(Mặt trận) - Tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ, Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân tiếp tục vận động nhân dân, doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết, ủng hộ, chia sẻ, tự giác và tích cực thực hiện các yêu cầu, quy định về giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch; đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nghị quyết nêu rõ: Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của một số cơ quan nhà nước và một bộ phận người dân chưa cao, chưa đúng quy định, hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương thực hiện giãn cách với các địa phương khác vẫn thiếu hụt và ách tắc cục bộ; việc cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương thực hiện giãn cách có nơi, có lúc vẫn còn chưa thật sự chủ động, hiệu quả; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật chặt chẽ; một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch trên địa bàn.
Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu đối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ở cấp liên vùng; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16, đặc biệt có thể thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn đối với các địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp tại một số địa phương; với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.
Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19
Chính phủ quyết nghị thành lập Tổ công tác “đặc biệt” của Chính phủ, đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.
Thành phần Tổ công tác gồm các đồng chí Thứ trưởng các Bộ: Quốc phòng (Tổ trưởng), Công an, Y tế (Tổ phó); Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (thành viên)
Các đồng chí Thành viên là Thứ trưởng các bộ thực hiện quyền hạn của Bộ trưởng trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ mình và phối hợp với các Thành viên Tổ công tác để thực hiện công tác điều phối chung của Tổ và thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tổ công tác theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Quy chế hoạt động của Tổ công tác thực hiện theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia.
Giao đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác khẩn trương thống nhất với các Thành viên của Tổ về quy chế tạm thời hoạt động của Tổ công tác để kịp thời triển khai Nghị quyết này, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia.
Mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, được áp dụng Điều 22, 26 Luật đấu thầu
Nghị quyết nêu rõ: Giao Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan ban hành danh mục mua sắm tập trung đối với các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… phục vụ phòng, chống dịch.
Căn cứ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, việc đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế... kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong phòng, chống dịch hiện nay, được áp dụng quy định về mua sắm tại các Điều 22 và Điều 26 Luật đấu thầu.
Bộ Y tế chủ trì, cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp... dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, hoàn chỉnh Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Nâng cao ý thức và sự chấp hành Chỉ thị 16 của nhân dân
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thống nhất quan điểm chỉ đạo:
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch, đặc biệt là nâng cao ý thức và sự chấp hành Chỉ thị 16 của nhân dân đối với các yêu cầu về giãn cách cá nhân với cá nhân, giữa gia đình với gia đình, không tụ tập đông người, hạn chế việc đi lại, không ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết... Các cơ quan, đơn vị tăng cường làm việc trực tuyến, bố trí người đi làm luân phiên tại công sở không quá 50%. Việc thực hiện các yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân. Các trường hợp vi phạm đều phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Tập trung, ưu tiên nguồn lực cao nhất có thể cho hoạt động phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. Tăng cường các lực lượng chuyên môn, chuyên gia, kể cả chuyên gia độc lập bảo đảm đánh giá, nắm chắc và dự báo đúng tình hình, nguy cơ diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát phù hợp, khả thi, hiệu quả.
Thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách và các địa phương khác; bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất ở tầm quốc gia, nhưng các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thường xuyên trao đổi với nhau để thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện đi, đến giữa các địa phương, bảo đảm phối hợp chặt chẽ, thông suốt, hiệu quả. Các địa phương không tự ý đặt ra “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ.
Tập trung đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine, trong đó tăng cường tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine để mua được nhiều vaccine nhất có thể trong thời gian sớm nhất. Đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tổ chức chiến dịch tiêm vaccine bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Khắc phục tình trạng giãn cách chưa nghiêm, chưa hiệu quả
Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Căn cứ tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16, nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố...; hạn chế nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người. Rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập đã xảy ra vừa qua trong phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách chưa nghiêm, chưa hiệu quả.
Huy động cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở, trong đó có lực lượng quân đội, công an, các đoàn thể nhân dân, các Tổ COVID cộng đồng tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Chỉ thị 16.
Rà soát ngay và đề xuất cụ thể yêu cầu hỗ trợ về nhân lực, nhất là bác sỹ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế...; các địa phương khác cũng phải rà soát, thông báo về số lượng nhân lực, các loại phương tiện, thiết bị có thể chi viện, hỗ trợ. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Y tế tổng hợp và điều phối chung, bảo đảm không để thiếu, hụt cho các địa phương đang thực hiện giãn cách và không để chồng chéo, lãng phí.
Chủ động rà soát, nắm chắc về số lượng, năng lực tiếp nhận của các khách sạn, cơ sở lưu trú, trường học, ký túc xá sinh viên trên địa bàn và hạ tầng cơ sở vật chất khác...; trên cơ sở đó sẵn sàng các phương án huy động kịp thời các cơ sở này nhằm bảo đảm năng lực cách ly trong trường hợp dịch bùng phát, làm khu cách ly cho công nhân của các cơ sở sản xuất an toàn, quản lý công nhân đi về theo phương châm “một cung đường, hai điểm đến”...
Phân công trách nhiệm cụ thể của từng Bộ trưởng
Chính phủ thống nhất phân công trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:
1. Bộ trưởng Bộ Y tế:
a) Chuẩn bị kịch bản cao hơn để không bị động, lúng túng, chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra. Tuyệt đối không để thiếu bệnh viện, trang thiết bị y tế nhất là oxy, máy thở.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn việc kịp thời mua sắm đủ thiết bị bảo hộ cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, trong đó có tỷ lệ mua sắm dự phòng để sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch cao hơn; có văn bản hướng dẫn ban hành theo thủ tục rút gọn.
c) Có hướng dẫn bằng văn bản việc thực hiện rút ngắn thời gian cách ly tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.
d) Khẩn trương, kịp thời có hướng dẫn phân loại các trường hợp F0, F1, F2 để có biện pháp quản lý phù hợp, khoa học, chặt chẽ, hiệu quả.
đ) Đặc biệt chú trọng chỉ đạo thực hiện chiến dịch tiêm vaccine bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, huy động lực lượng (trong đó có lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn) tham gia thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất và bảo đảm an ninh, trật tự tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, lưu thông, vận chuyển lương thực, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; phối hợp với Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm vaccine; phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
3. Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, Công an các địa phương, nhất là công an tại cơ sở triển khai ngay các biện pháp cần thiết, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường tham mưu cấp ủy, chính quyền về các giải pháp bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh trong công nhân, phòng ngừa các phản ứng cực đoan, chống đối việc giãn cách gây mất ổn định xã hội, nhất là tại các địa bàn, khu vực đang bị phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Huy động tổng lực các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở (dân phòng, bảo vệ dân phố, lực lượng xung kích an ninh...) tham gia cùng hệ thống chính trị ở cơ sở để phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo, hướng dẫn việc bảo đảm hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu được lưu thông thông suốt, an toàn; chủ động phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất quy định và hướng dẫn thực hiện các quy trình, thủ tục kiểm soát người và phương tiện vận tải lưu thông trên các địa bàn giãn cách.
5. Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, doanh nghiệp liên quan thực hiện các biện pháp phù hợp, chỉ đạo, hướng dẫn, điều phối bảo đảm cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, không để ách tắc. Tập trung nắm tình hình, xử lý ngay vướng mắc phát sinh.
6. Bộ Tài chính chủ động phương án cân đối nguồn tài chính (bao gồm cả ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, ngân sách tiết kiệm 10%, các nguồn ngân sách hợp pháp khác theo quy định) để đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch, bảo đảm chặt chẽ, theo quy định.
7. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay, trả nợ, bảo đảm cân đối vĩ mô.
8. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc thực hiện nghiêm Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn; hướng dẫn các địa phương thực hiện, rà soát, bổ sung đối tượng cần hỗ trợ và ứng dụng công nghệ để kiểm tra, giám sát.
9. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tăng cường xúc tiến, thúc đẩy việc mua vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch.
10. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo:
a) Triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trong phòng, chống dịch trên toàn quốc; giám sát, đánh giá tình hình, kết quả triển khai để liên tục hoàn thiện các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung;
b) Các doanh nghiệp bưu chính lớn tập trung tham gia vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các điểm phục vụ bưu chính (hoặc qua hình thức lưu động) cho người dân ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16;
c) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các cơ quan báo chí thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, cung cấp kịp thời thông tin cho nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, huy động toàn dân đoàn kết, tham gia phòng, chống dịch; để nhân dân hiểu, bình tĩnh, chia sẻ, ủng hộ và tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch; giám sát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, xuyên tạc, giả, bịa đặt, các hình thức lừa đảo trực tuyến lợi dụng tình hình dịch bệnh trên không gian mạng.
11. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, vật tư y tế và thúc đẩy việc nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19.
12. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm lương thực, thực phẩm cho nhân dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
13. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản hướng dẫn kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến mua sắm qua phương thức đấu thầu, mua sắm tập trung.
14. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường, nhất là xử lý rác thải y tế, tại khu cách ly...
15. Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam thúc đẩy nghiên cứu sản xuất sinh phẩm, thuốc chữa bệnh COVID-19 phục vụ phòng, chống dịch.
16. Các bộ, cơ quan, địa phương có văn bản hướng dẫn việc phòng, chống dịch theo các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân tiếp tục vận động nhân dân, doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết, ủng hộ, chia sẻ, tự giác và tích cực thực hiện các yêu cầu, quy định về giãn cách xã hội nhằm phòng, chống dịch; đây không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước./.
Theo VGP