Tổng hợp COVID-19: Những quyết sách mạnh mẽ để dồn lực dập dịch

(Mặt trận) - Trong những ngày qua, cả nước đã thực hiện chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 với sự chủ động trong dự báo, nắm tình hình; khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp; thần tốc trong truy vết, xét nghiệm... cùng với những sáng tạo mang lại hiệu quả trên thực tiễn, như khoanh vùng "3 lớp", thực hiện phương châm "3 trước" và "4 tại chỗ".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp chuẩn bị báo cáo Quốc hội bổ sung nội dung phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Quốc hội mở đường cho Chính phủ quyết đáp mạnh hơn để chống COVID-19

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất, Quốc hội sẽ không ban hành một Nghị quyết riêng về phòng, chống dịch COVID-19 nhưng sẽ đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp. Tại cuộc họp với đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thống nhất giao các cơ quan triển khai, bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV nội dung về phòng, chống dịch COVID-19 theo đề nghị của Chính phủ. Nội dung này sẽ được đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp.

Qua thảo luận tại kỳ họp này, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhiều đại biểu đã đề nghị Quốc hội bày tỏ quan điểm về việc thực hiện các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, các công điện của Thường trực Ban Bí thư và đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chính phủ sẽ xây dựng tờ trình, cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra để Quốc hội xem xét, thảo luận và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp, biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cần tập trung xử lý những vướng mắc về mặt pháp lý trong phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.

Từ đó tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong điều hành, kể cả dự phòng các tình huống phát sinh có thể phức tạp hơn.

Số ca mắc vẫn chưa hạ nhiệt

Trong ngày 25/7, cả nước có 7.531 ca mắc mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 7.525 ca ghi nhận trong nước. Tại Thành phố Hồ Chí Minh con số mắc vẫn ở mức cao với 4.555 ca, Bình Dương 1.249 ca, Tây Ninh 313 ca, Đồng Nai 253 ca, Tiền Giang 218 ca, Khánh Hòa 172 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 126 ca, Phú Yên 109 ca…; trong đó có 1.516 ca trong cộng đồng.

Tính đến chiều 25/7, Việt Nam có tổng 98.465 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 96.287 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 94.717 ca, trong đó có 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 25/7 đã có 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng số ca được điều trị khỏi lên 19.342 ca.  Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.535.741 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.

Sớm đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở lại trạng thái bình thường

Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đến lúc này một số ổ dịch trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm soát triệt để, nhưng tình hình chung Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn đang kiểm soát được dịch. Phó Thủ tướng đề nghị, trên tinh thần giữ cho tỉnh an toàn, vì vậy, tỉnh cần khoanh lại những khu vực nguy cơ cao và nguy cơ rất cao để tập trung dồn lực lượng nhanh chóng dập dịch, đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở lại trạng thái bình thường.

Tỉnh thực hiện phòng, chống dịch không chỉ người dân thực hiện 5K mà tất cả các công sở, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm, bởi chủng mới này lây lan rất nhanh. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp cận vaccine nhanh nhất để phân bổ cho tỉnh tiêm cho người dân, nhưng tỉnh vẫn phải thực hiện tinh thần chống dịch như chưa có vaccine, thực hiện tốt việc giãn cách, cách ly, tuyệt đối không để giãn cách vẫn tụ tập đông người, cách ly thì lại để lây nhiễm chéo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị, Bà Rịa-Vũng Tàu cố gắng bám sát các hướng dẫn của Bộ Y tế vận dụng với thực tế địa phương về công tác xét nghiệm, quy trình cũng như phương thức xét nghiệm phải đúng và trên tinh thần tiết kiệm nhưng hiệu quả.  

TP Hồ Chí Minh điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Theo Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, cùng với sự chung tay của lực lượng cán bộ y tế trên cả nước, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã rất nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự phát tán nhanh của SARS-CoV-2 với biến chủng Delta khiến công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn, trong đó hệ thống điều trị bị quá tải.    

Trước tình hình đó, UBND Thành phố đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều động 5.000 nhân sự hỗ trợ cho Thành phố, gồm: 927 bác sỹ (150 bác sỹ hồi sức, 777 bác sỹ khám và điều trị); 4.137 điều dưỡng, kỹ thuật viên (400 điều dưỡng hồi sức, 50 kỹ thuật viên xét nghiệm, 50 kỹ thuật viên X-quang và 3.637 điều dưỡng chăm sóc người bệnh).

UBND Thành phố cũng đề nghị được hỗ trợ thêm 2.000 nhân viên có chuyên môn y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm.  

Sau 1 ngày kể từ khi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh có Thư ngỏ kêu gọi các anh chị em đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đồng nghiệp gần xa cùng chung tay tham gia vào các hoạt động chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến 17 giờ ngày 25/7, bộ phận thường trực cho biết: Tổng số đã có hơn 1.300 lượt người đăng ký, trong đó đối tượng là bác sĩ có trình độ Đại học gần 300 người; Dược sĩ là 200 người; các ngành nghề khác gần 700 người.  Độ tuổi tham gia tình nguyện viên rất phong phú, trong đó dưới 20 tuổi là 47 người; từ 20-50 tuổi là 1.197 người; trên 50 tuổi là 94 người.

Những tình nguyện viên này chủ yếu hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có một số nhỏ là ở khu vực ngoại thành.  

Dự kiến, trong ngày 26/7, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phân bổ số nhân lực tình nguyện này đến các cơ sở điều trị và các quận, huyện có nhu cầu về nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch và phòng chống COVID-19 trên địa bàn, sáng 25/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết, ngày 26/7, UBND TPHCM sẽ có văn bản quy định đối tượng, nhiệm vụ, thời gian việc di chuyển ngoài đường. Cũng có thể sẽ giới hạn ở khung giờ nhất định nào đó. Ví dụ sau 18h thì những hoạt động nào không được thực hiện. Đây là những biện pháp TPHCM sẽ triển khai thời gian tới.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi, khi việc ra đường bị giới hạn, Thành phố sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Chính quyền cũng sẽ xử lý tốt hơn các tình huống y tế khẩn cấp mà người dân yêu cầu. Điều này đã có sự thảo luận, phân công, tăng cường nhân lực để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của người dân.

"Việc siết chặt Chỉ thị 16 được thực hiện đến ngày 1/8, nhưng có thể có độ trễ 1-2 tuần để các biện pháp đủ thời gian phát huy tác dụng. Khi nào ngăn được sự lây lan và phát tán của dịch bệnh, Thành phố mới tuyên bố kết thúc hoặc điều chỉnh cấp độ thực hiện các biện pháp", ông Mãi nói và cho biết Thành phố đã tính tới tình huống xấu hơn là khởi động phương án số 3 đã dự liệu.

 

 Những quyết định của Hà Nội sát thực tiễn

Công an phường Lê Đại Hành gọi loa nhắc nhở người dân ra đường đạp xe tập thể dục, nếu tiếp tục vi phạm sẽ tiến hành xử phạt. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN 

Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch", Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 17-CĐ/UBND thực hiện giãn cách xã hội từ 6 giờ ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn thành phố.

Trong những ngày qua, Hà Nội thực hiện chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 với sự chủ động trong dự báo, nắm tình hình; khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp; thần tốc trong truy vết, xét nghiệm... cùng với những sáng tạo mang lại hiệu quả trên thực tiễn, như khoanh vùng "3 lớp", thực hiện phương châm "3 trước" và "4 tại chỗ"... đã giúp thành phố kiểm soát, khống chế được dịch bệnh mà không phải giãn cách hay phong tỏa cứng, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.

Cả hệ thống chính trị thành phố cũng luôn xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên số một. Các lãnh đạo thành phố liên tục có những chỉ đạo về giải pháp phòng chống, bám sát diễn biến tình hình dịch trên địa bàn.

Nhằm chặn đứng nguồn lây, không để dịch bùng phát, Chủ tịch UBND Thành phố Chu Ngọc Anh đã ký Chỉ thị số 17-CĐ/UBND thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại thời điểm này là hết sức cần thiết. Bởi căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua, chỉ từ 27/4 đến nay có 685 ca, nhưng có tới 420 ca trong cộng đồng, nhiều ca F0 không có dấu, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao, nếu không áp dụng biện pháp mạnh hơn thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Danh sách 23 chốt kiểm soát đang được Công an thành phố Hà Nội triển khai:

1. Ngã ba Cầu Giẽ (km213 quốc lộ 1A), huyện Phú Xuyên;

2. Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (km188), huyện Thanh Trì;

3. Quốc lộ 21B - ngã ba chợ Dầu, huyện Ứng Hòa;

4. Quốc lộ 5 (cây xăng Vĩnh An, số 1051 Nguyễn Đức Thuận, Trâu Quỳ), huyện Gia Lâm;

5. Cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm;

6. Đê Bát Tràng, huyện Gia Lâm;

7. Gầm cầu Thanh Trì, lối đi khu đô thị Ecopark, quận Long Biên;

8. Nút giao quốc lộ 5B - Cổ Linh, quận Long Biên;

9. Đường Đặng Phúc Thông, huyện Gia Lâm;

10. Km8+100 quốc lộ 18, huyện Sóc Sơn;

11. Quốc lộ 18, lối xuống đường Võ Văn Kiệt, huyện Sóc Sơn;

12. Km422+057 đường Hồ Chí Minh, thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ);

13. Chốt kiểm dịch huyện Chương Mỹ;

14. Cao tốc Hà Nội - Hòa Bình, huyện Thạch Thất;

15. Đầu cầu Đồng Quang, huyện Ba Vì;

16. Đầu cầu Văn Lang, huyện Ba Vì;

17. Đầu cầu Trung Hà, huyện Ba Vì;

18. Đầu cầu Vĩnh Thịnh, thị xã Sơn Tây;

19. Trạm soát vé BOT quốc lộ 2, huyện Sóc Sơn;

20. Quốc lộ 2, đoạn đầu vào cao tốc Nội Bài - Lào Cai, huyện Sóc Sơn;

21. Đường trung tâm hành chính huyện Mê Linh nối quốc lộ 2.

22. Quốc lộ 3, đoạn ngã ba Nỉ, huyện Sóc Sơn.

23: Quốc lộ 18 xuống quốc lộ 3, huyện Sóc Sơn.

Các tuyến đường tránh đi qua Hà Nội

Theo thông báo của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), phương án phân luồng một số tuyến đường tránh đi qua thành phố Hà Nội trong những ngày áp dụng Chỉ thị số 17/CT-UBND như sau:

- Hướng tuyến các tỉnh Tây Bắc về các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, các tỉnh phía Nam và ngược lại được phân luồng như sau: Từ quốc lộ 6 đi ngã ba Tòng Đậu - quốc lộ 15 - tỉnh Thanh Hóa; từ quốc lộ 6 đi ngã ba Mường Khến - quốc lộ 12B - đường Hồ Chí Minh; từ quốc lộ 6 đi ngã ba Cun - tỉnh lộ 12B - đường Hồ Chí Minh.

- Hướng từ tỉnh Hòa Bình đi các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái và ngược lại: Từ tỉnh Hòa Bình - quốc lộ 6 - tỉnh lộ 317 - quốc lộ 32 - quốc lộ 2 (Việt Trì về Vĩnh Yên).

- Hướng từ đường Hồ Chí Minh sang quốc lộ 1 và ngược lại: Đường Hồ Chí Minh - quốc lộ 21 - giao quốc lộ 1- nút giao Liêm Tuyền (cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ).

- Hướng đi tỉnh Bắc Ninh sang tỉnh Thái Nguyên và ngược lại: Bắc Ninh - quốc lộ 3 - nút giao Ba Hàng (giao quốc lộ 3 và tỉnh lộ 261).

- Hướng tuyến từ các tỉnh phía Nam sang các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, các tỉnh Đông Bắc và ngược lại: Từ Đồng Văn (nút giao Vực Vòng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - quốc lộ 38 - quốc lộ 38B - giao cao tốc 5B (Hà Nội - Hải Phòng); từ Đồng Văn (nút giao Vực Vòng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - quốc lộ 38 - giao quốc lộ 1 (cao tốc Hà Nội - Bắc Giang). Hướng đi tỉnh Thái Nguyên sang Vĩnh Yên và ngược lại: Từ nút giao Ba Hàng (giao quốc lộ 3 và đường tỉnh 261) - tỉnh lộ  261 giao quốc lộ 2 và đi Việt Trì.

Không kiểm tra xe chở hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ vùng có dịch COVID-19

Các trường hợp đã có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính được hướng dẫn vào khai báo y tế. Ảnh: Nam Sương/TTXVN 

Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành văn bản số 1015/TTg-CN, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19.

Theo đó, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân trong vùng có dịch COVID-19, trên cơ sở thống nhất của các Bộ: Giao thông vận tải; Công Thương, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến như sau:

Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định nêu trên; chủ động xử lý những vấn đề phát sinh và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Việt Nam tiếp nhận hơn 1,5 triệu liều vaccine Moderna từ Hoa Kỳ

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng; ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; ông Christopher Klein, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam; Bà Lesley Miller, Quyền Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam tiếp nhận lô vaccine Moderna tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: TTXVN phát 

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã dự lễ tiếp nhận lô vaccine thứ hai gồm 1.500.100 liều trong số hơn 3.000.060 liều vaccine Moderna lần này, được phía Hoa Kỳ viện trợ thông qua cơ chế COVAX để sử dụng khẩn cấp cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng COVID-19. Đây là lô vaccine trong số 80 triệu liều mà Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cam kết cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trên toàn cầu. Tính đến nay, Hoa Kỳ đã viện trợ Việt Nam hơn 5 triệu liều vaccine Moderna trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 nước/vùng lãnh thổ châu Á.

Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao đánh giá cao sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời và vô cùng ý nghĩa của phía Hoa Kỳ thông qua cơ chế COVAX đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, phức tạp tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam và nguồn cung vaccine toàn cầu tiếp tục khan hiếm trầm trọng. Đồng thời, phía Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn các quốc gia và các tổ chức quốc tế tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ vaccine, trang thiết bị và thuốc để sớm kiểm soát đại dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.  

Cùng tham dự buổi lễ tiếp nhận, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam  và ông Christopher Klein, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ chia sẻ nhận định của phía Việt Nam về tình hình dịch bệnh, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, khu vực cũng như thế giới tiếp cận vaccine, đẩy lùi dịch COVID-19.

Đến nay, Việt Nam đã đón nhận hơn 11 triệu liều vaccine hỗ trợ từ các nước và các đối tác; trong đó có cơ chế COVAX.