Việt Nam luôn là một quốc gia có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế

Phóng viên phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Phương Nga, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc ở New York, Mỹ.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Trong 40 năm qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực với nhiều sáng kiến đối với các hoạt động của Liên Hợp quốc (LHQ), thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Tham gia tích cực và chủ động tại tổ chức lớn nhất hành tinh cũng là một cách để Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế phục vụ phát triển đất nước.

Nhân dịp 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp quốc (20/09/1977-20/09/2017), phóng viên thường trú VOV tại Mỹ, phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Phương Nga, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc ở New York, Mỹ. 

PV: Trong 40 năm qua, Việt Nam là thành viên tích cực của LHQ, vậy chúng ta có những đóng góp gì đáng kể đối với hoạt động của diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh này, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phương Nga: Có thể nói là Việt Nam đã đóng góp tích cực vào các công việc chung của LHQ ngay từ trước khi chúng ta được kết nạp vào tổ chức này. Chính cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam đã là một đóng góp hết sức to lớn cho việc thực hiện các mục tiêu cao cả của LHQ, nhất là mục tiêu độc lập, tự do và giải phóng các dân tộc bị áp bức, phi thực dân hóa.

Ngay cả công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta cũng là một đóng góp rất tích cực đối với các công việc chung của LHQ trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển và quyền con người. Ngay sau khi Việt Nam gia nhập LHQ, kể từ đó cho tới nay trong suốt 40 năm qua, Việt Nam đã tham gia hết sức sâu sắc và trên nhiều bình diện, đảm nhiệm những cương vị rất quan trọng trong hệ thống của LHQ và tích cực hoạt động trên cả ba trụ cột của LHQ.

Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh, chúng ta luôn luôn bảo vệ, đề cao sự cần thiết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Chúng ta cũng có nhiều đóng góp rất tích cực và chủ động trong lĩnh vực giải trừ quân bị và chống phổ biến, nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Từ tháng 06/2014 Việt Nam đã bắt đầu cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và đang tích cực hoàn tất công tác chuẩn bị để có thể sớm triển khai đóng góp thêm một bệnh viện dã chiến cấp 2.

Chúng ta đã hoàn thành rất tốt cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và đã tham gia tích cực vào các nỗ lực ngăn ngừa khủng hoảng, gìn giữ hòa bình, có những đề xuất rất quan trọng về bảo vệ phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy quyền con người trong xung đột và xây dựng hòa bình hậu xung đột cũng như cải tổ phương pháp làm việc của Hội đồng bảo an.

Hiện nay chúng ta đang triển khai vận động ứng cử vào Hội đồng bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Riêng trong lĩnh vực phát triển thì Việt Nam là một ví dụ điển hình về hợp tác thành công giữa LHQ với một quốc gia thành viên. Với sự phát triển của Việt Nam và sự hợp tác rất hiệu quả của LHQ, Việt Nam đã thực hiện thành công hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và chúng ta cũng rất tích cực thúc đẩy hợp tác Nam-Nam thông qua việc chủ động xây dựng mô hình và tham gia vào các dự án hợp tác ba bên giữa Việt Nam với một nước đang phát triển và LHQ.

Đặc biệt, chúng ta và LHQ đã thực hiện thí điểm thành công Sáng kiến thống nhất hành động, xây dựng ngôi nhà xanh chung của LHQ tại Hà Nội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức LHQ tại Việt Nam.

Chúng ta cũng rất tích cực tham gia các tiến trình đàm phán để phát triển luật pháp quốc tế, xây dựng các khuôn khổ để mở rộng hợp tác, củng cố môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.

Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ quốc gia, thể hiện qua việc bảo vệ thành công 2 báo cáo kiểm điểm định kỳ, chúng ta còn được tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016 và tham gia tích cực vào các nỗ lực thúc đẩy quyền con người trên thế giới, đã đề xuất và được thông qua nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu với quyền trẻ em và tham gia nhiều sáng kiến khác để bảo vệ quyền lợi, phát huy quyền của những nhóm yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em gái, và người có tuổi. Có thể nói là LHQ và các nước thành viên đáng giá rất tích cực về các đóng góp của Việt Nam.  
PV:  Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, LHQ đang đứng trước những thách thức có thể nói là chưa từng có, vậy theo Đại sứ đâu là những khó khăn và thuận lợi của Việt Nam khi hoạt động tại LHQ?

Đại sứ Phương Nga: Đúng là tình hình thế giới hiện nay đang đặt ra những vấn đề rất mới, không chỉ đối với Việt Nam mà nhiều các nước thành viên khác. Đối với chúng ta thì thuận lợi lớn hiện nay chính là xu hướng chung trên thế giới vẫn là hòa bình và hợp tác.

Việc các nước thành viên LHQ thông qua và bắt tay vào thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và hàng loạt các thỏa thuận quan trọng khác cũng đã thể hiện mong muốn và quyết tâm của cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với các thách thức chung, hướng tới hòa bình và phát triển bền vững.

Ngay trong kỳ đại hội đồng LHQ lần thứ 72 lần này, chúng ta có thể chứng kiến nỗ lực của các quốc gia thành viên LHQ chung tay ứng phó với những thách thức mà cộng đồng quốc tế đang gặp phải. Thuận lợi lớn thứ 2 đó là cùng với những thành tựu về mọi mặt của đất nước với đường lối đối ngoại nhất quán của chúng ta là hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đang tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của mình trên thế giới. Bạn bè quốc tế coi trọng và tin tưởng tiếng nói của Việt Nam.

Chúng ta có những thuận lợi để tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống LHQ, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế. Ngoài ra, một yếu tố khác cũng có ý nghĩa rất quan trọng là Việt Nam là một thành viên của ASEAN, một liên kết khu vực được coi là thành công và đang phát huy tiếng nói chung tích cực tại các diễn đàn của LHQ.

Bên cạnh những thuận lợi như vậy thì chúng ta cũng có không ít khó khăn. Trước hết là tình hình thế giới diễn biến hết sức nhanh chóng, khó lường, chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế đứng trước nhiều thách thức. Chủ nghĩa dân tộc, cực đoan, bạo lực, xu hướng bảo hộ gia tăng. Tập hợp lực lượng tại LHQ biến động hết sức linh hoạt và lợi ích thì đan xen phức tạp.

Thách thức lớn đặt ra cho chúng ta là phải nhận định, đánh giá tình hình, xác định chủ trương xử lý, giải quyết từng vấn đề thật kịp thời, đúng đắn và bảo đảm được lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác trong khi vẫn đóng góp tích cực vào hòa bình và phát triển trên thế giới.

Thách thức thứ hai đó là trong bối cảnh nguồn lực tài chính quốc tế ngày càng khan hiếm thì hợp tác phát triển giữa Việt Nam với LHQ và các nước tài trợ cũng đã chuyển sang hình thức hợp tác mới là quan hệ hợp tác đối tác. Việt Nam không còn là đối tượng ưu tiên được nhận hỗ trợ phát triển như trước kia. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp giữa huy động nguồn lực trong nước với sáng tạo, linh hoạt và năng động trong việc tìm kiếm và huy động các nguồn lực mới, các hình thức hợp tác mới, hiệu quả và cùng có lợi.

Cũng có thể kể đến một thách thức lớn khác đó là triển khai chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi không chỉ có nguồn lực mà cả biện pháp thực hiện, sự phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa trong nước và bên ngoài, hội nhập quốc tế thực sự sâu rộng. Tình hình diễn biến rất nhanh, hợp tác triển khai cũng rất nhanh nên nếu chúng ta không nhanh, không nhạy bén, kịp thời thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Thời gian còn rất ít nên chúng ta cần nhanh chóng, tích cực triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia, thực hiện chương trình nghị sự 2030.                                  

PV: Là người đứng đầu cơ quan đại diện của Việt Nam tại LHQ, đại sứ có những kỳ vọng gì về hoạt động của Việt Nam tại tổ chức này trong năm tới?

Đại sứ Phương Nga: Kỳ vọng của chúng ta trong các hoạt động tại LHQ rất lớn. Trước mắt, chúng ta đang phấn đấu để có thể hoàn thành thật tốt nhiệm vụ là thành viên của Hội đồng kinh tế xã hội ECOSOC cùng với các nước thành viên LHQ cùng với ECOSOC đóng góp vào việc triển khai thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trên bình diện quốc gia, khu vực cũng như là toàn cầu.

Chúng ta cũng đang tích cực thực hiện chương trình hợp tác 2017-2021 giữa Việt Nam và LHQ. Nếu chúng ta thực hiện thành công chương trình này thì cũng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của Việt Nam về phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vai trò của cả Việt Nam và LHQ.

Tháng 7 năm sau chúng ta cũng phải chuẩn bị tốt để có thể bảo vệ thành công báo cáo kiểm điểm tự nguyện quốc gia về việc thực hiện chương trình nghị sự 2030. Chúng ta cũng là một thành viên có trách nhiệm của LHQ, chúng ta cần tiếp tục chủ động hơn tham gia tích cực vào các công việc chung của LHQ, trong đó có triển khai cam kết tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, cũng như các công việc chung của LHQ về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và trong cải tổ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống LHQ.

Một mục tiêu lớn của chúng ta trong thời gian trước mắt là phải tập trung nỗ lực để thực hiện thành công ứng cử vào Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 để tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tôi cũng xin nói thêm rằng là chúng ta đang triển khai thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ 12, tích cực tham gia vào các cơ chế đa phương đặc biệt là ASEAN và LHQ. Chúng ta mong muốn sẽ thực hiện thật tốt mục tiêu, đường lối chính sách này và vai trò của Việt Nam tại LHQ cũng như tại các diễn đàn đa phương khác phụ thuộc chính vào hành động của chúng ta biến cam kết thành hiện thực.              

PV:
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!.