Tình hình COVID-19 ngày 19/8: Việt Nam có 10.654 ca mắc mới, thêm hơn 1,2 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã về đến Việt Nam

(Mặt trận) - Theo tin từ Bộ Y tế, trong ngày 19/8, cả nước ghi nhận 10.654 ca mắc mới, trong đó có 10.639 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.995 ca so với ngày hôm qua), đây là số mắc kỷ lục được ghi nhận trong ngày kể từ khi dịch xuất hiện tại nước ta; AstraZeneca đã chuyển về Việt Nam thêm 1.209.400 liều vaccine COVID-19; 6 nhân viên của Viettel Post dương tính, Hà Nội có 50 ca trong 24 giờ qua... đó là những thông tin về diễn biến tình hình dịch COVID-19 nổi bật trong 24h qua.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn 

Ngày 19/8, Việt Nam có 10.654 ca mắc mới COVID-19, 5.000 người được công bố khỏi bệnh

Từ 18 giờ 30 phút ngày 18/8 đến 19 giờ ngày 19/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.654 ca nhiễm mới tại 37 tỉnh, thành phố; trong đó 15 ca nhập cảnh và 10.639 ca ghi nhận trong nước.

Cụ thể, 10.654 ca nhiễm mới ghi nhận tại: TP Hồ Chí Minh (4.425 ca), Bình Dương (3.255 ca), Đồng Nai (657 ca), Long An (545 ca), Tiền Giang (478 ca), Đồng Tháp (185 ca), Đà Nẵng (164 ca), Khánh Hòa (151 ca), Cần Thơ (134 ca), Tây Ninh (102 ca), An Giang (70 ca), Vĩnh Long (60 ca), Hà Nội (53 ca), Trà Vinh (51 ca), Nghệ An (45 ca), Phú Yên (44 ca), Bình Thuận (43ca), Sơn La (26 ca), Quảng Nam (24 ca), Bình Định (24 ca), Kiên Giang (17 ca), Quảng Ngãi (16 ca), Quảng Trị (9 ca), Bình Phước (8 ca), Bắc Giang (7 ca), Ninh Thuận (7 ca), Hà Tĩnh (7 ca), Hậu Giang (6 ca), Thanh Hóa (6 ca), Bắc Ninh (4 ca), Nam Định (4 ca), Quảng Bình (4 ca), Hải Dương (2 ca), Ninh Bình (2 ca), Bạc Liêu (2 ca), Thái Bình (1 ca), Lạng Sơn (1 ca) trong đó có 6.407 ca trong cộng đồng.

Trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.995 ca. Tại TP Hồ Chí Minh tăng 694 ca, Bình Dương tăng 742 ca, Đồng Nai tăng 214 ca, Long An tăng 117 ca, Tiền Giang tăng 196 ca.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.180 ca nhiễm).

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là 308.559 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 6 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước là Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.

Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình.

Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP Hồ Chí Minh (164.542 ca), Bình Dương (55.601 ca), Long An (16.552 ca), Đồng Nai (15.602 ca), Bắc Giang (5.802 ca).

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 201.443 xét nghiệm cho 643.418 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 8.878.290 mẫu cho 25.762.113 lượt người.

Trong ngày 18/8 có 398.031 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 15.922.537 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.359.868 liều, tiêm mũi 2 là 1.562.669 liều.

Thông tin từ Tiểu ban điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) cho biết, trong ngày 19/8, có 5.000 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 120.059 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU) là 660 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO) là 27 ca.

Ngày 19/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 380 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (307 ca), Bình Dương (45 ca), Long An (17 ca), Cần Thơ (3 ca), Bến Tre (2 ca), Bình Thuận (2 ca), Tiền Giang (2 ca), Vĩnh Long (2 ca).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 19/8 là 7.150 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Ngày 19/8, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp trực tuyến bàn các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 với 4 địa phương là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, trong đó có nội dung thiết lập mô hình trạm y tế lưu động tại TP. Hồ Chí Minh, có thể triển khai mô hình này ở bất cứ địa điểm nào (nhà thi đấu, phòng khám đa khoa khu vực, nhà văn hóa, Uỷ ban nhân dân xã, phường, hoặc nhà dân rộng rãi xa các nhà xung quanh).

TP Hồ Chí Minh ban hành hướng dẫn quản lý sức khỏe người nhiễm SARS-CoV-2 cách ly tại nhà; triển khai Mạng lưới thầy thuốc đồng hành giúp tư vấn, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người nghi nhiêm và nhiễm nhiễm SARS-CoV-2 cách ly tại nhà; thành lập Đội phản ứng nhanh COVID-19 cấp cứu ban đầu.

Từ ngày 19/8, Thành phố Đà Nẵng triển khai xét nghiệm COVID-19 cho người vào thành phố ngay tại chốt kiểm soát. Việc xét nghiệm này nhằm phát hiện kịp thời trường hợp mắc COVID-19, ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài.

Tỉnh Long An xây dựng kế hoạch sàng lọc người mắc COVID-19 cho tất cả người dân của 15 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh từ ngày 20 - 31/8. Đối với các địa phương thuộc “Vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng” của Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và thành phố Tân An, Long An thực hiện test nhanh kháng nguyên, sau đó, xét nghiệm PCR đơn cho những mẫu dương; xét nghiệm PCR gộp cho những ca test nhanh âm tính.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh: Hương Giang 

6 nhân viên của Viettel Post dương tính, Hà Nội có 50 ca trong 24 giờ qua

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 12h đến 18h ngày 19-8, trên địa bàn thành phố ghi nhận 20 ca mắc mới, trong đó có 1 ca tại cộng đồng và 19 ca trong khu cách ly.

Các ca mắc mới phân bố tại 8 quận, huyện: Bắc Từ Liêm (11), Đống Đa (2), Hoài Đức (2), Hoàng Mai (1), Hai Bà Trưng (1), Nam Từ Liêm (1), Thanh Trì (1), Sóc Sơn (1) và phân bố bệnh nhân theo chùm ca bệnh: Chùm ho, sốt thứ phát (20).

Như vậy, tính từ 18h ngày 18-8 đến 18h ngày 19-8, Hà Nội ghi nhận 50 ca mắc.

20 bệnh nhân (BN) thuộc chùm ho, sốt thứ phát: Trong đó có 1 BN được phát hiện tại cộng đồng là T.T.T.N, nữ, sinh năm 1987, ở phường Văn Chương, quận Đống Đa. BN là F1 (cháu) của BN N.T.N, tiếp xúc lần cuối ngày 11-8. Tối ngày 11-8, BN có triệu chứng sốt nhẹ, đến ngày 16-8 có triệu chứng mệt mỏi nhiều, sốt, giảm khứu giác. Ngày 18-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

Ngoài ra, trong 19 BN được phát hiện tại khu cách ly có 6 BN là nhân viên của Viettel Post:

BN1: P.V.V, nam, sinh năm 2000, ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức. BN là F1 (làm việc tại kho Viettel Post) của BN T.Đ.Đ, tiếp xúc lần cuối ngày 8-8. Ngày 9-8, BN được chuyển cách ly tập trung và xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 18-8, BN được lấy mẫu lần 3 kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

BN2: V.V.H, nam, sinh năm 1997, ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. BN là F1 (làm việc tại kho Viettel Post) của BN H.V.P, tiếp xúc lần cuối ngày 8-8. Ngày 9-8, BN được chuyển cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 18-8, BN xuất hiện đau rát họng, tức ngực, được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (CDC Hà Nội thực hiện).

BN3: Đ.T.A, nam, sinh năm 1985, ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. BN là F1 (làm việc tại kho Viettel Post) của BN H.V.P, tiếp xúc lần cuối ngày 8-8. Ngày 9-8, được chuyển cách ly tập trung. Ngày 15-8, BN được xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 18-8, BN được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (CDC Hà Nội thực hiện).

BN4: L.V.T.Đ, nam, sinh năm 1999, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. BN là F1 của T.Đ.Đ (làm việc tại kho Viettel Post). Ngày 9-8, BN đã được lấy mẫu lần 1 âm tính và chuyển cách ly tập trung. Ngày 18-8, BN xuất hiện đau mỏi cơ, mệt mỏi, đau rát họng, được lấy mẫu lần 2 kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 (CDC Hà Nội thực hiện).

BN5: N.T.V, nam, sinh năm 1987, ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. BN là nhân viên Viettel Post được cách ly tập trung từ 9-8 và xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 18-8, BN được lấy mẫu lần 3 kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

BN6: P.Q.V, nam, sinh năm 2002, ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức. BN là nhân viên Viettel Post được cách ly tập trung từ 9-8 và xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 15-8, BN xuất hiện đau họng, ngày 18-8 được lấy mẫu lần 3 kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

8 BN: N.K.T, nam, sinh năm 1992; N.V.Đ, nam, sinh năm 1994; N.T.H, nam, sinh năm 1991; P.H.V, nam, sinh năm 1982; T.V.S, nam, sinh năm 1997; K.T.H.M, nữ, sinh năm 1984; C.K.P, nam, sinh năm 1987; H.M.H, nam, sinh năm 1978; đều ở phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Các BN là người vào khu cách ly từ ngày 30-7, đã được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần âm tính. Ngày 18-8, họ được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

Còn lại 5BN, trong đó có 4BN ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai); phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng); xã Đại Áng (huyện Thanh Trì); phường Văn Chương (quận Đống Đa) đều là các F1 đã được cách ly và sống trong khu vực phong toả và 1BN là L.M.S, nam, sinh năm 1976, ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn. BN này là công nhân xây dựng công trình tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. BN được cách ly từ ngày 5-8 và xét nghiệm nhiều lần âm tính. Ngày 15-8, BN xuất hiện sốt, 18-8 được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính (CDC Hà Nội thực hiện).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 2.409 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.239 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.170 ca.

Tổng cộng đã có khoảng 14,3 triệu liều vaccine AstraZeneca đã được chuyển đến Việt Nam qua hợp đồng với VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ của các chính phủ. 

Thêm hơn 1,2 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã về đến Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tối 19/8, AstraZeneca đã chuyển về Việt Nam thêm 1.209.400 liều vaccine COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, đây là lần bàn giao vaccine thứ chín thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC), dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Thỏa thuận này đã mang về cho Việt Nam hơn 6,7 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca. Hiện đã có tổng cộng khoảng 14,3 triệu liều vaccine AstraZeneca đã được chuyển đến Việt Nam qua hợp đồng với VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ của các chính phủ, chiếm 62% nguồn cung vaccine COVID-19 trên cả nước.

Ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam và các thị trường châu Á mới nổi cho biết, kể từ tháng 7 đến nay, AstraZeneca đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh cung ứng cho Việt Nam, kịp thời tiếp ứng cho chương trình tiêm chủng quốc gia. AstraZeneca  sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế, WHO, UNICEF và VNVC để đưa vaccine về Việt Nam một cách nhanh chóng và an toàn nhất có thể, để người dân sớm được đoàn tụ với gia đình và trở lại cuộc sống bình thường.

Cho đến nay, AstraZeneca đã cung ứng hơn 1 tỷ liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford đến hơn 170 quốc gia trên tinh thần phi lợi nhuận.

Vaccine COVID-19 của AstraZeneca là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng và cung cấp với số lượng lớn tại Việt Nam để hỗ trợ chương trình tiêm chủng quốc gia của Chính phủ và Bộ Y tế. Hiện tại, vaccine này đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc sử dụng khẩn cấp tại hơn 80 quốc gia trên sáu lục địa.

Số ca mắc và tử vong tại TP Hồ Chí Minh đều tăng trong ngày 19/8

Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại TP Hồ Chí Minh là 4.425 trường hợp, tăng 694 trường hợp; đồng thời Hệ thống thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận có 307 trường hợp tử vong tại thành phố.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong đợt dịch lần thứ 4 này, TP Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 164.342 trường hợp mắc COVID-19; hiện đang điều trị 33.202 trường hợp, trong đó có 1.937 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.302 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Qua điều tra, truy vết, khoanh vùng, đã 5 ngày qua, TP Hồ Chí Minh không phát sinh ổ dịch mới; hiện còn 17 ổ dịch đang diễn tiến.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc trong cộng đồng tăng trong thời gian gần đây có nguyên nhân là người dân chủ động đi xét nghiệm và việc tuân thủ giãn cách ở một số địa phương còn chưa nghiêm ngặt.

TP Hồ Chí Minh thành lập 389 Trạm y tế lưu động để quản lý và chăm sóc F0

Chiều 19/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có văn bản khẩn gửi UBND và Trung tâm y tế các quận, huyện, thành phố Thủ Đức về việc triển khai các Trạm y tế lưu động.

Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập Trạm y tế lưu động và sớm triển khai mô hình các Trạm y tế lưu động tại mỗi phường, xã, thị trấn.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị thành lập 389 Trạm y tế lưu động, dự kiến mỗi trạm quản lý và chăm sóc từ 50 - 100 ca F0.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc thành lập các Trạm y tế lưu động nhằm chủ động và tăng cường chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3, giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong.

Test nhanh COVID-19 cho 221 người gồm trẻ mồ côi, nhân viên tại Trung tâm nhân đạo Quê Hương. Ảnh: TTXVN phát 

Bình Dương hơn 22.000 ca mắc COVID-19 đã được xuất viện

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC ) tỉnh Bình Dương, ngày 19/8, tỉnh ghi nhận thêm 3.255 ca mắc COVID-19, tăng 742 ca (29,5%) so với ngày 18/8.

Đáng chú ý là số ca ghi nhận trong cộng đồng vẫn chiếm phần lớn. Trong số 3.255 ca mắc mới thì có đến 55,9% được ghi nhận qua sàng lọc cộng đồng. Đặc biệt, thị xã Tân Uyên ghi nhận tới 1.773 ca, trong đó có 1.206 ca qua sàng lọc trong cộng đồng. Ngoài ra, các địa phương khác cũng tăng như huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và thành phố Thủ Dầu Một...

Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 55.601 ca mắc COVID-19.

Cũng trong thời gian này, có 22.196 trường hợp mắc bệnh đã điều trị khỏe mạnh được xuất viện. Hiện vẫn còn 27.027 ca đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó có 585 ca bệnh nặng đang điều trị tại tầng 3. Bình Dương đã có 467 ca tử vong do COVID-19.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương về tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn diễn biến  phức tạp, khó lường; đặc biệt là hai địa phương thị xã Tân Uyên và thành phố Thuận An rất phức tạp. Do mật độ công nhân các khu nhà trọ tập trung rất đông, các phòng ở sát nhau, diện tích hẹp, một khu phòng trọ sử dụng nhà vệ sinh chung, làm phát sinh lây nhiễm chéo. Theo đề xuất của các địa phương, cần triển khai quyết liệt hơn nữa công tác giám sát thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường; thực sự nghiêm ngặt “ai ở đâu, ở yên đấy” để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng.

Trong khi đó, thông tin về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang làm nhiệm vụ chi viện phụ trách Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương đã chia sẻ: Bình Dương đã kiện toàn hệ thống điều trị 3 tầng bắt đầu phát huy hiệu quả. Hiện đội ngũ y, bác sỹ đang làm mọi cách để tất cả bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, các phương án được triển khai từ cộng đồng. Việc cung cấp thuốc, trang thiết bị được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương quan tâm, đồng thời được các mạnh thường quân hỗ trợ, nên thuốc để luôn đầy đủ cho bệnh nhân... do đó rất mong người dân bình tĩnh, không hoảng loạn.

Chiều 19/8, đoàn công tác với 350 thành viên y, bác sỹ và  sinh viên y khoa thuộc Trường Đại học Y Hà Nội chi viện giúp Bình Dương chống dịch 45 ngày không ngơi nghỉ, đã chia tay vùng đất công nghiệp Bình Dương để về Thủ Đô tiếp tục công tác.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao đã gửi lời cám ơn sâu sắc tới đoàn trong 45 ngày qua. Sự chi viện, hỗ trợ của đoàn công tác với nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên ngành y có chuyên môn giỏi đã góp phần giúp tỉnh kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh.

Dịp này, UBND tỉnh Bình Dương trao tặng bằng khen cho 24 cá nhân thuộc đoàn công tác Trường Đại học Y Hà Nội đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Bình Dương.

 Bệnh viện quận Bình Tân sẽ liên lạc và hoàn trả lại toàn bộ viện phí cho bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: BV

Bệnh viện quận Bình Tân xin lỗi, trả lại toàn bộ viện phí cho bệnh nhân mắc COVID-19

Liên quan đến sự việc Bệnh viện quận Bình Tân thu 36 triệu đồng viện phí của bệnh nhân mắc COVID-19, chiều 19/8, tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đại diện Bệnh viện quận Bình Tân đã gửi lời xin lỗi gia đình bệnh nhân và xin chịu trách nhiệm đối với việc thu sai này.

Bác sỹ Võ Tuấn Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Tân chia sẻ: “Chúng tôi xin chia sẻ nỗi đau mất mát của người dân mắc COVID-19; chúng tôi cũng xin lỗi và chịu trách nhiệm về sai sót này. Đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã đóng viện phí trong thời gian vừa qua, Bệnh viện sẽ chủ động liên lạc và hoàn trả lại mọi chi phí”.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Tân, thời gian qua, nhân viên bệnh viện tập trung tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nên có những sai sót trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Trong thời gian tới, tất cả bệnh nhân có chẩn đoán mắc COVID-19 điều trị tại bệnh viện đều được miễn phí hoàn toàn.

"Một lần nữa, Bệnh viện xin chia sẻ nỗi đau mất mát của người dân mắc COVID-19. Chúng tôi rất xin lỗi và xin rút kinh nghiệm để tiếp tục tập trung cho công tác điều trị COVID-19 trên địa bàn”, bác sĩ Võ Tuấn Trường nhấn mạnh. 

Trước đó, báo chí phản ánh vụ việc từ chị N.T.N. (ngụ Quận 12, TP Hồ Chí Minh) cho biết ngày 3/8, mẹ ruột của chị là bà T.T.T. (57 tuổi) mắc COVID-19 đến Bệnh viện Đa khoa Bình Tân điều trị. Khi nhập viện, phía bệnh viện yêu cầu nộp tạm ứng tiền viện phí nhiều lần với tổng số tiền hơn 8 triệu đồng. Đến ngày 16/8, bệnh viện thông báo bà T. tử vong.

Ngoài việc thông báo bà T. đã mất, phía bệnh viện yêu cầu gia đình nộp thêm 28 triệu đồng tiền viện phí để nhận giấy báo tử và thi thể an táng. Gia đình tự liên hệ với các cơ sở mai táng để lo hỏa táng cho người thân. Tổng số tiền gia đình chị T. phải đóng cho bệnh viện là hơn 36 triệu đồng.