Hiệu quả giảm nghèo ở xã miền núi Khánh Thượng

(Mặt trận) - Khánh Thượng là một trong 7 xã miền núi, thuộc diện khó khăn nhất huyện Ba Vì. Ngoài cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa yếu vừa thiếu, đời sống của hơn 80% số hộ dân nơi đây phụ thuộc sản xuất nông nghiệp.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

 

Đặc biệt hơn, trên địa bàn xã vẫn còn một số hộ dân duy trì tập quán canh tác lạc hậu hoặc chưa thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Vì vậy mà nhiều năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Khánh Thượng luôn ở mức cao, năm 2016 vẫn còn tới 30%...

"Để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới mang tính bền vững, Đảng ủy xã Khánh Thượng xác định nhiệm vụ ưu tiên là phải giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước nâng cao thu nhập của người dân. Trong đó, giải pháp đột phá là tăng cường tuyên truyền để thay đổi tập quán canh tác của người dân, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế...", Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng Nguyễn Hữu Thịnh cho biết.

Triển khai những nhiệm vụ trên, Khánh Thượng đã phối hợp cơ quan khuyến nông các cấp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân xóa bỏ vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất tập trung, quy mô hàng hóa... Song song, xã đã thực hiện đồng bộ các chính sách về tín dụng, giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi... Điều đáng chú ý ở Khánh Thượng là khi triển khai các chính sách giảm nghèo, xã chủ trương không hỗ trợ dàn trải mà ưu tiên tập trung cho những hộ có khả năng thoát nghèo, có sức lao động, ý chí phấn đấu vươn lên. Qua đó, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của xã đến đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng phù hợp của người dân...

Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đăng Vận, người dân thôn Khánh Chúc Bãi (xã Khánh Thượng) phấn khởi nói: "Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chúng tôi có máy móc để sản xuất, có thêm vốn làm ăn, được hướng dẫn quy trình trồng trọt, chăn nuôi khoa học... Do vậy, đời sống của người dân ở đây ngày càng nâng lên. Nhân dân rất hài lòng về những kết quả do chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại".

Thực tế đến thời điểm này, thu nhập của người dân Khánh Thượng đạt gần 51 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 40 triệu đồng so với năm 2009. Hiện xã chỉ còn 38 hộ nghèo (chiếm 1,88% dân số toàn xã), giảm 95 hộ so với năm 2016...

Để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, xã Khánh Thượng đã huy động gần 210 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì và các quận... để củng cố, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. Với nguồn lực này và sự đóng góp hàng nghìn mét vuông đất và ngày công của người dân, xã Khánh Thượng đã bê tông hóa 100% đường liên thôn, cứng hóa 30,74km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp...

"Đến thời điểm này, xã Khánh Thượng đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới với tổng số 97,5 điểm. Hiện nay, Khánh Thượng đang trình các cấp, các ngành kiểm tra, đánh giá và công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới...", Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Hoàng Văn Chìu cho biết thêm.