TP Hồ Chí Minh chuẩn bị kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9

(Mặt trận) - Ngày 10/9, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh về Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn sau ngày 15/9. Dự buổi làm việc có đại biểu một số bộ, ban, ngành liên quan.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết 57 sẽ tạo bước đột phá, góp phần phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh

Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Hoàn thiện phương án sắp xếp của bộ, ngành

 

Sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội với nhiều mức độ, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn đang diễn biến phức tạp; người dân và doanh nghiệp dần thích nghi với trạng thái dịch bệnh, qua đó đã chủ động điều chỉnh hành vi tự bảo vệ mình, xây dựng được phương án sản xuất an toàn ngay giữa đại dịch.

Dự báo tình hình dịch bệnh sau ngày 15/9, Thành phố chưa đạt đủ các tiêu chí để khẳng định đã kiểm soát được dịch theo Quyết định số 3979/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới về mức độ lây lan dịch bệnh, với việc thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường độ bao phủ vaccine, triển khai thí điểm mô hình chăm sóc F0 tại nhà, hoàn thiện hệ thống điều trị theo mô hình tháp 3 tầng đã bắt đầu có những tín hiệu lạc quan về số ca nhập viện và số ca tử vong xu hướng giảm dần, dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ chuyển dần sang mức độ 3 sau ngày 15/9.

Thành phố xác định, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội phù hợp tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng khu vực; đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc; chăm lo đời sống tinh thần, vững tin, đồng lòng để cùng chính quyền Thành phố từng bước vượt qua khó khăn, sớm trở lại nhịp phát triển nhanh và bền vững.

Thành phố từng bước nới lỏng giãn cách xã hội trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh và đánh giá mức độ an toàn của ngành Y tế; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các tiêu chí kiểm soát dịch phù hợp đặc thù của Thành phố. Đối với các khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian từ 16 - 30/9, thực hiện thí điểm nới lỏng giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ đối với Quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, tiến hành đánh giá hiệu quả, nhân rộng khi đáp ứng điều kiện an toàn về phòng, chống dịch. Đối với các khu vực còn lại, thực hiện nghiêm, hiệu quả giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố triển khai thí điểm sử dụng Thẻ Xanh, Thẻ Vàng COVID với các tiêu chí cụ thể. Tùy theo mức độ kiểm soát dịch, những người có Thẻ Xanh, Thẻ Vàng COVID được phép tham gia các hoạt động lao động sản xuất và sinh hoạt xã hội. Về quản lý F0 tại nhà, đảm bảo 100% bệnh nhân F0 quản lý tại nhà được theo dõi tình hình sức khỏe và khai báo y tế mỗi ngày. Thành phố đã chuẩn bị 200.000 túi thuốc, đảm bảo hỗ trợ đầy đủ túi thuốc và nhu yếu phẩm cho các trường hợp F0 cách ly tại nhà. Không để xảy ra trường hợp bệnh nhân F0 tử vong tại nhà trong khi chờ được cấp cứu. Thành phố huy động hệ thống y tế tư nhân, các bác sĩ đã nghỉ hưu và nhân lực từ các ngành nghề khác tham gia hướng dẫn, tư vấn cho ca F0 cách ly tại nhà, kết nối với cơ sở y tế để kịp thời cấp cứu khi có dấu hiệu trở nặng. Thành phố nghiên cứu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, nhất là đối tượng trẻ em có nguy cơ cao (bệnh nền, béo phì).

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Võ Minh Lương cơ bản nhất trí với dự thảo Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sau ngày 15/9. Thượng tướng Võ Minh Lương đồng ý với đề xuất nới lỏng nhưng phải đảm bảo an toàn cho các vùng được nới lỏng; do đó cùng với việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, Thành phố thực hiện nghiêm “khóa chặt vòng ngoài”, đây là một nguyên tắc bất di bất dịch. Thượng tướng lưu ý, khóa chặt vòng ngoài ở đây là cho phép người và phương tiện lưu thông vào Thành phố, nhưng phải kiểm soát tốt trường hợp F0, không để lọt trường hợp F0 vào Thành phố.

Về đề xuất của TP Hồ Chí Minh cho phép huy động hệ thống y tế tư nhân, các bác sĩ đã nghỉ hưu và nhân lực từ các ngành nghề khác tham gia hướng dẫn, tư vấn cho trường hợp F0 cách ly tại nhà, Thượng tướng Võ Minh Lương đề nghị Thành phố phải có quy chế hoạt động cụ thể để lực lượng này vào tận gia đình thăm khám, phục vụ điều trị ca F0 tốt nhất. Các lực lượng của Quân đội, Công an, Y tế vẫn tiếp tục hỗ trợ nhân dân Thành phố.

Thượng tướng Võ Minh Lương yêu cầu TP Hồ Chí Minh chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Kế hoạch, xin ý kiến các cơ quan trước khi báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để triển khai Kế hoạch có tính khả thi, hiệu quả cao nhất.

Số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh chuyển viện giảm dần. 
Đa số F0 nhập viện không triệu chứng, tỷ lệ tử vong giảm dần
Ngày 10/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện trung bình mỗi ngày, thành phố ghi nhận từ 3.500 - 4.000 ca F0, tuy nhiên đa số đều nhẹ và không có triệu chứng, trong đó có nhiều trường hợp điều trị tại nhà.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, nếu như cách đây 1 tháng, người dân có thể thấy xe cấp cứu chuyển viện các trường hợp F0 rất nhiều, tuy nhiên gần đây rất ít, dấu hiệu cho thấy số ca bệnh nặng đã giảm đáng kể.

Hiện TP Hồ Chí Minh và các đơn vị Trung ương đang hỗ trợ thành phố tiếp tục mở các bệnh viện, mới nhất là Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5G, đặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội quận 6.

Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm 5G kết hợp 2 bệnh viện đầu ngành của quân đội về y học hiện đại (Bệnh viện Quân y 103) và y học cổ truyền (Viện Y học cổ truyền Quân đội), do đó có điều kiện áp dụng các biện pháp chữa trị phối hợp tốt với phục hồi chức năng trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục mở các bệnh viện hồi sức nhằm đáp ứng công tác điều trị. Trong giai đoạn hiện nay, năng lực điều trị của Thành phố tương đối được đảm bảo.

Thành phố cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ công tác điều trị như gói thuốc A, B, C và thuốc được Bộ Y tế cấp hoặc từ nhà tài trợ để sử dụng cho các bệnh nhân chuyển nặng.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống, dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, tổng số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đến nay là 279.200 người. Hiện các bệnh viện tại thành phố đang điều trị cho 39.617 bệnh nhân, trong đó có 2.664 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.783 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Theo thống kê từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, trong ngày 22/8, TP Hồ Chí Minh có số ca mắc COVID-19 tử vong lên đến 340 trường hợp, tuy nhiên trong thời gian áp dụng các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 23/8 đến 6/9, số ca tử vong dao động từ 250 trường hợp đến 300 trường hợp mỗi ngày. Từ ngày 8/9, số ca tử vong bắt đầu giảm xuống chỉ còn 203 trường hợp và ngày 9/9 còn 195 người.

"Đây là kết quả trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và công tác điều trị đã có chuyển biến tích cực", ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh nhận định.

Nhận định về tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn đầu khi dịch mới bùng phát với biến chủng Delta, số ca mắc tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn, gây quá tải hệ thống điều trị của thành phố, do đó số ca nặng và tử vong tăng cao.

Tuy nhiên, với việc triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ như hoàn thiện hệ thống điều trị hình tháp 3 tầng, triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà, xây dựng gói thuốc mẫu cho F0 tại nhà và sử dụng các thuốc mới trong điều trị COVID-19, nhất là tăng nhanh độ phủ tiêm vaccine trong bối cảnh tăng cường giãn cách xã hội của Thành phố, dự báo số ca nặng và tử vong sẽ giảm mạnh sau ngày 15/9.