3.000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn và gia đình ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.

Thời gian tới, chương trình sẽ cùng với các nhà tài trợ tiếp tục có những phần quà thiết thực gửi tặng các thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.