(Mặt trận) - Ngày 29/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Tọa đàm về xây dựng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã giai đoạn hiện nay. Tọa đàm nhằm làm rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp xây dựng đội ngũ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã, phường đáp ứng yêu cầu công tác Mặt trận trong giai đoạn mới. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh chủ trì Tọa đàm.
Theo thống kê của UBTƯ MTTQ Việt Nam, tính đến ngày 30/12/2017, nhân sự của tổng số Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã là 44.695 người, trong đó Chủ tịch chuyên trách là 10.824 người, Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh khác là 786 người, Phó Chủ tịch là 19.810 người, Ủy viên Thường trực là 13.969 người. Nhìn chung, đội ngũ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn đảm bảo theo cơ cấu, số lượng và được kiện toàn thường xuyên theo quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam.
Trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đội ngũ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn đã bám sát các quy định của Điều lệ MTTQ Việt Nam để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng, kết quả hoạt động của đội ngũ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn còn chưa ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cơ cấu, số lượng cán bộ vừa thừa, vừa thiếu, nhiều nơi cán bộ chưa đạt chuẩn về trình độ. Một số địa phương, cán bộ Ban Thường trực còn hoạt động kiêm nhiệm thêm các chức danh khác, do đó kết quả đạt được chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ thực trạng và đề ra các giải pháp để xây dựng đội ngũ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn trong giai đoạn hiện nay.
Từ thực tiễn cơ sở, bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang nêu ra những khó khăn khi hiện nay Ban Thường trực có 3 người nhưng đều phải kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao. Hầu hết các cuộc họp của cấp ủy, chính quyền trong triển khai nhiệm vụ, Ban Thường trực MTTQ đều được mời tham dự để phối hợp tổ chức thực hiện, công việc hành chính chiếm quá nhiều thời gian, vì vậy thời gian xuống cơ sở chưa thường xuyên.
Bà Hoa cũng bày tỏ băn khoăn trong nhiệm kỳ tới, hoạt động của Ban Thường trực sẽ càng khó khăn hơn vì hầu hết các vị trong Ban Thường trực đều phải kiêm nhiệm trong khi yêu cầu nhiệm vụ của Mặt trận rất nặng nề.
"Để hoạt động của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã hoạt động có hiệu quả thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch MTTQ ở cơ sở không nên kiêm nhiệm mà chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Mặt trận. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ ở cơ sở cần xác định nhiệm vụ chủ yếu để tập trung sức thực hiện những nhiệm vụ chính của Mặt trận như giám sát, phản biện xã hội, công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, nâng cao chất lượng các cuộc vận động...", bà Hoa đề xuất.
Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Quang Phúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho rằng, việc xây dựng nhân sự Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã cần bố trí đúng người, đúng việc. Không nên bố trí Chủ tịch, các Ủy viên nhiều tuổi quá, hoặc quá trẻ. Việc chọn cán bộ phải có trách nhiệm, nhiệt tình, có nhiều kinh nghiệm trong công tác phong trào.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã phải thực hiện nhiều công việc kiêm nhiệm khiến việc xử lý công việc hàng ngày còn bất cập, đôi khi chưa kịp thời.
Ông Nguyễn Quốc Linh đề nghị, đối với Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã, nên có quy định về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong quá trình công tác cũng như là nguồn kế cận về sau. Đặc biệt, cần có chính sách hợp lý hơn đối với chức danh Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực để có sức thu hút cán bộ có năng lực, có trình độ.
Qua thực tế mô hình Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã của địa phương, ông Lê Quang Toản - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên cho rằng, việc xây dựng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã cần cơ cấu trong độ tuổi lao động để có sự kế cận; quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho các vị trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã.
Ông Lê Quang Toản đề nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam xem xét đối với chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã phải là chuyên trách, không kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, đối với chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã, cần có quy định về độ tuổi, trình độ.
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, để tiếp tục triển khai thực hiện và cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về "tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín và ngang tầm nhiệm vụ"; Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ VIII về "Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống MTTQ Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới" và việc xây dựng chương trình hành động, kiện toàn tổ chức, cán bộ chuẩn bị cho Đại hội MTTQ cấp xã trong thời gian tới cần có những nghiên cứu, đánh giá dựa trên lý luận và thực tiễn để đề ra các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn, đáp ứng yêu cầu công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.
“Xây dựng đội ngũ cán bộ phải đảm bảo tinh và hiệu quả”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh khẳng định, những ý kiến tại Tọa đàm sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ MTTQ về chức năng, nhiệm vụ của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và định hướng xây dựng đội ngũ này đáp ứng yêu cầu công tác Mặt trận trong giai đoạn mới.
Hương Diệp