Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam

(Mặt trận) - Sáng ngày 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và khẳng định tiếp tục chia sẻ, đồng hành với đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

 Quang cảnh cuộc gặp mặt. Ảnh:VGP/Nhật Bắc

Cùng dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương cùng 72 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, nhân ngày truyền thống của đội ngũ doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, bày tỏ mong muốn đội ngũ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh, trưởng thành, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm, chúng ta phòng chống đại dịch trên phạm vi cả nước. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những thành tích, thành tựu quan trọng, tích cực về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và nhất là kết quả chống dịch vừa qua. Trên phạm vi cả nước, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo các tiêu chí của Bộ Y tế, dù trải qua thời gian hết sức khó khăn, nhất là tại các tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số tỉnh phía nam.  Đây là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự cố gắng và đóng góp rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân. “Xin gửi lời cảm ơn, tri ân tới tất cả hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân có mặt hôm nay cũng như nhiều người vì nhiều lý do khác nhau không có mặt tại Hội trường này”, Thủ tướng nói.

Sự kiện hôm nay một mặt thể hiện tình cảm nhân ngày truyền thống của đội ngũ doanh nhân, thể hiện tri ân, ghi nhận, đánh giá của nhân dân, Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, trên cơ sở đó, tiếp tục có chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, thay mặt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nhân, đại diện của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, 2021 là năm có những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với dứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động. Chính trong thời điểm khó khăn này, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam vô cùng ấm lòng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian ngắn, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, cuộc gặp để lắng nghe tâm tư, kiến nghị của các doanh nghiệp trên toàn quốc và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19.

Các doanh nhân bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đối với cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời bày tỏ tin tưởng, quyết tâm, đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước mắt là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu của dịch bệnh, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cuối năm 3% là khả thi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Được biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 850 nghìn doanh nghiệp hoạt động, hơn 25 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể. Nét đặc trưng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội. Điều này thể hiện đặc biệt rõ khi vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Sau 35 năm đổi mới, nhờ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo của doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, với các tên tuổi như: Viettel, VinGroup, Trường Hải, FPT, Hòa Phát, Vinamilk, T&T, THTrue Milk... Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới giai đoạn 2016-2020, có quy mô GDP năm 2020 đứng thứ 4 Đông Nam Á. Việt Nam đã vươn lên vị trí 22 và 26 thế giới về quy mô xuất khẩu và quy mô thương mại quốc tế...

Thủ tướng bày tỏ cảm ơn, tri ân đội ngũ doanh nhân luôn đồng hành cùng đất nước với những nỗ lực, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn các ý kiến phát biểu trong không khí ấm cúng, chia sẻ, lắng nghe lẫn nhau, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Nhân dịp ngày thành lập Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (19/10) và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Thủ tướng gửi lời chúc mừng tới các nữ doanh nhân và bày tỏ vui mừng khi thấy đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong thời gian qua, cùng với những bước tiến lớn của cộng đồng doanh nhân Việt Nam.

Thủ tướng bày tỏ cảm ơn, tri ân đội ngũ doanh nhân luôn đồng hành cùng đất nước với những nỗ lực, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp tích cực, kịp thời, hiệu quả, cùng cả nước kiềm chế, kiểm soát được đợt bùng phát dịch COVID – 19 lần thứ 4 hết sức nguy hiểm. Chúng ta làm được điều này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, thống nhất của toàn dân, sự vào cuộc, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

“Chúng tôi cũng rất cảm ơn sự động viên, tin tưởng của doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trước điều này, chúng tôi càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Doanh nghiệp là trung tâm thì mọi chính sách hướng tới doanh nghiệp; doanh nghiệp là chủ thể thì doanh nghiệp đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện các chính sách, phát hiện các vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong chính sách để cùng chung tay tháo gỡ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các chủ thể nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng phát biểu.

Thời gian qua, có những việc đã làm được, có những việc chưa làm được do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là phần nhiều. Chính phủ nhìn nhận điều này một cách khách quan và thẳng thắn, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, cố gắng làm tốt hơn vì quốc gia, dân tộc, nhân dân, trong đó có doanh nghiệp.

Các ý kiến tại cuộc gặp mặt thống nhất nhìn nhận khó khăn hiện nay rất nhiều, chúng ta không lường hết được những diễn biến bất ngờ khi đại dịch xảy ra. “Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình”, Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi sự đồng lòng, chung sức, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc ta là tinh thần đại đoàn kết dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, lấy đó làm động lực phấn đấu, vươn lên, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Đó là điều mong muốn nhất mà tất cả chúng ta hướng tới, cũng là chủ trương lớn nhất của Đảng và Nhà nước ta.

Thời gian qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như Nghị quyết 68, Nghị quyết 52, Nghị định 116… để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây là nỗ lực lớn nhưng so với mong muốn và ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa đạt yêu cầu, Thủ tướng cho rằng cần cố gắng nhiều hơn nữa và mong cộng đồng doanh nghiệp, người dân tiếp tục chia sẻ với Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng trong thời gian tới là kiểm soát được dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các bộ ngành đang cụ thể hóa Nghị quyết này nhằm thực hiện lộ trình từng bước mở cửa an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng khẳng định, những bài học, kinh nghiệm trong thời gian qua giúp chúng ta tự tin hơn trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Các trụ cột trong phòng chống dịch là giãn cách, cách ly (hẹp nhất, nhanh nhất, chặt chẽ nhất có thể); xét nghiệm (thần tốc, khoa học, an toàn, hiệu quả, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch); điều trị (người bệnh được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, từ xa, ngay tại cơ sở).

Thủ tướng nhắc lại nhiều bài học trong thực hiện các bài học này, như giãn cách hẹp nhất tại Hà Nam, xét nghiệm thần tốc tại Hà Nội và thiết lập hơn 400 trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn tại TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó là bài học huy động nguồn lực từ nhiều địa phương để tổng lực hỗ trợ một địa phương khoanh vùng, kiểm soát dịch trong thời gian ngắn nhất, sớm nhất. “Một thôn có dịch thì cả phường tập trung làm, một xã có dịch thì cả huyện tập trung làm, một tỉnh có dịch thì dồn lực các tỉnh xung quanh để làm”. Tiếp tục thực hiện 5K, chiến lược vaccine, ứng dụng công nghệ.

Cũng trong thời gian qua, Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, mong muốn lớn nhất của nhiều doanh nghiệp là tiêm vaccine cho người lao động. Với nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chiến lược vaccine và đang phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ vaccine chậm nhất trong quý IV năm 2021 với các đối tượng ưu tiên, trước hết là tiêm hai mũi, trong đó ưu tiên người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, các lực lượng tuyến đầu, người lao động trong các doanh nghiệp. Chúng ta cũng đang nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em để mở cửa trường học an toàn…

Cùng với đó, chúng ta đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế bảo đảm an toàn dịch bệnh; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải thông suốt, tránh ách tắc, cục bộ. Thủ tướng cũng đề nghị người dân và doanh nghiệp chia sẻ với các địa phương trong việc triển khai các giải pháp, “cũng muốn bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng làm thiếu thống nhất, gây ách tắc, gây bức xúc cho người dân”. Tuy nhiên, quá trình mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có bước đi thận trọng, càng khó khăn, phức tạp càng phải tỉnh táo, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh. Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng cường nguồn lực và khả năng hoạt động, năng lực ứng phó của các cấp, nhất là hệ thống y tế các cấp. Nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách về du lịch, thương mại và dịch vụ, từng bước mở cửa du lịch an toàn. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, áp dụng hộ chiếu vaccine để đón chuyên gia và du khách, bảo đảm an toàn.

Tiếp tục rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách kích cầu tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ cả phía cầu và phía cung. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, lãi suất, phối hợp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để giữ vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, vừa hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ phòng, chống dịch.

“Đây là bài toán khó đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, tỉnh táo nhưng không vì thế mà chậm trễ, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”, Thủ tướng nói.

Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số; đặc biệt là có nhiều giải pháp khôi phục thị trường lao động. Thiết lập kênh thông tin phù hợp để người dân và doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị; các bộ ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giải quyết những yêu cầu, mong muốn của người dân và doanh nghiệp nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất có thể.

“Thay mặt Chính phủ, tôi xin chia sẻ những việc đã và đang làm, có nhiều việc làm tốt, có không ít việc chưa làm được, quan trọng nhất là chúng ta phát hiện kịp thời để tháo gỡ, giải quyết. Đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa. Tôi tin tưởng dân tộc ta, đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển. Tôi tin tưởng vào sự hợp tác, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với sự nghiệp chung, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, chung tay xây dựng đất nước hùng cường thịnh vượng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra”, Thủ tướng chia sẻ./.