Tổng Bí thư yêu cầu Hội đồng tập trung vào chức năng, nhiệm vụ chính, phục vụ trực tiếp Trung ương xây dựng các chủ trương, đường lối.
Sáng 23/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương họp phiên thứ 4, bàn sâu chuyên đề “Công tác lý luận: Thực trạng, vấn đề và giải pháp” và Tổng kết công tác năm 2017, xác định phương hướng nhiệm vụ năm 2018.
Đến dự có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 4 Hội đồng Lý luận Trung ương.
Phát biểu khai mạc phiên họp, ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phụ trách Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, kỳ họp thứ 4 của Hội đồng Lý luận Trung ương diễn ra vào thời điểm rất quan trọng.
Các Nghị quyết, kết luận của Trung ương gần đây khẳng định việc xây dựng, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng là vấn đề hết sức hệ trọng, phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu để hiểu rõ hơn, thấm nhuần và kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời chú trọng tổng kết thực tiễn, tìm hiểu những kinh nghiệm hay, những mô hình và cách làm tốt, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
Tại phiên họp, bàn về chuyên đề “Công tác lý luận: Thực trạng, vấn đề và giải pháp”, các đại biểu đánh giá: Trong 30 năm đổi mới, công tác lý luận của Đảng đã có bước phát triển quan trọng, thu được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện.
Xuất phát từ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, Đảng ta đã không ngừng phát triển và hoàn thiện nhận thức lý luận chung về mô hình, mục tiêu, tính chất, con đường của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được hoàn thiện cùng với tiến trình của công cuộc đổi mới.
Các thành viên Hội đồng lý luận Trung ương xác định những vấn đề bức thiết đang và sẽ đặt ra đối với công tác lý luận của Đảng nói chung và đối với công tác nghiên cứu lý luận nói riêng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, công cuộc đổi mới đất nước càng đi vào chiều sâu, càng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.
Đồng thời đề xuất các giải pháp có căn cứ khoa học, khả thi góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác lý luận ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao công tác lý luận trong thời gian qua.
Tổng Bí thư khẳng định, thành tựu của hơn 30 năm đổi mới đất nước có sự đóng góp xứng đáng của đội ngũ cán bộ lý luận.
Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư, trong công cuộc đổi mới nói chung và công tác lý luận thời kỳ đổi mới nói riêng cũng còn những hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn, trong đó công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ…
Tổng Bí thư nhấn mạnh, thực tiễn công cuộc đổi mới đang đặt ra và đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, về công tác lý luận.
Về định hướng những vấn đề lý luận cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong thời gian tới, theo Tổng Bí thư, trước hết, cần tập trung nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phục vụ tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ nay đến cuối nhiệm kỳ.
Trong đó, theo Tổng Bí thư hiện có một số vấn đề còn có những ý kiến khác nhau cần được tổ chức nghiên cứu, thí điểm, tổng kết để làm rõ.
Như vấn đề nhận thức và giải quyết đúng quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội; vấn đề chế độ sở hữu tài sản; vấn đề tích tụ, tập trung đất đai phục vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; vấn đề huy động, phân bố, sử dụng hiệu quả nguồn lực nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững; vấn đề mô hình tổng thể của hệ thống chính trị nước ta phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; vấn đề kiểm soát quyền lực...
Hội đồng Lý luận Trung ương cần làm đầu mối tập hợp trí tuệ đội ngũ cán bộ lý luận, tích cực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần làm rõ những vấn đề này
Vấn đề thứ 2, là cần khởi động chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Theo Tổng Bí thư, việc chuẩn bị các dự thảo văn kiện Đại hội XIII đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, trong đó có vai trò rất quan trọng của giới lý luận.
Các văn kiện Đại hội yêu cầu phải có tính tổng kết, tính dự báo, tính định hướng rất cao, với tầm bao quát rất rộng.
Cần nghiên cứu, tổng kết toàn diện các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng.
Bao trùm, xuyên suốt các nội dung, lĩnh vực cần nghiên cứu, tổng kết chính là xác định cho được con đường, lộ trình thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh về mọi mặt và trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ thứ XXI.
Đánh giá về hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương gần 2 năm qua, nhất là năm 2017, Tổng Bí thư cho rằng, Hội đồng Lý luận Trung ương đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, nhất là đã coi trọng tổng kết thực tiễn; phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan, địa phương, phát huy vai trò là đầu mối tập hợp và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức trong nghiên cứu lý luận, nâng cao chất lượng xây dựng các báo cáo, các chuyên đề khoa học...
Những đổi mới trên đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng.
Về phương hướng hoạt động của Hội đồng trong thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng mà Bộ Chính trị đã giao cho.
“Hội đồng Lý luận Trung ương phải đóng vai trò nòng cốt trong việc từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo tinh thần đổi mới. Đây là nhiệm vụ trung tâm, tất cả các ngành, các cơ quan lý luận phải làm, nhưng Hội đồng Lý luận Trung ương phải là nòng cốt. Khối lượng công việc lớn, trong khi nhân lực có hạn, Hội đồng Lý luận Trung ương không làm dàn trải, cần tập trung vào chức năng, nhiệm vụ chính của mình là nghiên cứu chủ yếu về đường lối cơ bản về chính trị, phục vụ trực tiếp Trung ương xây dựng các chủ trương, đường lối” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cho rằng, các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương cần chú trọng phương pháp nghiên cứu, tham gia tích cực, chủ động và có hiệu quả hơn nữa vào việc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, bác bỏ những luận điệu phản động, thù địch, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng.
“Phương pháp nghiên cứu, phải là phương pháp biện chứng duy vật, vừa kế thừa, vừa phát triển sáng tạo, vừa chống bảo thủ giáo điều, vừa chống xét lại cực đoan. Vừa xây dựng truyền bá, vừa đấu tranh bác bỏ. Truyền bá giáo dục để cho lý luận vào thực tiễn cuộc sống trở thành hiện thực cách mạng, đồng thời kiên quyết bác bỏ, phê phán cái sai, các luận điệu chống phá. Tính cực đoan, về phương pháp luận đã sai, chứ không nói là phản động. Nhận thức non kém thì chúng ta uốn nắn, chứ không tất cả quy vào là phản động hết. Có cái do nhận thức, do trình độ, do phương pháp, nếu có lệch lạc thì uốn nắn, phải phân biệt được chỗ này” – Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư lưu ý, trong quá trình hoạt động, Hội đồng cần chú trọng chất lượng, thiết thực hiệu quả, tránh phô trương hình thức, tránh hành chính hóa.
Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác lý luận với các đảng cộng sản cầm quyền và một số đảng khác trên thế giới, tích cực trao đổi, đối thoại với các học giả nước ngoài nhằm cập nhật, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lý luận thế giới có giá trị tham khảo cho Việt Nam; đồng thời giới thiệu, quảng bá đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và những thành tựu lý luận Việt Nam.
Theo Xuân Dần-Lại Hoa/VOV