Các địa phương của Hà Nội huy động mọi nguồn lực phòng, chống dịch

(Mặt trận) - Để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các địa phương đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở vào phòng, chống dịch...

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đưa tư tưởng “Dân là gốc” của Đảng vào cuộc sống hiện nay

Điện Biên Phủ - Chiến thắng của “thế trận lòng dân”

Phát huy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

Chốt kiểm soát trên địa bàn huyện Đông Anh. 

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Trên địa bàn quận Cầu Giấy, theo Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Tống Xuân Duy, phường đã triển khai kế hoạch, huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, lập 5 chốt kiểm tra và 2 tổ kiểm tra lưu động, phường huy động 13 tổ Covid-19 cộng đồng với với 96 nhóm tăng cường ra quân đến từng ngõ ngách, từng hộ dân. UBND phường cũng tổ chức điểm tiêm vắc xin với đầy đủ cơ sở vật chất, bố trí công chức, đoàn viên thanh niên hỗ trợ. Hiện tổng số vắc xin đã tiêm đạt trên 2.000 mũi cho nhân dân trên địa bàn theo đúng kế hoạch được giao.

Tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa), quy định phòng dịch tại chợ Thái Hà đã được triển khai nghiêm túc, khoa học. Chủ tịch UBND phường Trung Liệt Nguyễn Thao Hùng cho biết, chợ Thái Hà có ba lối vào, đã đóng 2 lối, chỉ để 1 lối chia làm 2 luồng ra vào. Tại đây, Ban Quản lý chợ bố trí đo thân nhiệt, kiểm tra phiếu đi chợ trên cơ sở tính toán lượng người ở mức vừa phải.

Chốt vùng xanh tại ngõ Giáp Bát, phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai). 

Việc thực hiện giãn cách cũng được thực hiện nghiêm túc tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Đến thời điểm này, các tổ Covid-19 cộng đồng vẫn duy trì hoạt động, "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành quy định. Bên cạnh công tác ngăn chặn, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch tại các tòa chung cư, phường còn yêu cầu các tổ kiểm tra tăng cường tuần tra trên các tuyến phố có chợ tạm, chợ cóc, thường tập trung đông người qua lại... 

Phó Chủ tịch UBND phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) Nguyễn Quỳnh Hoa cũng cho biết, để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cơ sở vào phòng, chống dịch, UBND phường lập 9 chốt vùng xanh an toàn ở 9 khu dân cư trên toàn địa bàn và lập 3 chốt cứng tại trục đường chính ngõ 897 Giải Phóng, cầu Trắng - Giải Phóng và tại ngã 5 Kim Đồng - Giáp Bát; 2 chốt tại ngõ Giáp Bát. 

Một chốt trực kiểm tra giấy đi đường và khai báo tế trên địa bàn phường Giáp Bát. 

Tích cực hỗ trợ tuyến đầu, người dân khu vực phong tỏa

UBND huyện Đông Anh đã tổ chức diễn tập phương án, kịch bản phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhất. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Tám, huyện đã huy động toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ nghỉ hưu, y tá học đường và hàng nghìn tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành xây dựng phương án khu cách ly tập trung từ 3.000 đến 5.000 người theo chỉ đạo của thành phố.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ ngày 2 đến 5-8, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Trì đã tặng 2,7 tấn gạo cho 270 hội viên phụ nữ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn. Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Triều đã xung phong nhận nhiệm vụ mỗi ngày nấu 60-65 suất cơm tặng lực lượng tham gia trực chốt tại các điểm cách ly, kinh phí 1,5 triệu đồng/ngày. Hội Liên hiệp phụ nữ xã Liên Ninh tặng 2 ruộng rau, hằng ngày hỗ trợ 64 gia đình bị phong tỏa trong thôn Thọ Am.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Trì tặng gạo cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ngũ Hiệp. 

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, những ngày qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) là địa phương ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều nhất huyện với 6 trường hợp. UBND thị trấn đã phong tỏa các khu vực có ca F0 là 206 hộ dân với 587 nhân khẩu. Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn đảm nhận việc cung cấp lương thực, thực phẩm hằng ngày cho các hộ dân khu vực phong tỏa, cách ly.

Tương tự, 70 hội viên phụ nữ xã Hồng Hà cũng chủ động bố trí công việc gia đình để tham gia 23 chốt kiểm dịch tại các thôn, cụm dân cư và trực chốt tại chợ Bá. Tại nhiều xã, hội viên phụ nữ còn dậy sớm chuẩn bị những bữa ăn sáng cho lực lượng kiểm soát dịch tại các chốt bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Đặc biệt, thực hiện giãn cách xã hội nên việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp khó khăn, các cơ sở hội phụ nữ trong huyện đã làm cầu nối tiêu thụ hàng chục tấn rau, củ, quả cho người dân.

UBND huyện Hoài Đức cũng kiểm soát chặt chẽ việc phòng dịch tại các chợ. Huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan lập sổ theo dõi người ra vào chợ; tổ chức mua hàng hóa theo quy định một chiều; thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế, quy định 5K ngay tại cổng chợ; thu, kiểm soát và quản lý thẻ vào chợ. Đồng thời, thực hiện giãn cách giữa các hộ kinh doanh, gian hàng trong chợ.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết thêm, các địa phương đang chủ động rà soát, triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên tinh thần bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch... 

 Các tổ chức, đoàn thể, nhân dân xã Vân Côn (huyện Hoài Đức) ủng hộ rau, củ, quả cho những hộ dân ở khu vực bị phong tỏa thuộc địa bàn các xã An Khánh, An Thượng (cùng huyện).
Đo thân nhiệt cho người dân tại chợ Thái Hà (quận Đống Đa).