Tổng hợp COVID-19 ngày 19/10: Thêm một số tỉnh công bố cấp độ dịch COVID-19; Việt Nam ghi nhận 3.034 ca nhiễm mới

(Mặt trận) - Tỉnh Quảng Ninh, Bình Phước, Bạc Liêu công bố cấp độ dịch; Việt Nam ghi nhận 3.034 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới; Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.787 tỷ đồng... đó là những thông tin trong ngày 19/10 thu hút sự quan tâm của dư luận.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Lực lượng y tế huyện Đan Phượng (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ em trong khu vực phong tỏa xã Tân Lập (ảnh chụp ngày 2/9/2021). Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN. 

Ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhà giáo, học sinh, sinh viên

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về tác động của dịch đối với các lĩnh vực giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành giáo dục. Trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên đã phải tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp. Nhiều giáo viên, trẻ em, học sinh bị nhiễm COVID-19. Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch. Công tác dạy và học, phát triển đội ngũ, tài chính và bảo đảm chất lượng giáo dục cũng như tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh bị tác động lớn.

Theo Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, giáo dục mầm non bị gián đoạn trong thời gian dài, ảnh hưởng nhiều đến nền nếp, thói quen, chế độ sinh hoạt theo độ tuổi của khoảng 4 triệu trẻ em, nhất là ở các khu đô thị, địa phương có khu công nghiệp. Đối với trẻ 5 tuổi, việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng vào lớp 1 theo Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi còn hạn chế, gây khó khăn khi học chương trình lớp 1 ở tiểu học của trẻ. Việc tổ chức hoạt động giáo dục mầm non theo hình thức trực tuyến rất khó thực hiện trong thực tế, chưa phù hợp và bảo đảm công bằng trong tiếp cận với trẻ em, nhất là trẻ em 5 tuổi, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trẻ em ở gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với học sinh cấp tiểu học (nhất là lớp 1) và học sinh ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hình thức học trực tuyến còn gặp nhiều thách thức, khó triển khai hoặc triển khai không hiệu quả. Trong khi đó, phương thức dạy học qua truyền hình phù hợp hơn với học sinh cấp tiểu học, chi phí thấp, không gây áp lực cho gia đình học sinh nhưng hạn chế về khả năng tương tác, ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/8/2021, 62/63 tỉnh, thành phố có người mắc COVID-19, trong đó có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 có em. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số trẻ em F0 và trẻ em cách ly tập trung cao nhất cả nước và nhiều trẻ em nhiễm COVID-19 có chuyển biến nặng. Hà Nội có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 là trẻ em từ 5 tuổi trở xuống. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình.

Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục, sinh viên, học sinh để các em được đến trường sớm nhất có thể. Rà soát, đánh giá kỹ thực trạng, khó khăn, vướng mắc về triển khai dạy học trong bối cảnh dịch bệnh đối với từng địa bàn, từng cấp học, bậc học, loại hình cơ sở giáo dục; chủ động xây dựng phương án, kịch bản, giải pháp tổng thể về tổ chức dạy học, thi, đánh giá chất lượng giáo dục thích ứng với điều kiện cụ thể, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động dạy học và sự công bằng về điều kiện học tập, tiếp thu kiến thức của học sinh.

Căn cứ vào thực tế trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, địa bàn nào được xác định dịch cấp độ 1, 2, thì học sinh được đến trường học trực tiếp.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): Địa bàn tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, lớp 9, 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng chống dịch.

Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): Địa bàn phải căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học... Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp; phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình; có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.

 Tiêm vaccine cho người dân

Việt Nam ghi nhận 3.034 ca nhiễm SARS-CoV-2, có 3.522 ca nặng đang điều trị

Ngày 19/10, Việt Nam ghi nhận 3.034 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, hiện có 3.522 ca nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Trong số các ca nhiễm mới có 7 ca nhập cảnh và 3.027 ca ghi nhận trong nước (giảm 132 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 1.220 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (giảm 61 ca), Đắk Lắk (giảm 46 ca), Cà Mau (giảm 38 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Tây Ninh (tăng 86 ca), Bình Dương (tăng 61 ca), Lâm Đồng (tăng 34 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.272 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 870.255 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.838 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 865.558 ca, trong đó có 792.029 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình. Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Đà Nẵng.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (419.599), Bình Dương (226.353), Đồng Nai (59.386), Long An (33.857), Tiền Giang (15.184).

Ngày 19/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.866 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 794.846 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.522 ca.

Trong ngày ghi nhận 75 ca tử vong là: TP Hồ Chí Minh (47), Bình Dương (11), Đồng Nai (5), Tiền Giang (3), Long An (2), An Giang (2), Bình Thuận (2), Cà Mau (1), Kiên Giang (1), Đồng Tháp (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 83 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.344 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong ngày 18/10, cả nước có 1.522.598 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 64.992.488 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 46.493.751 liều, tiêm mũi 2 là 18.498.737 liều.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, đến ngày 19/10, Hà Nội đã có 1.872 người về từ các tỉnh phía Nam. Các trường hợp đi về đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó phát hiện 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Cụ thể, các ca nhiễm là người về từ các tỉnh gồm: TP Hồ Chí Minh (15 ca), Đồng Nai (4 ca), Bình Dương (2 ca), Tây Ninh (1 ca). Các ca nhiễm phân bố theo phương tiện di chuyển gồm: Người đi bằng ô tô (15 ca), người đi máy bay (6 ca), người đi xe máy (1 ca).

Cũng trong ngày 19/10, Bộ Y tế đã tiếp nhận 100.000 liều vaccine COVID-19 và 100.000 kit xét nghiệm nhanh của Chính phủ Hungary.

Dồn sức khống chế ổ dịch 22 ca mắc chưa rõ nguồn lây tại Ý Yên

Chốt kiểm soát COVID-19 của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định tiến hành test nhanh COVID-19 cho ngư dân. Ảnh (tư liệu) minh họa: Công Luật/TTXVN 

Liên quan đến ổ dịch 22 ca mắc COVID-19 trên địa bàn, lãnh đạo huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) cho biết, cơ quan chức năng đang thực hiện đồng bộ các biện pháp cấp bách để phát hiện sớm F0, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Để phát hiện sớm F0 và các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, cơ quan chức năng huyện Ý Yên đã rà soát, lấy mẫu xét nghiệm đối với người dân của 9 xã, thị trấn gồm: Yên Phong, Yên Tiến, Yên Ninh, Yên Quang, Yên Bằng, Yên Khánh, Yên Dương, Yên Hồng và thị trấn Lâm, với khoảng 90.000 mẫu; trong đó, test nhanh trên 84.600 mẫu, xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5 gộp 1) 5.440 mẫu.

Tính đến chiều 19/10, lực lượng y tế địa phương đã lấy hơn 1.000 mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR đối với người dân vùng “tâm dịch” xã Yên Hồng và thị trấn Lâm. Kết quả xét nghiệm, trong số 36 mẫu đơn có 17 mẫu âm tính, 2 mẫu dương tính, 17 mẫu đang chờ kết quả; 1.008 mẫu gộp đang chờ kết quả.

Địa phương đã thực hiện test nhanh sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân tại các xã "nguy cơ cao" gồm: Yên Phong 1.600 người; Yên Quang 1.400 người; Yên Bằng 1.000 người; Yên Tiến 1.200 người; Yên Ninh 4.000 người; Yên Khánh 1.200 người; Trường Trung học Phổ thông Tống Văn Trân 1.394 người. Kết quả, 11.794/11.794 mẫu đều âm tính với SARS-CoV-2. 

Huyện Ý Yên phấn đấu hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm trong ngày 20/10 để sớm phát hiện F0 trong cộng đồng.

Cùng với việc truy vết, mở rộng xét nghiệm, huyện Ý Yên đã ra Quyết định thiết lập vùng cách ly y tế gồm toàn bộ thôn Đằng Động, xã Yên Hồng (360 hộ dân, 1443 nhân khẩu) và cụm dân cư xóm mới, tổ dân phố số 2, thị trấn Lâm (70 hộ dân, 290 nhân khẩu) với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thực hiện gia đình cách ly với gia đình, yêu cầu người dân ở tại nhà “ai ở đâu ở yên đó”, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết. Chính quyền địa phương lập chốt kiểm soát dịch; đảm bảo công tác hậu cần, nhu yếu phẩm cho nhân dân vùng cách ly, phong tỏa.

UBND huyện tạm thời áp dụng biện pháp phòng, chống dịch cao hơn cấp độ 3 (vùng cam) đối với toàn bộ địa bàn xã Yên Hồng và thị trấn Lâm; tạm dừng hoạt động dịch vụ không thiết yếu, kể cả dịch vụ kinh doanh ăn, uống, cà phê để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Huyện tạm dừng hoạt động chợ dân sinh tại các xã: Yên Hồng, Yên Quang, Yên Tiến, Yên Thắng, Yên Bằng, Yên Ninh, Yên Dương, Yên Mỹ.

Huyện đã điều chỉnh việc phân bổ số lượng vaccine và kế hoạch tiêm chủng, đẩy nhanh tiến độ tiêm để tăng độ bao phủ vaccine cho các xã có dịch, ưu tiên cho xã Yên Hồng, thị trấn Lâm.

Tính đến ngày 18/10, toàn huyện đã tiêm được 35.128 mũi vaccine phòng COVID-19 (số đã tiêm mũi 1 là 30.757 người; đã tiêm mũi 2 là 4.371 người).

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Ý Yên, tính đến chiều 19/10, ổ dịch chưa rõ nguồn lây trên địa bàn huyện đã có 22 ca; trong đó, tại thôn Đằng Động, xã Yên Hồng có 19 ca, ở tổ dân phố số 2, 6, thị trấn Lâm có 3 ca.

Quá trình truy vết, phân loại đã xác định được 179 F1, đưa đi cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề và Trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự huyện cũ; 133 F2 thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.787 tỷ đồng

Lực lượng y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN 

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h ngày 19/10, số dư Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 8.787 tỷ đồng đã bao gồm ngoại tệ quy đổi; trong đó, có 47,7 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.

Ban quản lý Quỹ cho biết đã có 558.948 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào quỹ.

Tính đến thời điểm hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi từ Quỹ 7.053,5 tỷ đồng. Trong số đó, chi mua vaccine 7.044,7 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 8,8 tỷ đồng nên dư cuối ngày 1.733,5 tỷ đồng.

Bên cạnh việc tiếp nhận ủng hộ tới Quỹ vaccine phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã nhanh chóng ban hành Thông tư số 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính quỹ, bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả.

Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả số tiền ủng hộ, số dư tiền chuyển vào quỹ ở các ngân hàng thương mại đến cuối ngày được chuyển hết về Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và chuyển tiếp ngay về Ngân hàng Nhà nước.

Hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 22 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 7 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, MB, Agribank và TPBank.

Việc quản lý, sử dụng quỹ, mở tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, số tiền ủng hộ được Kho bạc Nhà nước tổng hợp và thông tin rộng rãi hằng ngày.

Toàn bộ số tiền ủng hộ, số dư tiền chuyển vào quỹ ở các ngân hàng thương mại đến cuối ngày được chuyển hết về Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và chuyển tiếp ngay về Ngân hàng Nhà nước.

Theo Bộ Tài chính để tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng; trong đó, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.

 

Thêm một số tỉnh công bố cấp độ dịch COVID-19

Tối 19/10, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 3634/QĐ-UBND chính thức công bố cấp độ dịch, khẳng định là địa phương có cấp độ 1 ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện và xã), tương ứng với vùng xanh, nguy cơ thấp về dịch COVID-19.

Cụ thể, có 177/177 đơn vị cấp xã, 13/13 đơn vị cấp huyện và cả tỉnh Quảng Ninh đều thuộc vùng nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh.

Quyết định này để áp dụng các biện pháp hành chính “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh đã trải qua hơn 112 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng; độ phủ vaccine phòng COVID-19 đạt cao - đã tiêm mũi 1 và dự kiến sẽ tiêm mũi 2 trong tháng 10 cho 100% người dân được chỉ định tiêm; năng lực y tế và cách ly của tỉnh được đảm bảo.

Hiện nay, người vào tỉnh Quảng Ninh không phải thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (trừ người đến từ vùng dịch cấp độ 4, hoặc vùng cách ly y tế); Đối với người nhập cảnh cách ly tại Quảng Ninh: người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày; người chưa tiêm đủ liều nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày. Đối với người nhập cảnh đã thực hiện cách ly tại các địa phương khác khi về Quảng Ninh phải thực hiện theo dõi sức khỏe 7 ngày tại nơi cư trú.

Từ cuối tháng 9, tỉnh Quảng Ninh đã cho cách hoạt động du lịch, dịch vụ hoạt động trở lại; các điểm du lịch được đón khách du lịch nội tỉnh. Dự kiến, tháng 11 sẽ tổ chức đón khách ngoại tỉnh; hoạt động vận tải nội tỉnh hoạt động bình thường, vận tải liên tỉnh từng bước mở các tuyến đến các vùng an toàn về dịch.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 18 ngày 18/10/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giữ đà tăng trưởng 2 con số. 

* Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; tối 19/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đã ký ban hành công văn khẩn về phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo đó, ở cấp tỉnh, Bình Phước hiện đang có nguy cơ dịch ở cấp độ 2; cấp huyện có 11/11 huyện, thị xã, thành phố có nguy cơ dịch ở cấp độ 2; cấp xã có 110/111 xã có nguy cơ dịch ở cấp độ 2; chỉ có 1 xã có nguy cơ dịch ở cấp độ 3.

UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay tỷ lệ bao phủ vaccine trên địa bàn tỉnh còn khá thấp. Tính đến hết ngày 18/10, toàn tỉnh có hơn 458.000 người đã tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 (chiếm 60,3% dân số từ 18 tuổi trở lên) và hơn 67.300 người đã tiêm mũi 2 (chiếm 8,9% dân số từ 18 tuổi trở lên).

Chiều 19/10, chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Mạnh Cường- Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, tỉnh đang ở giai đoạn thích ứng với điều kiện bình thường mới. Dù tình hình thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 đang kiểm soát tốt, nhưng cần phải nhận diện rõ những thách thức, rủi ro khi lực lượng bên ngoài di chuyển vào tỉnh tăng, người đi qua tỉnh cũng tăng và đã có sự xuất hiện một số ca trong cộng đồng. Do đó, cần phải tăng cường sự quản lý, duy trì các chốt kiểm soát bên ngoài, đẩy mạnh việc kiểm soát bên trong.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho rằng, sau khi thực hiện khung phương án sản xuất kinh doanh, thích ứng phục hồi kinh tế, sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã có những kết quả tích cực.

Đến thời điểm hiện nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang được tỉnh Bình Phước kiểm soát tốt. Số ca mắc mới trong thời gian gần đây giảm mạnh; công tác tiêm vaccine đang được chính quyền địa phương đẩy nhanh tốc độ; các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đang trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định sản xuất.

* Ngày 19/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết tỉnh vừa ra quyết định xác định và công bố cấp độ dịch COVID-19 để áp dụng các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đối với cấp xã có 64 đơn vị cấp 1 nguy cơ thấp (vùng xanh); 7 đơn vị cấp huyện cấp 1 nguy cơ thấp (vùng xanh). Đối với cấp tỉnh: cấp 2 nguy cơ trung bình (vùng vàng). Thời gian áp dụng từ 0 giờ, ngày 20/10/2021.

Riêng đối với các đơn vị cấp xã nếu chuyển từ cấp độ dịch thấp sang cấp độ dịch cao hơn thời gian áp dụng sau 48 giờ kể từ thời điểm công bố.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Y tế căn cứ tình hình thực tế, khả năng phòng, chống dịch của địa phương và hướng dẫn của Bộ Y tế để xác định cấp độ dịch đối với từng xã, phường, thị trấn (trừ khu vực phong tỏa) trên địa bàn tỉnh hàng tuần để cập nhật cấp độ dịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định công bố chuyển đổi để làm cơ sở thực hiện.

Công an tỉnh phối hợp cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì các chốt kiểm soát “vòng ngoài” của tỉnh để kiểm tra người và phương tiện vào tỉnh, nhất là việc khai báo y tế (100% người vào tình đều phải khai báo y tế); triển khai thí điểm hệ thống quản lý đi lại, thực hiện chính sách với người dân, nhất là dữ liệu tiêm chủng vaccine...

Công an tỉnh căn cứ theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và điều kiện thực tế để phối hợp Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế đẩy mạnh triển khai áp dụng phần mềm VNEID phục vụ hoạt động tại các chốt kiểm soát giao thông, theo hướng các lực lượng tại chốt cập nhật trực tiếp thông tin của người đến, về tại chốt để gửi ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi, giám sát theo quy định.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phong tỏa cách ly y tế cục bộ (phong tỏa ổ dịch) trên tinh thần nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất, không để dịch lây lan ra diện rộng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ký ban hành Quyết định việc phong tỏa này (kể cả việc dỡ bỏ phong tỏa khi đã đảm bảo an toàn); đồng thời, triển khai hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ y tế để người dân yên tâm tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Đối với người vào tỉnh, 100% phải khai báo y tế và thực hiện cách ly tại cơ sở cách ly tập trung hoặc nơi lưu trú hoặc tại nhà (nếu đảm bảo điều kiện). Riêng đối với người chưa tiêm vaccine thì ưu tiên áp dụng phương án cách ly tập trung nhưng phải đảm bảo điều kiện về nơi cách ly và các biện pháp quản lý tránh lây nhiễm chéo. Đối với người không thể tự chăm sóc, người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên), phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi, người có bệnh nền thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.

Đối với người ra khỏi tỉnh không làm thủ tục xin phép, cấp phép mà chỉ cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 theo yêu cầu của địa phương nơi đến (nếu có yêu cầu). Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan Đảng, Đoàn thể, Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh chỉ được phép ra khỏi địa bàn tỉnh khi được sự chấp thuận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương. Thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về quyết định của mình, nhất là việc để xảy ra vi phạm dẫn đến lây lan dịch COVID-19.