Từ ngày 1/4/2018, TPHCM tăng thu nhập cho cán bộ, công chức

Sáng 16/3, tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp bất thường) HĐND TPHCM khóa IX, các Đại biểu (ĐB) HĐND TPHCM đã biểu quyết thông qua nghị quyết về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ không chuyên trách ở cấp phường - xã - thị trấn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

 Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM...

Theo nghị quyết, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm được điều chỉnh theo lộ trình: năm 2018 tăng tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ (tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ).

Kế đến năm 2019 sẽ tăng thu nhập tối đa 1,2 lần và năm 2020 tăng tối đa 1,8 lần.

Thời gian tăng thu nhập từ ngày 1-4-2018 đến ngày 31-12-2020.

Thu nhập tăng thêm được chi trả căn cứ theo hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại từng cơ quan, đơn vị.

Căn cứ hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa của từng năm, các cơ quan, đơn vị thực hiện hệ số điều chỉnh tăng thu nhập cho từng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo nguyên tắc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Đặc biệt, việc chi thu nhập tăng thêm phải gắn với hiệu quả công việc và không cào bằng.

Đối với người làm việc theo hợp đồng (quy định tại Nghị định 68/2000) cũng được chia sẻ thu nhập tăng thêm theo hiệu quả công việc.

Chi trả thu nhập tăng thêm từ nguồn cải cách tiền lương, gồm: kinh phí cải cách tiền lương của các năm trước sử dụng chưa hết chuyển sang; 50% từ tăng thu ngân sách địa phương; nguồn tiết kiệm…

Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng cho biết Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Nội vụ có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. Song thu nhập tăng thêm này được chi trả căn cứ hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại từng cơ quan, đơn vị.

“Thu nhập tăng thêm cần thực hiện hàng tháng, hàng quý nhằm đảm bảo khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức”, bà Phan Thị Thắng chia sẻ và lưu ý đối với những cán bộ, công chức, viên chức bị khiếu nại, tố cáo và được xác định là đúng thì không được chi thu nhập tăng thêm.

Bổ sung thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, mức tăng tùy theo hệ số lương, mức lương của từng người chứ không cào bằng. Ngoài ra, thu nhập tăng thêm chỉ được thực hiện đối với những cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Thủ trưởng từng sở ngành, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ.

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Chủ tịch HĐND TPHCM tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cũng trong sáng 16/3, các ĐB cũng thông qua các nghị quyết thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Trong đó, HĐND TP biểu quyết thông qua nghị quyết tăng mức thu phí dừng đỗ ô tô dưới lòng đường. TPHCM sẽ tổ chức thu lũy tiến theo giờ với mức thu khoảng 25.000 đồng - 30.000 đồng cho một giờ đậu xe. Do đó, những ô tô dừng, đỗ lâu sẽ phải đóng phí cao hơn, có thể đóng phí đến 170.000 đồng/ô tô trong 5 giờ đầu tiên (thay vì hiện nay chỉ trả 5.000 đồng/xe là có thể đậu cả ngày).

 

Kỳ họp thứ 7, HĐND TPHCM khóa IX đã thông qua mức thu phí dừng, đỗ ô tô dưới lòng đường theo hướng tăng lên nhiều lần. Ảnh: KIỀU PHONG

TPHCM chỉ thu phí dừng, đỗ xe ô tô từ 6 giờ sáng đến 24 giờ, ngoài khung giờ này sẽ không phải đóng phí.

Từ ngày 1-6, TPHCM sẽ chính thức bắt đầu áp dụng mức phí mới cũng như cách tính phí dừng đỗ ô tô lũy tiến.

Liên quan đến phí bảo vệ môi trường, các ĐB biểu quyết thống nhất điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên địa bàn TPHCM.

Cụ thể, các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5m³/ngày đêm thì thu mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Các cơ sở có tổng lượng nước thải từ 5m³/ngày đêm trở lên thì sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng nước thải. Đặc biệt, mức phí được tính tăng theo tỷ lệ thuận với hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải.

Mức thu phí mới này sẽ được áp dụng từ ngày 1/7.

Kỳ họp cũng biểu quyết thông qua nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án đầu tư công nhóm A sử dụng vốn ngân sách TPHCM với tổng mức đầu tư hơn 9.495 tỷ đồng. Đó là dự án xây dựng Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ đầu tư xây dựng Khu liên hợp Thể dục Thể thao quốc gia Rạch Chiếc.

HĐND TP yêu cầu UBND TP quan tâm tiến độ thực hiện các dự án nêu trên nhằm đảm bảo kịp đưa vào hoạt động phục vụ tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021.

Kỳ họp cũng thông qua nghị quyết phê chuẩn tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và thông qua tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính năm 2018.

Cụ thể, tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, hội đặc thù năm 2018 là 119.976 người, trong đó hợp đồng lao động 5.170 người.

Tổng biên chế chế hành chính năm 2018 là 12.345, gồm 11.687 biên chế công chức và 658 hợp đồng lao động.