Tổng Bí thư dự phiên thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN

(Mặt trận) - Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV, sáng 1/6/2022, tại Nhà Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên thảo luận của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết này.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên họp. Ảnh: Ảnh: TTXVN phát 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: Ảnh: TTXVN phát 

Báo cáo về nội dung này của Chính phủ được trình bày tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Ba đã khẳng định, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội đầu năm 2022; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, kinh tế - xã hội những tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Những kết quả đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đã lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, cần nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm, trên cơ sở bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Trong đó, một vấn đề được Ủy ban Kinh tế nêu rõ là việc thực hiện nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan trung ương theo Nghị quyết của Chính phủ mới đang dừng lại ở việc rà soát hoặc đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến. Tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm, đã qua 5 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết, căn bản nguồn vốn chưa được triển khai trên thực tế. 

Về triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, Quốc hội cho phép tăng mức bội chi so với kế hoạch thực hiện toàn khóa, nhưng Chính phủ mới trình bổ sung dự toán năm 2022 là 18.349,447 tỷ đồng, tương đương 16% tổng số vốn dành cho đầu tư phát triển của Chương trình cần được phân bổ, bổ sung dự toán. “Điều này dẫn đến áp lực phải giải ngân, tăng bội chi rất lớn trong năm 2023” - là một vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: TTXVN phát 

Trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ, báo cáo của Chính phủ, một số bộ, ngành chưa phân bổ hết số vốn được giao, chưa triển khai giải ngân kế hoạch vốn, cho thấy một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Cơ quan thẩm tra đề nghị “chỉ rõ 17 bộ ngành chưa giải ngân" và báo cáo rõ "định hướng khắc phục ở những bộ ngành này”, “làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm trễ trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng”.

Trong thảo luận tại Tổ ngày 25.5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà tiền có không tiêu được thì không biết vướng do đâu nên phải làm cho rõ. Bởi, theo Chủ tịch Quốc hội, "thể chế không vướng gì cả, khi Quốc hội đã cho phép áp dụng các cơ chế chính sách đặc cách, đặc thù, đặc biệt, cho phép cả chỉ định thầu, tức là ở mức cao nhất rồi, không còn gì mà mở thêm được nữa".

Cần có luận giải kỹ lưỡng

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN phát 

Một trong những thành tích nổi bật của năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 là thu ngân sách nhà nước tăng cao, dù nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân còn rất khó khăn sau đại dịch. Thu ngân sách vượt dự toán được Ủy ban Kinh tế cho rằng “công tác dự báo kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 phục vụ lập dự toán năm 2022 chưa sát thực tiễn, có sự chênh lệch rất lớn giữa số báo cáo Quốc hội và số đánh giá bổ sung”, thể hiện năng lực dự báo, phân tích còn hạn chế, chưa dự báo đầy đủ các biến động kinh tế - xã hội với các yếu tố tác động đến thu ngân sách trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế lưu ý, tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm, làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng dự toán năm sau.

Động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới được nhận định vẫn đến từ khu vực FDI, vì bù đắp cho đầu tư khu vực tư nhân còn khó khăn, chưa thể hồi phục nhanh do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước được Chính phủ báo cáo với Quốc hội vẫn chiếm tới 59,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng cao so với các tỷ lệ trước đây là chỉ hơn 40%. Con số này có hợp lý không khi quý III.2021 vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm 6,02% - thấp nhất kể từ khi có thống kê theo quý? Hơn nữa, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, giải ngân đầu tư công chậm thì rõ ràng, số liệu tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài nhà nước, thu ngân sách tăng cao cần có luận giải kỹ càng, để xác định chính xác tình hình thực tế.

Ngoài ra, việc có nhiều yếu tố đang gây sức ép lớn đến điều hành lạm phát năm 2022 cũng cần được quan tâm. Bởi thông thường khi lạm phát tăng cao thì lãi suất cho vay khó có thể giảm được như kỳ vọng của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Trước khi khai mạc Kỳ họp thứ Ba, Chính phủ mới có hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất 2%. Trong khi đó, không khó hiểu nhu cầu về vốn, về dòng tiền của doanh nghiệp là rất lớn khi nền kinh tế mở trở lại sau đại dịch như hiện nay.

Tại báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý một số vấn đề nổi lên trong thời gian gần đây như: tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp; xung đột quân sự Nga - Ukraine; giá dầu và lạm phát tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đồng thời, với việc ngân hàng trung ương các quốc gia lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát có thể dẫn tới dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn; lãi suất đồng USD tăng có thể làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài.

Diễn biến của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và trong nước như trên đòi hỏi cần xác định chính xác "bức tranh" kinh tế nước ta, vì có như vậy mới có những quyết sách phù hợp vừa giúp triển khai và phát huy hiệu quả của các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế, vừa bảo đảm có kết quả tăng trưởng chắc chắn. Trong đó, đáng lưu ý là thống nhất phương án để có thể vừa tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch, vừa tránh xảy ra những “phản ứng phụ” như đã từng xảy ra khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất năm 2009. 

Nhiều chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 1/6. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Góp ý về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, đại biểu Cầm Thị Mẫn bày tỏ đồng tình và đánh giá cao những nỗ lực, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Ngân hàng Nhà nước và sự phối kết hợp vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Theo đại biểu, các đối tượng của Nghị quyết đã chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa việc triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất, tổ chức đánh giá việc thực hiện Nghị quyết bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo Quốc hội kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn khẳng định, Nghị quyết số 42 của Quốc hội khóa XIV đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mang lại chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Qua đó, củng cố niềm tin của xã hội đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần quan trọng vào kết quả triển khai Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Sau khi Nghị quyết số 42 được ban hành và có hiệu lực, ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao; một số quy định tại Nghị quyết số 42 đã được các tổ chức tín dụng áp dụng có hiệu quả trên thực tế. Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan.

Báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.          

Trong tổng số 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được xử lý có 148 nghìn tỷ đồng là do khách hàng tự trả nợ (chiếm 38,93%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012-2017. Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (2012-2017).

Cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng quy định của Nghị quyết số 42

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Cầm Thị Mẫn cũng chỉ rõ, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Do vậy, đại biểu cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, qua đó đề xuất những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay.

Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực thi hành sau ngày 15/8 tới, đại biểu tán thành với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn đặt ra, trên cơ sở đó nghiên cứu luật hóa quy định về xử lý nợ xấu nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu trong phiên thảo luận. (Ảnh: LINH NGUYÊN) 

Cùng chung quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Làm rõ một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng trên, đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết và tính ngoại lệ phải kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tới cuối năm 2023 để tránh khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi “gia cố” khuôn khổ pháp luật về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ vay trở nên có sức thuyết phục.

Giải quyết triệt để tình trạng thao túng thị trường chứng khoán

Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) điểm danh những lĩnh vực có một số “biểu hiện lệch lạc”, trong đó có lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đại biểu nêu vấn đề, khi những cá nhân này lâm vào lao lý lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành các lĩnh vực đó. “Cử tri rất thắc mắc khi thấy các tổ chức, cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng như vậy, trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.

Cũng như đại biểu Tạ Thị Yên, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đánh giá, thời gian gần đây, một số giao dịch trong thị trường chứng khoán, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có những biểu hiện không lành mạnh, cá biệt đã có những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi thao túng, che giấu thông tin, trục lợi, gây bất ổn cho thị trường chứng khoán và đã gây thiệt hại cho những người tham gia đầu tư, ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn của nền tài chính đất nước.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính, trong việc triển khai nhiều biện pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; các cơ quan hữu quan đã phát hiện, xử lý kịp thời hành vi thao túng và trục lợi thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu; cho rằng đây là vấn đề mới và có tính lan tỏa rất rộng, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị tiếp tục giải quyết triệt để tình trạng này.

Cụ thể, đại biểu kiến nghị có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, lành mạnh hóa thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ để vừa tạo điều kiện phát triển thị trường chứng khoán, giúp các doanh nghiệp huy động vốn thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn chặt chẽ, nhất là bảo đảm quyền lợi của những người tham gia thị trường chứng khoán và hạn chế tối đa những hành vi trục lợi.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên các lĩnh vực chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch thông tin đến người dân...