Giữ vững “vùng xanh” an toàn bằng mô hình tự quản

(Mặt trận) - Triển khai chỉ đạo của UBND Thành phố, các địa phương thuộc Vùng 2, Vùng 3 của Hà Nội đang quyết tâm giữ vững “vùng xanh” an toàn mô hình hay, có hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ” và thôn làng, tổ dân phố, khu dân cư tự quản.

Khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới

Phú Thọ: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thanh Hóa: Hỗ trợ người nghèo “an cư” đón tết

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Văn Tuấn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì tháng 8/2021. Ảnh HNM 

Ba Vì quyết tâm giữ vững “vùng xanh” an toàn

Là địa phương thuộc Vùng 3 - vùng sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm Công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp, ông Dương Cao Thanh, Bí thư Huyện ủy Ba Vì cho biết, Huyện đang thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, tuy nhiên địa bàn vẫn có những nguy cơ cao thẩm thấu F0 khi nhiều quận, huyện của Thành phố vẫn có F0 ngoài cộng đồng. Do vậy, Ba Vì quán triệt thực hiện công tác phòng chống dịch trên tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính.

Để giữ vững “vùng xanh” an toàn, Ba Vì tăng cường kiểm soát chặt chẽ các chốt tiếp giáp với các quận, huyện bạn, nâng cấp huyện quản lý 9 chốt kiểm soát dịch, quyết định thông 5 chốt tại tây Đằng, Thụy An, Tiên Phong, Cổ Đô, với tổng số chốt duy trì hiện tại là 154 chốt mở. Tiếp tục quản lý chặt các nơi có nguy cơ cao như chợ, các chốt kiểm dịch, bệnh viện, nơi tiêm vaccine và triển khai các mô hình hay, có hiệu quả, triển khai cuộc vận động “Xóm tự quản an toàn phòng chống COVID-19” đến 31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Tại các xã của Ba Vì đã thiết lập các tấm Biển xanh treo tại các xóm tự quản để tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác Phòng chống dịch; chỉ đạo các xã, thị trấn phổ biến, tuyên truyền trong toàn dân và tổ chức lấy ý kiến các hộ dân trong các xóm, để thống nhất đăng ký “Xóm tự quản an toàn”.

Phát huy sức mạnh nhân dân trong triển khai mô hình tự quản

Trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn Hà Nội, tại huyện Ba Vì, các “Xóm ngõ tự quản an toàn” do tổ tự quản an toàn phòng, chống dịch tại thôn xóm, khu dân cư trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”, để bảo vệ dân cư không để xảy ra lây nhiễm bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn. Theo thống kê của Ban Dân vận huyện ủy Ba Vì, ngay đầu tháng 8, toàn Huyện đã có trên 1.800 mô hình tự quản được thành lập với trên 73.000 hộ gia đình tham gia.

Với phương châm phát huy sức mạnh toàn dân trong việc triển khai mô hình tự quản tại thôn, xóm, quyết tâm bảo vệ “vùng xanh”, cấp ủy chi bộ thôn Muỗi, xã Yên Bài đã họp thống nhất triển khai kế hoạch thiết lập “vùng xanh” an toàn cho 6 khu dân cư tự quản của thôn, lập các chốt kiểm soát tại xóm của thôn, không cho người lạ tự ý đi vào khu dân cư và hạn chế người từ trong ra khi không có việc cần thiết.

Cấp ủy chi bộ thôn cũng đã thống nhất giao cho Tổ COVID cộng đồng của thôn làm nòng cốt, trên cơ sở đó tập hợp, huy động người dân tham gia lập chốt, bố trí trực bảo vệ 24/24h; tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thực sự là một “chiến sĩ”, mỗi gia đình là một “pháo đài” chống dịch; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các di biến động trên địa bàn, nhất là người tạm trú, khách vãng lai...

Trên cơ sở quy chế tổ chức và hoạt động của mô hình tự quản an toàn ở các thôn xóm do UBND xã Yên Bài đã ban hành, Tổ COVID cộng đồng của thôn đã triển khai, hướng dẫn các thành viên kỹ về cách làm, cách phòng dịch, các thành viên có sổ theo dõi kiểm tra, kiểm soát hoạt động ra - vào của người dân trong khu vực, kiên quyết không để các trường hợp ra đường khi không có việc cần thiết.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh, các chốt đã khẩn trương huy động lực lượng tham gia trực chốt là trưởng khu, trưởng xóm, là người dân ở chính khu vực được chốt vùng xanh. Các chốt có phân công lịch trực rõ ràng, các hộ dân trong khu vực, mỗi nhà tham gia một ca trực. Lực lượng tham gia trực chốt đều tự đảm bảo các biện pháp bảo vệ cá nhân cần thiết như khẩu trang, nước xịt khuẩn, kính chống giọt bắn... Các trường hợp cố tình vi phạm hoặc chống đối sẽ được báo về số điện thoại đã được công bố của Sở chỉ huy và Công an xã để lập biên bản, xử phạt vi phạm theo quy định.

Đến nay trên địa bàn thôn Muỗi, xã Yên Bài không có trường hợp F0 nào, không có các trường hợp liên quan đến ổ dịch. Các trường hợp từ nơi khác trở về địa phương được yêu cầu cách ly tại nhà tự theo dõi sức khỏe đã được thông báo đến các thôn, xóm có người trở về. Mỗi người dân đều trở thành người giám sát hiệu quả nhất, khi phát hiện có người không thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch đã kịp thời báo cáo với Tổ COVID cộng đồng và Ban Chỉ đạo xã thông qua các nhóm Zalo kết nối với các hộ dân.

Chốt bảo vệ "vùng xanh" tại quận Long Biên. Ảnh: Gia Huy 

Kết nghĩa giữa các tổ dân phố để hỗ trợ chống dịch

Tại quận Long Biên, ngay sau Chỉ thị 20/CT-TU của Thành ủy Hà Nội ban hành, Ban Thường vụ Quận ủy đã họp phiên đột xuất, căn cứ mức độ nguy cơ để chia địa bàn theo 03 nhóm khu vực theo nguy cơ dịch bệnh, đồng thời xây dựng khung tiêu chí cụ thể đối với từng loại khu vực để triển khai áp dụng.

Trong đó, Quận đặt mục tiêu bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, lấy phường là “pháo đài” phòng, chống dịch; người dân là “chiến sỹ”, thực hiện tốt chủ chương “ai ở khu vực nào thì ở khu vực đó” để góp phần nhanh chóng ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Ưu tiên duy trì sản xuất nhưng phải đảm bảo phương án phòng, chống dịch COVID-19; tập trung kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông công nhân, các công trình, dự án đầu tư công, các công trình xây dựng nhà ở tư nhân, việc sản xuất nông nghiệp của người dân.

Để bảo vệ “vùng xanh”, phường Gia Thụy đã chủ động triển khai những mô hình, cách làm mới để mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Tiêu biểu như mô hình kết nghĩa giữa các tổ dân phố để tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau không chỉ trong phòng chống dịch mà còn giúp nhau khắc phục khó khăn, cùng nhau phát triển; mô hình "gian hàng 0 đồng" với sự tham gia của các nhà hảo tâm, trực tiếp trao các suất quà hỗ trợ đến người dân; mô hình tự quản bảo vệ “vùng xanh” an toàn, mô hình hội viên phụ nữ đi chợ giúp dân, nấu các suất ăn hỗ trợ lực lượng tại các chốt kiểm soát.

Xác định công tác tuyên truyền, vận động có ý nghĩa quan trọng để nâng cao ý thức, trách nhiệm và tinh thần tự giác của mỗi người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, Mặt trận Tổ quốc phường đã tập trung triển khai đến các tổ chức thành viên, Ban công tác mặt trận tổ dân phố tuyên truyền đến nhân dân thông qua việc tuyên truyền lưu động, các nhóm Zalo, trên Cổng Thông tin điện tử phường, fanpage của các đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, đoàn thanh niên, kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.