Tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày 7/10: Cả nước còn 5.743 ca nặng; Việt Nam tiêm chủng chạm mốc 50 triệu liều vaccine

(Mặt trận) - Đến nay Việt Nam có 822.687 ca mắc COVID-19, hiện còn 5.743 ca nặng; Việt Nam đã tiêm chạm mốc 50 triệu liều vaccine COVID-19; Gần 69% người dân TP HCM tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19; Bình Phước xét nghiệm cho tất cả những người về từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An vào ngày đầu tiên khi tiếp nhận...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Gần 69% người dân TP HCM tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Ảnh minh hoạ. 

Việt Nam tiêm chủng chạm mốc 50 triệu liều vaccine COVID-19

Đến nay Việt Nam đã tiêm chạm mốc 50 triệu liều vaccine COVID-19. Dự kiến thời gian tới vaccine sẽ về nhiều, do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm.

Thông tin trên cổng tiêm chủng vaccine COVID-19 cho biết đến 11h ngày 7/10, Việt Nam đã tiêm chủng được 49,967,935 liều vaccine COVID-19. Riêng ngày 6/10  cả nước tiêm 1,167,626 liều vaccine.

Theo Bộ Y tế, đến ngày 5/10, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền Bắc là 45,8%; miền Trung là 42,6%; Tây Nguyên là 15,4% và miền Nam là 59,2%.

Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP HCM, Long An, Bình Dương là 6 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên.

3 địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 80-90% dân số từ 18 tuổi trở lên là Lạng Sơn, Đà Nẵng, Đồng Nai.

Hà Nam, Bắc Ninh, Yên Bái, Phú Yên là 4 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 50-70% dân số từ 18 tuổi trở lên.

12 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 30-50% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Điện Biên, Ninh Thuận, Tiền Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp.

38/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 mũi vaccine cho từ 10-30% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine COVID-19, hôm qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương cho biết dự kiến thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp nhận số lượng vaccine nhiều hơn trước, do đó để chủ động sẵn sàng cho việc tiếp nhận, bảo quản và triển khai tiêm vaccine nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, tránh lãng phí theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện, chuẩn bị sẵn sàng hệ thống trang thiết bị, dây chuyền lạnh tại các tuyến để đảm bảo việc tiếp nhận, bảo quản các loại vaccine COVID-19.

Tổ chức tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vaccine ngay sau khi được phân bổ, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho các đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế;

Tăng độ bao phủ mũi 1và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định, đảm bảo an toàn và hiệu quả;

Các địa phương coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong thời gian tới, sử dụng tối đa số vaccine được cấp, không để lãng phí vaccine và đảm bảo tỷ lệ bao phủ tiêm chủng; Chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho các đối tượng khác khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thông tin về việc lượng vaccine phòng COVID-19 sẽ về trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết từ nay đến hết năm 2021 và nửa đầu năm 2022 sẽ tiếp cận khoảng 150 triệu liều.

Từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ về khoảng 55 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ theo từng tuần, từng tháng cho các địa phương theo quy định.

TP HCM: Gần 69% người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19

Ngày 7/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, trong ngày 6/10, TP HCM đã tiêm được 143.654 mũi vaccine phòng COVID-19. Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định.

Từ khi TP HCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết ngày 6-10 đã tiêm được 11.965.360 mũi tiêm, trong đó 4.951.439 người tiêm mũi 2. Đến nay đã có 97,3% người trên 18 tuổi tiêm 1 mũi, 68,7% người tiêm đủ 2 mũi.

72,29% người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi và 69,72% người từ 50 đến 65 tuổi được tiêm 2 mũi. TP đã tiêm vaccine Vero Cell cho 2.924.658 người.

Số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 23.089 người, số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 11.587 người. Số ca nhập viện tầng 2, tầng 3 trong ngày là 1.150.

Hiện nay, tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3 là 22.991 người. Số trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị là 1.962 người.

Số phụ nữ mang thai đang điều trị là 189 người. Số trường hợp xuất viện trong ngày là 2.768 người, số ca xuất viện cộng dồn là 222.564 người. Số ca tử vong trong ngày là 88 người. Số ca xuất viện trong ngày đã nhiều hơn gấp đôi số ca nhập viện.

Còn 5.743 ca COVID-19 nặng đang điều trị 

Việt Nam có 822.687 ca mắc COVID-19, còn 5.743 ca COVID-19 nặng

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 822.687 ca mắc COVID-19, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.357 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 818.091 ca, trong đó có 751.907 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; Có 11/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai.

Có 07 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (403.454), Bình Dương (218.812), Đồng Nai (52.551), Long An (33.015), Tiền Giang (14.303).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 6/10 là 10.033 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 757.086

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.743 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.098 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đồng Nai: Bỏ giấy đi đường, người lao động đi làm chỉ cần thẻ nhân viên

UBND tỉnh Đồng Nai ngày 6/10 đã ban hành văn bản về việc người lao động tham gia lưu thông từ nơi cư trú đến nơi làm việc trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quá trình tham gia lưu thông từ nơi ở đến nơi làm việc, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp từng bước khôi phục kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai quyết định bỏ nội dung cấp giấy xác nhận người lao động di chuyển hằng ngày từ nơi cư trú đến nơi làm việc của doanh nghiệp trên địa bàn được quy định tại các văn bản trước đây của UBND tỉnh.

Đối với người lao động, khi di chuyển từ nơi cư trú đến nơi làm việc phải đeo thẻ nhân viên, nếu được người sử dụng lao động trang bị đồng phục của doanh nghiệp thì người lao động buộc phải mặc đồng phục để nhận diện khi lưu thông và khi qua các chốt kiểm soát.

Đồng thời, người lao động đang sử dụng điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng PC-COVID để sử dụng mã QR và thể hiện lịch sử tiêm chủng. Trường hợp không có điện thoại thông minh thì xuất trình giấy xác nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và 14 ngày sau tiêm) hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 6 tháng khi các cơ quan chức năng yêu cầu.

UBND tỉnh giao Công an tỉnh và UBND các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng, các chốt kiểm soát tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động tham gia lưu thông từ nơi cư trú đến nơi làm việc được thuận lợi, an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo đảm quản lý chặt chẽ "vùng đỏ", giữ vững an toàn và mở rộng các "vùng xanh" tại địa phương.

Tây Ninh: Có 93 ca dương tính với SARS-CoV-2

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh, tính từ 18 giờ ngày 6.10 đến 6 giờ sáng 7.10, Tây Ninh ghi nhận 93 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Theo yếu tố dịch tễ, có 18 ca phát hiện qua test dương sàng lọc; 3 ca F1 truy vết; 61 ca cách ly tập trung và nhập cảnh; 11 ca trong khu phong toả.

Những ca dương tính đang được ngành Y tế truy vết, vì vậy, thông tin ca dương tính, địa chỉ có thể thay đổi sau khi kết thúc điều tra.

Từ đầu vụ dịch đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 9.096 bệnh nhân Covid-19; trong đó, đã xuất viện 8.179 người, đang điều trị 782 bệnh nhân. Trong ngày, có 2 ca tử vong; lũy kế, tử vong do COVID--19 trên địa bàn tỉnh đến hiện tại là 135 ca.

Tỉnh thiết lập 778 vùng phong toả, trong đó đang phong tỏa 126 vùng, giải tỏa 652 vùng. Hiện có 1.044 người cách ly tập trung và 2.718 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Bến Tre: Thêm 6 ca mắc COVID-19

Từ 18 giờ ngày 6/10 đến 11 giờ ngày 7/10, tỉnh Bến Tre có 6 ca mắc COVID-19. Tổng số ca mắc toàn tỉnh là 1.962 ca, trong đó có 1.815 ca ra viện, 51 trường hợp tử vong.

6 ca mắc mới gồm: 4 ca có địa chỉ Trà Vinh và 1 ca ở Tây Ninh.

Trong 4 ca mắc địa chỉ Trà Vinh có 3 ca tiếp xúc F0, 1 ca là trường hợp về từ TP HCM, đến chốt cầu Rạch Miễu test nhanh dương tính, chưa vào Bến Tre.

1 ca ở Tây Ninh là tài xế từ vùng dịch về, đến chốt cầu Rạch Miễu test nhanh dương tính, đang điều tra dịch tễ.

1 ca có địa chỉ xã Phú Hưng, TP. Bến Tre. Đây là trường hợp người về từ TP HCM được cách ly ngay, xét nghiệm lần 2 dương tính.

Trong ngày 6/10, tỉnh đã thành lập 4 tổ tuần tra, tổng số có 241 tổ hoạt động trong toàn tỉnh. Lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm tra 305 cuộc, qua đó nhắc nhở 44 lượt người dân, 24 cơ sở kinh doanh; phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền 2 triệu đồng.

Bình Phước: Xét nghiệm cho tất cả những người về từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An vào ngày đầu tiên khi tiếp nhận

UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc về thực hiện biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức xét nghiệm RT-PCR (hoặc xét nghiệm nhanh) cho tất cả những người về từ TP HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An vào ngày đầu tiên khi tiếp nhận.

Đối với người về từ TP HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện cách ly theo các kịch bản, cụ thể: những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về Bình Phước: tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương.

Những người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ vàng): thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về Bình Phước; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, xét nghiệm ngày thứ nhất và ngày thứ 7 kể từ ngày về Bình Phước.

Những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 thì cách ly tập trung 14 ngày kể từ ngày về Bình Phước hoặc cách ly tại nhà nếu có đủ điều kiện cách ly theo quy định, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo, xét nghiệm ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về Bình Phước.

Những người đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc khỏi bệnh COVID-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

Đến tối 6/10, Bình Phước có 1.421 ca mắc, trong đó đã xuất viện 1.074 ca, 335 ca đang điều trị và 12 ca tử vong.