Thủ tướng: Quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, thúc đẩy 3 động lực của nền kinh tế

(Mặt trận) - Chiều tối 19/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Đây là hội nghị đầu tiên Thủ tướng Chính phủ tham dự, trực tiếp chỉ đạo các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về công tác ngoại giao kinh tế, tiếp nối cuộc làm việc trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các Tham tán, Tùy viên thương mại ở nước ngoài được tổ chức cách đây đúng 1 tháng, ngày 19/8/2022.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, thúc đẩy 3 động lực của nền kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Cuộc làm việc này được triển khai ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030, nên có  ý nghĩa rất quan trọng để triển khai chủ trương, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới, từ đó đề ra các phương hướng và nhiệm vụ đối với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, để kịp thời đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế cả trong và ngoài nước.

Trong Báo cáo công tác ngoại giao kinh tế năm 2022, Bộ Ngoại giao nêu 6 trọng tâm cho công tác ngoại giao kinh tế của Bộ trong thời gian tới, bao gồm quán triệt Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư, từ đó định hướng trọng tâm và tăng hiệu quả phối hợp triển khai công tác ngoại giao kinh tế, tiếp tục phát huy thế mạnh của ngoại giao trong nghiên cứu, dự báo, hỗ trợ thiết thực cho công tác điều hành của Chính phủ; tận dụng các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao để thúc đẩy hợp tác kinh tế, tháo gỡ các vướng mắc; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới và đẩy mạnh xúc tiến, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, địa phương, doanh nghiệp trong thời gian tới.

Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài báo cáo tình hình, nhận định thời cơ và thách thức, đặc biệt những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, tận dụng, nhất là về xuất khẩu, đầu tư, du lịch, khoa học - công nghệ, các động lực tăng trưởng mới… nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển đất nước.

Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đề xuất các biện pháp đẩy mạnh kịp thời các hoạt động ngoại giao kinh tế ở cả trong và ngoài nước, ở các cấp, các ngành, góp phần hiệu quả bảo đảm ổn định và mở rộng thị trường, tạo đột phá trong phát hiện, kết nối, tham mưu để tranh thủ thu hút đầu tư chất lượng cao... Đặc biệt, đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, biện pháp, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế phát biểu kiến nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa thị trường địa bàn sở tại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước; cung cấp thông tin thiết thực, kịp thời tình hình địa bàn; góp phần giới thiệu các doanh nghiệp lớn của các nước đầu tư vào Việt Nam vào các lĩnh vực công nghệ cao, có sức lan toả lớn; tranh thủ các nguồn vốn tài trợ xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số…; tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước để đa dạng hoá nguồn cung; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới; hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài; có tiếng nói tích cực tác động chính quyền sở tại tháo gỡ khó khăn trong quá trình hợp tác.

Tiếp tục thúc đẩy 3 động lực của nền kinh tế

Ảnh: VGP/Nhật Bắc  

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”; đánh giá hội nghị được tổ chức với tư duy, cách làm đổi mới để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được thời gian qua là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp cả nước, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt triển khai nhiệm vụ của ngành ngoại giao nói chung và của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, của công tác ngoại giao kinh tế nói riêng.

Thủ tướng đánh giá cao Báo cáo của Bộ Ngoại giao và các ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, sát thực tiễn của các đại biểu tại Hội nghị với nhiều đề xuất, sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu, sớm xây dựng và trình ban hành văn bản phù hợp để triển khai Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư.

Thủ tướng nhấn mạnh tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ngoại giao phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước”. Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư tiếp tục xác định: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…”.

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; xác định tình hình có khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Chúng ta cũng không bó tay, không khuất phục, không ngồi chờ mà chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với mọi diễn biến, tác động của tình hình, giữ vững đoàn kết, thống nhất để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng và phát huy mọi cơ hội và thuận lợi để phát triển đất nước, tiếp tục thúc đẩy 3 động lực của nền kinh tế gồm tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm: Giữ ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; giữ sự kiên định, nhất quán trong bối cảnh chuyển đổi và xáo trộn; thiết kế công cụ kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế.

 

Tích cực truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam

Về một số nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành ngoại giao cần hết sức tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực trong việc kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với những nền tảng quan trọng với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Theo đó, Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có lịch sử hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng; con người Việt Nam cần cù, bản lĩnh, sáng tạo, thân thiện và mến khách.

Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện: (1) Nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN (đầu tư, kinh doanh theo quy luật thị trường, theo quy luật cung-cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết). (2) Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (mọi người dân, mọi doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp và được luật pháp bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình một cách tốt nhất); (3) Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới với 3 trụ cột gồm xóa quan liêu bao cấp, thực hiện đa sở hữu và hội nhập; quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành một động lực phát triển mạnh mẽ

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch, trong đó chú trọng việc tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế. Đồng thời, tiếp tục chú trọng và triển khai tốt công tác bảo hộ công dân.

Đồng thời, tiếp tục quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn, đột phá, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn. Trong đó tập trung thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; phát huy tiềm năng các thị trường đối tác FTA; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, Australia; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Xây dựng chính sách phù hợp đón nhận các dịch chuyển và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao, tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp văn hóa, kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, giáo dục… Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; chủ động cảnh báo, phòng ngừa và xử lý các rủi ro, tranh chấp.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, cần tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Tiếp tục vận động các nước đối tác ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo đảm công bằng, công lý; hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng phải đóng góp cho nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu như các nước phát triển.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với sự chung sức, đồng lòng của ngành ngoại giao, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, các ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, quan trọng hơn, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất cả vì sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc, ấm no của nhân dân.