(Mặt trận) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, nhân dân ta đã vượt qua nhiều hi sinh, gian khổ, đánh thắng các thế lực xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, giang sơn thu về một mối, đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước ta đã thu được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập kinh tế, quốc tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Công lao to lớn này trước hết thuộc về các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với nước đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân ta vô cùng tự hào và mãi mãi biết ơn sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, của thương binh, bệnh binh và người có công với nước.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đợt cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tháng 4/2017. Ảnh: Thành Trung
Trong những năm qua, hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi đối với người có công do Nhà nước ban hành đã có tác động to lớn, sâu rộng về chính trị, xã hội, được toàn dân, toàn quân hưởng ứng, trở thành tình cảm thiêng liêng trong đời sống xã hội. Hàng vạn người có công được vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh và người có công; tạo điều kiện cho con, em của họ có việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống… hệ thống cơ sở, sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công bao gồm các cơ sở nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng, điều dưỡng luân phiên các trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng, sản xuất dụng cụ chỉnh hình có những hình thức quản lý hoạt động có hiệu quả, năng động hơn, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong những năm qua phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Xã hội hoá công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội cùng tham gia với Nhà nước để chăm sóc người có công, trở thành nội dung quan trọng trên các diễn đàn và truyền thông đại chúng với một trách nhiệm và tình cảm sâu sắc, được xã hội quan tâm.
Bằng những việc làm thiết thực, trong 10 năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được hơn 3.400 tỷ đồng; xây dựng gần 90.000 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 75.000 nhà tình nghĩa; tặng gần 160.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa và nhiều những nghĩa cử cao đẹp khác. Phong trào phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương hưởng ứng cao cùng nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực nảy nở từ thôn, bản, làng, xã, đường phố. Phong trào đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công.
Được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã không ngừng phấn đấu vươn lên nối tiếp truyền thông anh hùng trong học tập, công tác, lao động sản xuất. Chúng ta hết sức khâm phục và tự hào về các anh, các chị thương binh, bệnh binh tuy mang thương tật trên mình, đã vượt lên thương tật, bệnh tật, tiếp tục lao động sáng tạo, năng động, nâng cao đời sống gia đình và góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Chúng ta vô cùng xúc động đối với các thân nhân liệt sĩ đã vượt qua mất mát, mặc dù tuổi cao, sức yếu vẫn tần tảo một nắng, hai sương nêu gương sáng cho thế hệ con cháu.
Sau 70 năm thực hiện việc xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công, đến nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945: gần 9.000 người. Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người. Liệt sĩ: gần 1,2 triệu người. Thân nhân liệt sĩ: gần 500.000 người. Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 127.000 người. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người. Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người; Thương binh B: trên 40.000 người. Bệnh binh: gần 185.000 người. Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người. Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người. Người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người. Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế: gần 4,1 triệu người. Hiện có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và con, em họ đã vươn lên trong học tập, công tác, lao động, sản xuất. Nhiều anh, chị, em đã thành đạt trên các lĩnh vực như: học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ, thực sự là công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu. Các đồng chí đã không quản ngại khó khăn, trong quá trình chăm sóc, phục vụ anh, chị, em thương binh, bệnh binh nặng tại các trung tâm. Các đồng chí là chỗ dựa hết sức quan trọng đối với anh, chị, em thương - bệnh binh coi trung tâm là nhà, anh, chị, em trong trung tâm là anh em ruột thịt. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, nhiều chị đã dành tình yêu và xây dựng tổ ấm, hạnh phúc, gắn cả cuộc đời với các anh. Mỗi khi vết thương tái phát, hành hạ, người thân thương và gần gũi giúp đỡ là những người chăm sóc, phục vụ thương binh, bệnh binh với cả tấm lòng và nhiệt huyết làm dịu đi những cơn đau. Mặc dù mang trên mình nhiều thương tật, bệnh tật nhưng anh, chị, em thương binh, bệnh binh luôn ý thức sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: thương binh tàn nhưng không phế”, bằng ý chí và nghị lực phi thường, anh, chị, em đã đoàn kết bên nhau tạo dựng những cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho chính các anh, các chị tăng nguồn thu nhập cải thiện đời sống gia đình. Chỉ với suy nghĩ như vậy, đã có nhiều cơ sở sản xuất của anh, chị, em phát triển vững trong nền kinh tế cơ chế thị trường, bước đầu có kết quả đáng khích lệ, đã có những doanh nghiệp có số vốn hàng tỷ đồng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động là con thương binh, con liệt sĩ và người tàn tật.
Từ những hoạt động trong thực tiễn, kết quả của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân của sự thành công:
Thứ nhất: Trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng và khi đất nước chuyển sang cơ chế nền kinh tế thị trường, Đảng ta, Nhà nước ta luôn đặt công tác Thương binh - Liệt sĩ, người có công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chính trị, kinh tế và xã hội nhân văn sâu sắc, vì vậy chính sách ưu đãi người có công thường xuyên được sửa đổi bổ sung, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước. Việc ban hành hệ thống văn bản, chính sách và thực hiện chính sách ưu đãi đã trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm của Nhà nước và xã hội..
Thứ hai: Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội. Xã hội hoá công tác Thương binh - Liệt sĩ, người có công tiếp tục được khẳng định là đúng đắn, phù hợp, huy động sức mạnh của cộng đồng, tôn vinh truyền thống, coi trọng tình làng nghĩa xóm, “uống nước nhớ nguồn” hoà quyện cùng với đạo lý, tình cảm cách mạng nhằm chăm sóc hỗ trợ kịp thời gia đình người có công về vật chất, tinh thần ngày một tốt hơn.
Thứ ba: Phát huy truyền thống cách mạng bằng ý chí tự lực, tự cường vượt mọi khó khăn, sáng tạo bằng trí tuệ, sức lực, khả năng của mình, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đã nỗ lực, gương mẫu trong học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, tham gia các hoạt động xã hội xứng đáng với lời dặn của Bác Hồ: mãi mãi là “người công dân kiểu mẫu”, “gia đình cách mạng gương mẫu”.
Thứ tư: Tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương và khen thưởng kịp thời, nhân rộng các mô hình tốt đồng thời uốn nắn những sai lệch trong quá tình thực hiện chính sách; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” làm cho công tác xã hội hoá có hiệu quả cao.
Bên cạnh những thành quả to lớn mà công tác Thương binh - Liệt sĩ và người có công đã đạt được cũng còn một số thiếu sót, tồn tại sau: Chính sách, chế độ vẫn còn bộc lộ bất hợp lý, giải quyết tồn đọng về chính sách còn nhiều khó khăn. Trong tổ chức thực hiện còn có nơi sai sót. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” có nơi phát triển chậm, chưa thường xuyên. Đời sống của gia đình chính sách một bộ phận chưa ổn định, chưa vững chắc, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng dân tộc thiểu số. Việc quan tâm giải quyết những bức xúc của đối tượng chính sách ở một số địa phương chưa kịp thời. Thậm chí, chưa thấu tình đạt lý, còn có những khiếu nại, kiến nghị về chính sách, việc giải quyết chưa triệt để, còn kéo dài, chưa tạo sự đồng thuận.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước, hoà nhập kinh tế quốc tế với nhiều thời cơ và thách thức mới. Cùng với sự phát triển đất nước, chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với người có công luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày 27/4/2017 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động 03 tháng cao điểm vận động toàn dân “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhân dịp này Đoàn Chủ tịch kêu gọi mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân có một việc làm cụ thể để góp phần chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách; phấn đấu hầu hết các thương, bệnh binh có nhu cầu cần xe lăn được trao tặng. Giúp đỡ, tạo điều kiện liên hệ, giới thiệu việc làm cho con liệt sĩ, thương binh. Phấn đấu trong năm 2017 mỗi xã, phường, thị trấn hỗ trợ xây mới ít nhất 01 nhà và sửa chữa được ít nhất 01 nhà ở cho gia đình liệt sĩ, thương binh và gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở, góp phần cùng nhà nước thực hiện xây và sửa hơn 280.000 ngôi nhà cho các gia đình người có công. Đảm bảo các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống có tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu. Để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời gian tới, chúng ta cần làm tốt một số nội dung sau:
1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách, triển khai đồng bộ, thống nhất và kịp thời tất cả các chính sách ưu đãi. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm chính sách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Xử lý kịp thời những vụ việc tiêu cực, uốn nắn những việc làm sai trái trong quá trình thực hiện chính sách.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về thành quả của công tác Thương binh - Liệt sĩ và người có công. Từng địa phương cần quan tâm mở rộng phong trào xã, phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sĩ và người có công, phấn đấu 100% các xã, phường được công nhận là xã, phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sĩ, 100% các gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình so với nhân dân địa phương nơi cư trú.
3. Đẩy mạnh phòng trào “Đền ơn đáp nghĩa” tới các địa phương các bộ, ngành, đoàn thể để vận động các nguồn lực xã hội, triển khai kịp thời các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa. Qua đó tạo niềm tin đối với người có công về sự chăm lo, trợ giúp của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến, hy sinh của họ vì độc lập, tự do của dân tộc.
4. Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để anh, chị, em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trong sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định và nâng cao đời sống, xứng đáng lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.
5. Thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Ghi nhận, biểu dương thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công có nhiều cố gắng trong học tập, công tác, phát triển kinh tế và tham gia hoạt động xã hội, là những tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo. Nhân rộng mô hình làm tốt trong phong trào, chú trọng phát huy dân chủ, công khai mọi chính sách về lĩnh vực người có công.
Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội, để cuộc sống tinh thần và vật chất của người có công đầy đủ hơn, ấm áp hơn. Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Hoàng Chương
Phó Trưởng ban Ban Phong trào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam