Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sẽ có giai đoạn phát triển mới, tiến bộ hơn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

(Mặt trận) - Ngày 23/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng tham dự.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) 

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ trụ sở HĐND - UBND quận Ba Đình đến các điểm cầu tại hai quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và 55 phường của ba quận với hơn 1.200 cử tri đại diện cho cử tri ba quận thuộc đơn vị bầu cử số 1 của thành phố Hà Nội.

Tiếp tục có nhiều đổi mới, thể hiện đúng “vaicơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho Nhân dân

Tại cuộc tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã báo cáo với cử tri kết quả nội dung Kỳ họp thứ Ba và các công việc của Đoàn tại Kỳ họp này cũng như việc giải quyết các kiến nghị của cử tri từ cuộc tiếp xúc trước đó.

Cử tri bày tỏ vui mừng và đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Ba với nhiều đổi mới, bảo đảm các hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch và gần gũi hơn với cử tri, Nhân dân, qua đó tạo điều kiện để cử tri và Nhân dân giám sát các hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Các ý kiến phát biểu đều ngắn gọn, súc tích, có chất lượng, thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao, có sự nghiên cứu chuyên sâu, kỹ lưỡng của các đại biểu Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình. Ảnh: Trí Dũng- TTXVN 

Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan có liên quan đã luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, chủ động, tích cực phối hợp, kịp thời đưa ra những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện sinh động hình ảnh một Quốc hội luôn đại diện cho trí tuệ toàn dân, không ngừng đổi mới, cống hiến và hành động vì lợi ích của cử tri, nhân dân và đất nước.

Về những vấn đề được bàn và thống nhất tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa qua, cử tri cho rằng, Trung ương đã nhìn nhận vấn đề quản lý đất đai một cách toàn diện, thẳng thắn trong đánh giá tồn tại, hạn chế cùng nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý đất đai. Tuy nhiên, cử tri cũng thẳng thắn phản ánh tâm tư, nguyện vọng về vấn đề hội nhập quốc tế của các sản phẩm nông nghiệp; bày tỏ mong muốn Trung ương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn nữa, có nhiều giải pháp để nông nghiệp nước ta nhanh chóng hội nhập sâu rộng, hiệu quả với thế giới.

Cử tri hoan nghênh Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, sáng suốt quyết định Lịch sử là môn học chính thức bắt buộc; nêu rõ, thông qua giáo dục lịch sử đồng thời giáo dục cả về truyền thống, nhân cách, niềm tự hào, tư tôn dân tộc cho mỗi công dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Bên cạnh việc giáo dục lịch sử, các nhà trường cần quan tâm giáo dục về chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa giao tiếp, ứng xử, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng vượt qua khó khăn, áp lực trong cuộc sống cho học sinh.

Đặc biệt, cử tri lên án mạnh mẽ những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, với sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân. Cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện công, cử tri mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Trí Dũng- TTXVN 

Liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cử tri nêu rõ, những năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã hoạt động rất hiệu quả, đạt được một số kết quả, tạo sự chuyển biến trong thực tế. Vừa qua, cùng với việc đổi tên và trao thêm chức năng, nhiệm vụ “phòng, chống tiêu cực” cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trung ương cũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và để phát huy hiệu quả của các ban chỉ đạo cấp tỉnh như ban chỉ đạo trung ương đã và đang làm, cử tri kiến nghị cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, phương tiện, điều kiện làm việc tương xứng cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thực sự phát huy hết sức mạnh của từng thành viên Ban Chỉ đạo và sức mạnh tổng hợp của tập thể Ban Chỉ đạo tại các địa phương theo hướng đủ mạnh, có thực quyền, trở thành “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương, phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Cử tri rất mong muốn Trung ương có các giải pháp hữu hiệu để Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh “không bị vô hiệu hóa”.

Cử tri cũng đề nghị Quốc hội tăng cường chất lượng hoạt động giám sát, không chỉ giám sát tối cao mà cần có thêm các hoạt động giám sát chuyên đề để có thể đánh giá thực chất hơn nữa các quyết sách của Quốc hội được thực thi trong thực tiễn như thế nào, trên cơ sở đó có sự điều chỉnh kịp thời, sát với nhu cầu của người dân và sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Cử tri kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có các giải pháp cụ thể điều hành nền kinh tế, nhanh chóng khắc phục các hạn chế yếu kém, kiềm chế lạm phát; bình ổn giá xăng dầu, giá vàng trong nước, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giữ được ổn định cho đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân lao động trực tiếp...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình. Ảnh: Trí Dũng- TTXVN 

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến xác đáng, thiết thực, trách nhiệm và sâu sắc của cử tri, đã đề cập nhiều vấn đề, từ cụ thể đến chiến lược của Thủ đô cũng như cả nước.

Về kết quả Kỳ họp thứ Ba, Tổng Bí thư nêu rõ, sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Ba đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Quốc hội đã thông qua 5 luật, 17 nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác. Trong đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành trong 2 ngày rưỡi, được cử tri và Nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao. Đặc biệt, đúng như nhận định của cử tri, sau Kỳ họp, hoạt động của Quốc hội đang để lại dư âm rất tốt. Kết quả Kỳ họp thứ Ba cho thấy, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, thể hiện đúng “vai” là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đại diện cho Nhân dân, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri và cho biết Đoàn sẽ tổng hợp báo cáo với Quốc hội, đồng thời chuyển các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Sẽ có giai đoạn phát triển mới, tiến bộ hơn trong phòng, chống tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình. Ảnh: Trí Dũng- TTXVN 

Trả lời về một số vấn đề cụ thể cử tri nêu liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh, đây là công việc đòi hỏi phải làm một cách “kiên trì, nhân văn, có lý, có tình, bài bản và hết sức thuyết phục”. Cụ thể với vụ việc kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế về những sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á mà cử tri nêu, Tổng Bí thư nêu rõ, các bước trong quy trình xử lý kỷ luật đã được làm một cách rất bài bản, nghiêm túc, rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Theo đó, bước đầu tiên là Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra xem xét và dự kiến thi hành kỷ luật về Đảng; sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương dự kiến mức kỷ luật thì đến bước hai là các cơ quan hành chính phải làm, kỷ luật về hành chính; và bước thứ ba là xử lý về hình sự. Cho rằng, những bước xử lý kỷ luật cán bộ có vi phạm được tổng kết “gần như thành lý luận”, Tổng Bí thư cho biết, các công việc được xử lý ngắn gọn, bài bản. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong một ngày rưỡi: Chiều hôm trước Bộ Chính trị họp, xem xét 2 trường hợp này, và đã thảo luận rất kỹ với 100% biểu quyết phiếu kín yêu cầu kỷ luật phải khai trừ ra khỏi Đảng và cách tất cả các chức vụ; ngay hôm sau triệu tập họp Trung ương bất thường, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương bỏ phiếu cũng gần như tuyệt đối, hoàn toàn đồng ý phải khai trừ ra khỏi Đảng. Và đây mới là kỷ luật về Đảng. Ngay sáng hôm sau, Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ Ba, bổ sung nội dung về công tác nhân sự, đưa ra xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế với ông Nguyễn Thanh Long theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. “Mặc dù tình hình chống dịch đang ở thời điểm rất phức tạp, nhưng chúng ta kiên quyết làm”. Nhấn mạnh quan điểm này, Tổng Bí thư cũng cho biết, sau khi Trung ương đã khai trừ ra khỏi đảng, Chính phủ, Quốc hội làm các bước tiếp theo, thì lúc bấy giờ (ngay buổi chiều sau khi Quốc hội họp) cơ quan công an mới khởi tố bắt tạm giam để tiếp tục điều tra. Và “hiện nay đang trong giai đoạn tiếp tục điều tra, chứ chưa xử lý hình sự”, Tổng Bí thư cho biết. Như vậy, rõ ràng, quy trình xử lý cán bộ vi phạm được làm rất bài bản, theo ba bước: “Kỷ luật về Đảng làm trước, hành chính làm tiếp theo và hình sự là bước thứ ba” - quy trình này “gần như thành lý luận về phòng, chống tham nhũng của chúng ta”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vụ việc nêu trên, có ý kiến cho rằng, đang lúc dịch dã phức tạp như thế này mà xử lý kỷ luật “ác thế”, khai trừ ra khỏi Đảng, lại còn cách tất cả chức vụ và cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra..., Tổng Bí thư nêu rõ, “rất đau xót, nhưng buộc phải làm”. Như Bác Hồ nói là phải cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây, chứ nếu không để lan ra thì rất nguy hiểm. Quan trọng hơn, theo Tổng Bí thư, là “phải rút ra được bài học chung để răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo những người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy, chứ không phải thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình...”. Tổng Bí thư cũng nêu rõ, cho đến bây giờ dư luận Nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình. Bản thân các đương sự cũng nhận ra những sai sót, khuyết điểm của mình.

Trao đổi với cử tri về ý kiến cho rằng “kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai để làm việc”, Tổng Bí thư nhấn mạnh, quan trọng là phải chọn đúng cán bộ, phải làm thật chính xác, không được vội vàng.

Hiện nay, thực hiện chủ trương của Trung ương, nhiều địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Sắp tới, Trung ương cũng sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được tái lập. Những việc này, theo Tổng Bí thư, cũng là “để bồi dưỡng cho ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố, bảo đảm thống nhất từ trên Trung ương xuống địa phương; đồng thời để hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng vai, thuộc bài” - Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố được lập ra để giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương tham mưu, giải quyết những việc liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. “Đây không chỉ là chống mà cả phòng nữa; và chủ trương, chính sách thế nào để anh không dám, không cần, không muốn tham nhũng”, Tổng Bí thư nhấn mạnh, “hy vọng sắp tới sẽ có giai đoạn phát triển mới, tiến bộ hơn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.