Tổng hợp COVID-19 tuần 20-26/9: 17,78 triệu người được hỗ trợ do COVID-19; phấn đấu đến ngày 30/9 quay trở lại trạng thái bình thường mới

(Mặt trận) - Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội tuần từ 20-26/9 gồm: Phấn đấu đến ngày 30/9 trở lại trạng thái bình thường mới; 17,78 triệu người được hỗ trợ do COVID-19; trung bình số ca nhiễm mới trong nước 7 ngày qua là 9.938 ca/ngày; số bệnh nhân COVID-19 nặng đã được kiểm soát, số ca tử vong có xu hướng giảm; số tiền tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch và Quỹ vaccine lên tới trên 18.246 tỷ đồng;...

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN. 

Thủ tướng: Phấn đấu đến ngày 30/9 trở lại trạng thái bình thường mới

Với tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, một số địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội, tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, Ban Chỉ đạo thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; khoảng ngày 30/9/2021 trở lại trạng thái bình thường mới, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,  thời gian qua các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ đã huy động được cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp vào cuộc phòng, chống dịch; biểu dương, ghi nhận công sức của các lực lượng tuyến đầu, Tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ chức, cá nhân tình nguyện đã phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, hy sinh vì sức khỏe người dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc…

Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song công tác phòng, chống dịch COVID-19 những ngày qua vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Công tác tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu, chậm được khắc phục, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương. Một số địa phương chưa chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế nên hiệu quả phòng, chống dịch có nơi chưa cao. Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Việc khoanh vùng, dập dịch có nơi còn ở phong tỏa diện quá rộng, quá mức cần thiết. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội cơ bản tốt nhưng có lúc, có nơi vẫn chưa bao quát đủ đối tượng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, tình hình dịch đang cơ bản được kiểm soát, nên các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, theo các tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.

Các bộ, ngành, địa phương thành lập ngay các Tổ Công tác về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội do người đứng đầu làm Tổ trưởng; đồng thời xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế -xã hội phù hợp với đặc điểm, tình hình.

Về vấn đề vaccine, cùng với tổ chức tiêm chủng vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học, theo đối tượng ưu tiên, địa bàn ưu tiên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chủ động chuẩn bị vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch cho thời gian trước mắt và cả trong những năm tiếp theo...

6 nhóm lao động và người sử dụng lao động được hỗ trợ từ gói 38.000 tỷ đồng

Theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, 6 nhóm đối tượng người lao động được hỗ trợ bằng tiền từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với các mức từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/người.

 Theo VGP

Trên 17,78 triệu người được hỗ trợ do COVID-19 

Trong tuần từ 17 - 24/9/2021, cả nước đã hỗ trợ trên 17,78 triệu người (gần 17,4 triệu người lao động và gần 379.340 đơn vị sử dụng lao động) được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68/NQ-CP với kinh phí khoảng 14,27 tỷ đồng.

 

Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 và Quỹ vaccine tiếp nhận số tiền trên 18.246 tỷ đồng

Tính từ ngày 1/5/2021 đến nay, theo tổng hợp sơ bộ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương các tổ chức thành viên và các tỉnh, thành phố; Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 với tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được: 18.246 tỷ đồng. Trong đó, tiếp nhận qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 9.554 tỷ đồng, qua Quỹ Vắc xin là 8.692 tỷ đồng.

Từ số tiền tiếp nhận được, hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên đã phân bổ 3.028.176 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh và hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch… với tổng số tiền là 8.329 tỷ đồng.

Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi từ quỹ 4.506,8 tỷ đồng. Trong số đó, chi mua vaccine 4.498 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 8,8 tỷ đồng nên dư cuối ngày là 4.185,5 tỷ đồng. Ban Quản lý Quỹ thực hiện xuất quỹ để chi theo nội dung chi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và trên cơ sở đề nghị chi của Bộ Y tế theo quy định tại Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ và Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 02/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 9.938 ca/ngày

Tính từ 17 giờ ngày 25/9 đến 17 giờ ngày 26/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.011 ca nhiễm mới trong nước (tăng 329 ca so với ngày trước đó) tại 35 tỉnh, thành phố (có 5.313 ca trong cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 756.689 ca nhiễm, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.689 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 752.185 ca, trong đó có 522.747 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 16 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn. Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (371.660 ca), Bình Dương (200.196 ca), Đồng Nai (45.667 ca), Long An (31.789 ca), Tiền Giang (13.787 ca).

Tổng số ca được điều trị khỏi là 527.926 ca. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.321 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 213 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.584 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%). Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 38.367.246 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.420.963 liều, tiêm mũi 2 là 7.946.283 liều.

 

Số bệnh nhân COVID-19 nặng đã được kiểm soát, số ca tử vong có xu hướng giảm

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện số bệnh nhân COVID-19 nặng đã được kiểm soát, số ca tử vong có xu hướng đi xuống.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh vừa đến thăm, làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện dã chiến số 16 (do Bệnh viện Hùng Vương phụ trách) và Trạm Y tế lưu động tại phường 11, quận Phú Nhuận. Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện dã chiến số 16 cho biết: Hiện hai bệnh viện đang điều trị cho gần 1.200 bệnh nhân COVID-19; trong đó tại Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai có 360 bệnh nhân nặng; tại Bệnh viện dã chiến số 16 có hơn 800 bệnh nhân, chủ yếu là sản phụ mắc COVID-19, với khoảng 20 – 30 sản phụ nhập viện/ngày.

Thời gian qua, bên cạnh lực lượng chủ chốt của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hùng Vương, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân và các hoạt động hậu cần cho Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện dã chiến số 16 còn có đội ngũ thầy thuốc chi viện từ các bệnh viện và các địa phương cùng đội ngũ tình nguyện viên và thành viên các tôn giáo. Bệnh viện Bạch Mai còn tích cực triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng hồi sức cấp cứu cho các bệnh viện tuyến quận, huyện của TP Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa

Công nhận “Hộ chiếu vaccine” giữa Việt Nam với các quốc gia là đặc biệt cần thiết

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 6891/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận “Hộ chiếu vaccine”.

Trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng “Hộ chiếu vaccine” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Việc công nhận “Hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vaccine”.

Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân, lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa 

Thủ tướng yêu cầu khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân trong phòng, chống COVID-19

Để kịp thời động viên các tập thể, cá nhân, lực lượng tuyến đầu chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố kịp thời động viên, khen thưởng và đề xuất khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có giải pháp sáng tạo, thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 (như quận 6, huyện Củ Chi của TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai...).

Để kịp thời động viên các tập thể, cá nhân, lực lượng tuyến đầu chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố kịp thời động viên, khen thưởng và đề xuất khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có giải pháp sáng tạo, thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách quan tâm về vật chất và tinh thần đến lực lượng tuyến đầu chống dịch và cha, mẹ già, con nhỏ... của những người tham gia tuyến đầu chống dịch.