(Mặt trận) - Chiều 17/5, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm đánh giá công tác phối hợp trong thời gian qua, định hướng công tác trong thời gian tới. Buổi làm việc cũng nhằm trao đổi, thống nhất việc đổi mới tiêu chuẩn, quy trình bình xét khen thưởng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở xã, phường, thị trấn, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tham dự Hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng các chuyên gia về lĩnh vực văn hóa, xã hội và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Thu gọn danh hiệu, hợp nhất các ban chỉ đạo
Đánh giá việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, sau 20 năm triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là những năm gần đây, đã bộc lộ nhiều hạn chế. Kết quả công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh chưa phản ánh thực chất đời sống văn hóa ở cơ sở, còn chạy theo chỉ tiêu hành chính trên giao. Quy trình đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu văn hóa rườm rà, nhiều thủ tục.
Việc mở ra cuộc vận động động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” phần nào khắc phục được những trùng lặp của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, từ đó tạo được sự phối hợp, thống nhất trong tổ chức thực hiện ở từng cấp, từng ngành và trên địa bàn khu dân cư. Tuy nhiên sau hơn hai năm triển khai thực hiện, việc gắn kết các phong trào, cuộc vận động ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” còn gặp nhiều khó khăn vì tại xã, phường, thị trấn, khu dân cư hiện nay đang tồn tại nhiều phong trào, cuộc vận động gây sự chồng chéo, trùng lặp, hiệu quả hạn chế, việc gắn kết, lồng ghép các danh hiệu thi đua ở cơ sở với cuộc vận động còn chậm.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nêu thực tế, ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư có sự chồng chéo về nội dung, danh hiệu thi đua của các phong trào, cuộc vận động. Trên cùng địa bàn xã, cùng đối tượng vận động và khá tương đồng về nội dung, tiêu chí nhưng có nhiều danh hiệu thi đua với tên gọi khác nhau nên bị chồng chéo, khó khăn trong bình xét, công nhận, làm giảm động lực thi đua.
Đơn cử trên địa bàn cấp xã cùng một thời điểm phải tiến hành bình xét, đề nghị công nhận 3 danh hiệu khác nhau của 3 phong trào; cùng một đối tượng vận động là cá nhân, hộ gia đình có nhiều khác nhau như “gia đình văn hóa”, “gia đình kiểu mẫu”, “gia đình năm không, ba sạch”.
Để khắc phục những hạn chế của thực trạng trên, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng cho phù hợp với nội dung, tiêu chí mới về xét tặng các danh hiệu thi đua trong các phong trào, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh ở cơ sở cho phù hợp với Hiến pháp 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Theo đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất các danh hiệu gia đình tiêu biểu (kiểu mẫu), khu dân cư tiêu biểu (kiểu mẫu), xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới kiểu mẫu; phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, trong khi chờ sửa Luật Thi đua, Khen thưởng, trước mắt tích hợp nội dung, tiêu chí xét công nhận, khen thưởng. Hàng năm, khu dân cư thực hiện bình xét, lập danh sách và đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt danh sách công nhận gia đình văn hóa. Ở khu dân cư lựa chọn không quá 5-7% gia đình tiêu biểu đề nghị UBND xã và các cấp khen thưởng. Bên cạnh đó, hàng năm cấp xã lựa chọn không quá 20% trên tổng số khu dân cư trên địa bàn để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng.
Tại cuộc họp, các ý kiến của đại biểu cũng đề nghị cần thu gọn các danh hiệu theo hướng khen thưởng các gia đình tiêu biểu cũng như hợp nhất các phong trào, các ban chỉ đạo để tránh sự chồng chéo cũng như tạo động lực cho thi đua.
Về hướng sáp nhập các ban chỉ đạo thành một ban đó chỉ đạo chung, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, các bộ, cơ quan liên quan rà soát các ban chỉ đạo có liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh thành một ban chỉ đạo chung để thống nhất trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị thống nhất từ Trung ương đến cấp xã nên có 1 ban chỉ đạo chung các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở theo hướng Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, Chủ tịch UBND các cấp là Trưởng ban Chỉ đạo cùng cấp; Phó Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và thành viên là đại diện lãnh đạo các ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan trực tiếp.
Bên cạnh đó ở khu dân cư có 1 ban vận động chung cho các phong trào, cuộc vận động do Ban Công tác Mặt trận chủ trì trên cơ sở thống nhất các ban vận động hiện có.
Đổi mới phong trào theo hướng thiết thực, hiệu quả
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đi vào cuộc sống và trở thành hoạt động thường xuyên, hàng ngày của công đồng dân cư. Thông qua các nội dung phong trào, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, đạo đức gia phong của dòng tộc, làng xã được gìn giữ và trao truyền.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, sau 20 năm triển khai, đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá toàn diện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trên cơ sở đó kế thừa, phát huy những giá trị của nội hàm văn hóa trong thời đại mới để xây dựng một phong trào về văn hóa mạnh mẽ hơn và coi đây là nền tảng, là động lực cho sự phát triển của đất nước.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có những hành động, việc làm cụ thể để Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt các phong trào, từ đó đổi mới phong trào theo hướng thiết thực, hiệu quả, mang đậm nét văn hóa.
Xây dựng con người mới có đạo đức
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, nhìn lại chặng đường 20 năm qua MTTQ Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có sự phối hợp chặt chẽ trong toàn dân để triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, xây dựng chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong thời gian tới, hai cơ quan cần tiếp tục phát huy được những kết quả đạt được, cùng tháo gỡ khó khăn để cùng thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào”Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Về công tác phối hợp trong thời gian tới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị hai bên tập trung tháo gỡ những vướng mắc về tiêu chí, quy trình xét duyệt, công nhận các danh hiệu văn hóa hướng tới đơn giản, đảm bảo hiệu quả, thiết thực cũng như khắc phục được những chồng chéo trong các danh hiệu thi đua.
Thống nhất với những ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn hai cơ quan tiếp thu, hoàn thiện văn bản để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về công nhận, khen thưởng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở, khu dân cư.
Bên cạnh đó hướng dẫn Mặt trận các cấp, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư phối hợp với chính quyền, ngành văn hóa cùng cấp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn chặt, hòa quyện với với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Đặc biệt, trong tổ chức các phong trào ở cơ sở, hai bên cần phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng, duy trì phong trào văn nghệ quần chúng, bảo tồn các loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống của địa phương; xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”…
“Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở làm sao đảm bảo xây dựng con người mới có đạo đức.”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, hai bên cần định kỳ hàng năm sơ kết, đánh giá kết quả phối hợp và dự kiến nhiệm vụ trong năm tới; phối hợp để biểu dương khen thưởng kịp thời ở địa phương, từ đó đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thực sự thiết thực, hiệu quả, đi vào lòng dân.
Hương Diệp - Ảnh Kỳ Anh