Thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội

(Mặt trận) - Sáng 24/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện '5 xung kích', '6 khát vọng' trong chuyển đổi số

Thường trực Ban Bí thư tiếp Đoàn đại biểu Đảng Lao động Triều Tiên

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh: Hồ Long 

Tham dự cuộc làm việc có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó trưởng Đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, thời gian qua, Đoàn giám sát đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động giám sát thực tiễn. Trong quá trình thực hiện các hoạt động giám sát, Đoàn đã nhận được sự phối hợp hiệu quả, tham gia tích cực và chủ động của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của các bộ, ngành liên quan. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có báo cáo và cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết; luôn lắng nghe trên tinh thần cầu thị và tiếp thu, nhiều lần báo cáo bổ sung các nội dung, chủ đề theo yêu cầu của Đoàn.

Quán triệt tinh thần làm việc cởi mở, thẳng thắn, có tính xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát cần tập trung trí tuệ, có phương pháp tiếp cận khoa học, phù hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu để đưa ra những nhận xét, đánh giá công bằng, khách quan và có những đề xuất, kiến nghị xác đáng, có chất lượng, góp phần xây dựng và hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nghiên cứu, xem xét tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan thuộc đối tượng giám sát cũng cần phát huy tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị để phản ánh, báo cáo trung thực, tránh việc tô hồng hay bôi đen thực trạng những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa trong thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồ Long 

Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông và biên soạn sách giáo khoa, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành hệ thống văn bản bao quát các mặt, lĩnh vực để bảo đảm yêu cầu đổi mới. Công tác chỉ đạo của Chính phủ đã cơ bản bao quát toàn diện các nội dung theo yêu cầu đổi mới; bảo đảm sự sâu sát và kịp thời trong chỉ đạo triển khai và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, việc ban hành hệ thống các văn bản còn chậm so với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông so với lộ trình quy định tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Cụ thể: việc tham mưu ban hành Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ và các Đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; Đề án bảo đảm cơ sở vật chất; Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các môn học; cơ chế tài chính... để thực hiện Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ đều bị chậm so với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông so với lộ trình quy định tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Để bảo đảm các điều kiện triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh lộ trình triển khai thực hiện; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 về điều chỉnh lộ trình và hệ thống các văn bản này kịp thời để triển khai thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội, Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, phân tích những bất cập, vướng mắc của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương ban hành về đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để kịp thời báo cáo Chính phủ, Quốc hội, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các địa phương bảo đảm tính đồng bộ, đầy đủ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, do việc triển khai đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông là vấn đề khó, có những nội dung lần đầu tiên thực hiện như: ban hành chương trình tổng thể sau đó ban hành chương trình môn học làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, trong khi đó vẫn giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ nhằm tránh việc không thực hiện được xã hội hóa nên trong quá trình triển khai có một số điều chỉnh. Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Quốc hội cho điều chỉnh bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn…

Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao các báo cáo cơ bản được chuẩn bị nghiêm túc, đúng tiến độ, bám sát đề cương, phản ánh tương đối toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đoàn giám sát nhận thấy, nhìn chung, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 đã được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành phố và toàn ngành giáo dục nỗ lực triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Các mục tiêu, yêu cầu, nội dung, giải pháp, nhiệm vụ đề ra đã cơ bản được tổ chức thực hiện.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện, Đoàn giám sát nhận thấy, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 88, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng công tác tham mưu trình Chính phủ ban hành và trực tiếp ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bao quát được cơ bản những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất bao gồm: việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới; việc chuẩn bị về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xây dựng Đề án và triển khai thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền về chủ trương đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sâu, rộng đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn giám sát lưu ý, nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện ban hành chậm tiến độ; một số văn bản chưa được ban hành;  có văn bản nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; có văn bản chưa phù hợp về mặt thể thức, gây ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập cho công tác triển khai thực hiện và sự chưa đồng thuận của một bộ phận dư luận xã hội. Đoàn giám sát đề nghị, Bộ cần báo cáo rõ hơn về nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế nêu trên để xác định trách nhiệm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Qua giám sát cho thấy, một số văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần được ban hành dưới hình thức thông tư nhưng lại được ban hành bằng hình thức công văn. Chẳng hạn, Công văn số 5576/BGDĐT-GDTH ngày 2.12.2021 về hướng dẫn biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục “Địa phương em” trong Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 cấp tiểu học; Công văn 3036/BGDĐT-GDTH ngày 20.7.2021 về tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục của địa phương cấp Tiểu học. Tương tự, ở một số địa phương, một số nội dung có tính quy phạm nhưng còn được ban hành dưới hình thức công văn, chưa bảo đảm tính pháp lý trong việc triển khai thực hiện. Nêu thực tế này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cũng đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số địa phương cần rà soát các văn bản được ban hành dưới hình thức công văn nhưng có chứa quy phạm pháp luật để chỉnh lý, ban hành dưới hình thức phù hợp.