Tốc độ xét nghiệm của Việt Nam tăng nhanh, giúp giảm được tỷ lệ tử vong, giảm thời gian giãn cách xã hội

(Mặt trận) - Xét nghiệm trên diện rộng với trọng tâm, trọng điểm là việc làm cần thiết trong chống dịch thời gian qua. Với việc đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam đã phát hiện và can thiệp kịp thời các F0, giúp giảm được tỷ lệ tử vong, giảm thời gian giãn cách xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự khai giảng Lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV

Toàn văn Tuyên bố chung giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc

CHỐNG LÃNG PHÍ

Ảnh minh họa

Biến chủng Delta khiến cho cả thế giới một lần nữa bị chao đảo bởi đại dịch Covid-19. Nhiều nước tiếp tục đóng cửa, ra lệnh giới nghiêm, giãn cách xã hội. Biến chủng Delta cũng làm cho Việt Nam phải đối mặt với một đợt dịch khốc liệt nhất từ trước đến nay. Hơn 700.000 ca nhiễm được ghi nhận với gần 19.000 ca tử vong chỉ trong hơn 5 tháng cho thấy, nếu xét nghiệm chậm hơn so với tốc độ lây lan của virus, chúng ta sẽ phải tiếp tục phải gánh những hậu quả của đại dịch.

Tốc độ xét nghiệm tăng nhanh từ cuối tháng 8

Theo các chuyên gia, biến chủng Delta có nồng độ virus tập trung rất lớn trên đường hô hấp. Nồng độ virus trên dịch hầu họng của bệnh nhân mắc biến thể này cao gấp 1.000 lần so với các biến thể trước đó. Vòng lây nhiễm của biến chủng này cũng rất nhanh, chỉ sau 48 giờ nhiễm virus, lượng virus đã có thể phát triển và có tốc độ lây lan khủng khiếp.

Tỷ lệ lây nhiễm từ một người có thể lây sang 9-10 người và phần lớn trường hợp không triệu chứng vẫn có khả năng lây lan rất mạnh trong cộng đồng. Đây là thách thức lớn với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Vì thế, ngay khi bùng phát trở lại vào đầu tháng 5 tại Bắc Giang, phương pháp xét nghiệm đã có sự thay đổi so với các đợt dịch trước. Thay vì duy trì việc làm mẫu gộp RT-PCR phải mất 2 ngày mới có kết quả xét nghiệm, làm mất thời gian vàng truy vết để ngăn chặn dịch trong xã hội thì test nhanh đã được phát huy hiệu quả ở vùng đỏ, cam. 

Khi dịch tấn công sâu, rộng tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xét nghiệm thần tốc, diện rộng, có trọng tâm, trọng điểm trong Công điện 1099, Công điện 1102.

Hướng dẫn mới nhất (ngày 15/9) của Bộ Y tế về xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch khi giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội đã tiếp tục nhấn mạnh thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch để phân loại, khoanh vùng nguy cơ. 

So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam là nước có tỷ lệ xét nghiệm thấp, nhưng tốc độ xét nghiệm tại Việt Nam tăng nhanh từ tháng 8/2021.

Đầu tháng 8/2021, cả nước thực hiện được 6.213.144 mẫu cho 17.535.773 lượt người. Con số này tăng gấp đôi vào cuối tháng 8 với 13.252.329 mẫu cho 32.742.499 lượt người. Đến ngày 4/9, ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm 19.160.389 mẫu cho 54.311.296 lượt người.

Riêng tại địa bàn trọng điểm là TP Hồ Chí Minh, ngành y tế đã triển khai quyết liệt với khoảng 7,5 triệu test ở các vùng nguy cơ rất cao và cao. Việc xét nghiệm diện rộng giúp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam thời gian qua giảm bớt số lượng ca mắc Covid-19.

“Thời gian qua, chúng tôi ghi nhận những con số rất ấn tượng. Đầu tháng 8, khi chúng ta bắt đầu chiến lược xét nghiệm diện rộng, tỷ lệ ca mắc của TP Hồ Chí Minh khoảng 3,7%. Đến 30/8, con số này giảm xuống 1,1%. Từ 21/8 đến 30/9, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện xét nghiệm diện rộng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đến 30/9, tỷ lệ này giảm còn 0,1%. Số lượng tử vong thời điểm cao nhất 335 người giảm xuống 2 con số vào đầu tháng 10. Đây là niềm tự hào của ngành y tế và là niềm vui của người dân của TP Hồ Chí Minh khi được trở lại trạng thái bình thường mới”, Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng cũng đánh giá thêm, tại Hà Nội, chỉ trong vòng một tuần, địa phương đã phối hợp test nhanh và rRT-PCR để xét nghiệm số lượng lớn. Toàn bộ người dân đã được xét nghiệm, góp phần ngăn chặn dịch ở giai đoạn mới chớm của Hà Nội.

Xét nghiệm diện rộng giúp phát hiện sớm F0, giảm thời gian giãn cách xã hội

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, qua thực tiễn, việc xét nghiệm trên diện rộng tại TP Hồ Chí Minh có 2 hiệu quả to lớn. Một là giúp giảm thời gian giãn cách xã hội, mà chính thời gian giãn cách này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, kinh tế, xã hội của người dân. 

Thứ 2, xét nghiệm diện rộng sẽ phát hiện và hỗ trợ sớm các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, triển khai phát gói thuốc, bảo đảm an sinh xã hội và có hướng điều trị phù hợp. Khi F0 có triệu chứng bất thường sẽ được hệ thống y tế tiếp cận nhanh chóng, đưa đến bệnh viện kịp thời, góp phần giảm bệnh nhân chuyển nặng và tỷ lệ tử vong.

ThS, BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, muốn chống “giặc Covid-19” thì phải tìm được, cách ly và can thiệp sớm những trường hợp nguy cơ cao đưa đi theo dõi tại các cơ sở y tế. Những trường hợp nguy cơ thấp có thể để theo dõi tại nhà, sử dụng các gói thuốc điều trị sớm. Có như vậy mới giảm được số tử vong, đồng thời giảm nguy cơ lây cho người khác.

Do đó, nếu không xét nghiệm, sẽ không biết ai bị nhiễm. Thực tế, có nhiều trường hợp không biết mình bị nhiễm, cho đến khi có triệu chứng. Có những trường hợp chuyển nặng chỉ trong vài giờ rất đáng tiếc và lúc đó ngành y tế cũng không can thiệp được gì.

“Giai đoạn đầu, khi chúng tôi phân tích về khả năng tử vong của bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, có đến gần 40% ca tử vong trong 72 giờ đầu sau khi nhập viện. Thậm chí nhiều ca chưa kịp nhập viện đã tử vong. Điều đó có nghĩa là khi F0 được phát hiện đã chuyển biến quá nhanh”, BS Khoa cho hay.

Ông Khoa nhấn mạnh, phải khẳng định việc xét nghiệm diện rộng là phương pháp tốt để phát hiện và can thiệp kịp thời, giúp giảm được tỷ lệ tử vong vì Covid-19. Nếu không làm được như các đợt xét nghiệm diện rộng vừa rồi thì TP Hồ Chí Minh chắc chắn chưa thể yên ổn như bây giờ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, để tiếp tục thích ứng với tình hình dịch mới, ngành y tế cũng đã lên kế hoạch để tiếp tục duy trì các chiến lược về xét nghiệm để bảo đảm kiểm soát an toàn dịch Covid-19.