Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

(Mặt trận) - Tối 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến. Chương trình được thực hiện trực tuyến tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT cùng 63 điểm cầu tại các địa phương trên toàn quốc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Tham dự buổi lễ tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.. Tại điểm cầu địa phương có sự tham dự của Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh/TP 

Phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc

Chương trình nhằm xây dựng phương án hỗ trợ các nhà trường, giáo viên, học sinh, sinh viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu dạy và học trực tuyến; vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và triển khai học trực tuyến. Thúc đẩy, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để ủng hộ, nhân rộng Chương trình trên toàn quốc.

Chương trình góp phần hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Màn hình tại các điểm cầu trực tuyến. Ảnh: Dương Giang/TTXVN  

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời gian tới phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc.

Miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố; Miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; Hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến.

“Học trực tuyến tiêu tốn nhiều băng thông và chi phí không nhỏ cho các hộ gia đình nghèo, giá cước viễn thông phù hợp sẽ là yếu tố quan trọng. Từ nay đến hết năm 2021, các nhà mạng đã thống nhất miễn phí cước viễn thông di động học trực tuyến cho các máy tính thuộc chương trình này. Phần còn lại là nhiều em thuộc hộ nghèo chưa có máy tính, một chiếc máy tính bảng để phục vụ trực tuyến mức tối thiểu cũng có giá từ 2 - 3 triệu đồng là vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ nghèo" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Giai đoạn 1 của chương trình này sẽ kêu gọi một chiếc máy tính cho em một chiếc máy tính bảng cũ có thể bị bỏ quên ở đâu đó nhưng lại có thể giúp thay đổi cuộc đời của một em học sinh, giúp em đi học những ngày giãn cách giúp em tiếp cận kho tri thức nhân loại giúp em lớn lên với đầy đủ tri thức để cống yên hạnh trong cuộc đời.

"Chương trình cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc hỗ trợ các em học sinh. Mỗi người hãy phát huy trách nhiệm của mình với xã hội, với cộng đồng, với con cháu mình, với tương lai đất nước mình”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

An toàn phải được đặt lên trên hết vì sức khỏe của học sinh

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ hiện nay là sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường mới theo phương án thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đặc biệt Chính phủ rất quan tâm đến việc mở cửa trường học an toàn. An toàn phải được đặt lên trên hết vì sức khỏe của các cháu, thế hệ tương lai của đất nước nhưng vẫn phải học tập.

Thủ tướng chia sẻ, ai cũng ngậm ngùi khi dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa của tuổi thơ của các cháu như chưa được cắp sách đến trường hàng ngày, không được nghe tiếng trống trường, không được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, thầy cô… Nhiều nơi, các cháu phải học trực tuyến suốt gần 2 năm qua. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý, kiến thức và phát triển toàn diện của các cháu, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình, khi cha mẹ các cháu không có người chăm sóc con cái trong khi vẫn phải đi làm hàng ngày. Thậm chí, nhiều gia đình khó khăn, các cháu còn thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng.

“Đảng và Nhà nước hiểu rất rõ và chia sẻ với các gia đình, các cháu đang đối mặt với những khó khăn để thích ứng với việc học trong điều kiện dịch bệnh. Trong thời điểm hiện nay, ở nhiều địa phương việc thực hiện việc giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội trong thời gian khá dài, vì thế cuộc sống và tâm lý của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Chính phủ đang xây dựng những giải pháp trước mắt và lâu dài để thích ứng an toàn với dịch bệnh; thực hiện mục tiêu mở cửa lại trường học an toàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Và chúng ta cần có trách nhiệm thực hiện tâm nguyện của Người trong mọi hoàn cảnh” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, sóng và máy tính là phương thức học tập mới, mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hộ khó khăn có điều kiện học tập, bình đẳng trong tiếp cận kiến thức.

Tuy nhiên, đây là phương thức học tập mới đòi hỏi các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý, thầy cô giáo phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy, nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp để các cháu tiếp thu một cách tốt nhất, đặc biệt đối với các cháu bước vào lớp 1 và cuối các cấp học. Mục tiêu chương trình nhằm mang đến băng thông internet giá rẻ, với các nền tảng dạy học từ xa và với hàng chục triệu chiếc máy tính cá nhân hỗ trợ các cháu.

Điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chương trình phát động. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN 

Chủ động xây dựng kịch bản trở lại trường học an toàn

Thủ tướng yêu cầu, một trong những mục tiêu ứng phó với dịch bệnh hiện nay là tiến tới mở cửa an toàn trường học để các cháu không phải học trực tuyến. Thủ tướng đề nghị, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo, các bộ, ngành và các địa phương chủ động xây dựng kịch bản trở lại trường học an toàn ở những nơi an toàn. Việc tiêm vaccine cho trẻ em cần được tiến hành sớm, đặc biệt với trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Bộ Thông tin truyền thông đầu mối phối hợp với Bộ Giáo dục đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các địa phương phối hợp chặt chẽ để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, hiểu một cách đơn giản là “có sóng” cho các cháu, nhất là ở những vùng chưa có sóng hoặc sóng không đạt chất lượng. Đồng thời, xây dựng tiêu chí, điều kiện hỗ trợ máy cho các cháu đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Tiếp tục vận động các tổ chức và cá nhân thực hiện chương trình ý nghĩa này.

Bộ Giáo dục đào tạo là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình học đảm bảo thống nhất về nền tảng dạy và học, các tài liệu học để dùng chung, hoặc đáp ứng được yêu cầu hình thức truyền tải kiến thức thông qua việc kết hợp giữa phương pháp học trực tuyến và sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, phát thanh. Đồng thời, Bộ cần thiết kế chương trình thi, đánh giá kết quả gắn với học trực tuyến để đảm bảo chất lượng và tạo tâm lý yên tâm cho các cháu và phụ huynh.

Hiện nay người ta nhắc nhiều đến cụm từ “thế giới phẳng”, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã làm “phẳng thế giới” bằng sự kết nối toàn cầu qua không gian mạng. Chúng ta cần có tầm nhìn về xu hướng chung đó để phát triển đất nước mang lại nhiều tiện ích, giá trị, cải thiện và hiện đại hóa đời sống của nhân dân.

Những điều to lớn đó phải bắt nguồn từ sự thay đổi ứng dụng công nghệ mỗi cá nhân trong xã hội. Chính vì vậy, mỗi cái máy tính, mỗi khu vực có sóng, mỗi trẻ em được kết nối, được học tập trên không gian mạng trong điều kiện phải giải quyết tình thế góp phần gieo từng hạt mầm để những hạt mầm ấy lớn lên và tiếp tục lan tỏa, tạo thành xã hội số, kinh tế số. Tạo thành tình yêu thương trên khắp đất nước ta.

Thủ tướng nhấn mạnh, cha ông ta đã từng nói “Lửa thử vàng- Gian nan thử sức” hay “Trong cái khó ló cái khôn”. Dịch Covid 19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội của mọi người dân trên thế giới và nước ta. Nhưng đây cũng là thời điểm chúng ta quản lý sự thay đổi, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, mỗi doanh nghiệp và đất nước để tăng khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, nhất là quản lý rủi ro.

"Dịch bệnh rồi sẽ ở lại phía sau chúng ta nhưng những bài học về ứng phó dich bệnh sẽ tiếp tục được nghiên cứu và áp dụng trong đó có bài học về sự ứng dụng công nghệ. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là thông điệp thích ứng phù hợp với tình hình, quản lý sự thay đổi và lan tỏa lòng nhân ái của mỗi chúng ta. Tôi tin rằng, Chương trình sẽ truyền đi năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn đến với cộng đồng để góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên công nghệ số” - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Chương trình 200.000 máy tính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Ngay tại Lễ phát động, các ngành: Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã ủng hộ hơn 1 triệu máy tính, với trị giá hơn 2.500 tỷ đồng; đầu tư 3.000 tỷ đồng để phủ sóng, hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Bộ GD&ĐT chủ động nhiều giải pháp

Trước đó, thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 10/9/2021, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành công văn số 3961/BGDĐT-CĐN phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến. Trước mắt, cuộc vận động “Máy tính cho em” sẽ ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chủ tịch CĐGDVN đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT/Chủ tịch Công đoàn ngành; Giám đốc/Hiệu trưởng/Chủ tịch Công đoàn của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tổ chức phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” tại tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc; kêu gọi, tuyên truyền, vận động toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, đội ngũ nhà giáo, nhân viên, người lao động tham gia ủng hộ kinh phí tối thiểu là một ngày thu nhập.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn năm học mới, trong đó có việc tổ chức dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình; hướng dẫn đảm bảo an ninh, an toàn trong dạy học trực tuyến; hướng dẫn bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 (đối với các cơ sở giáo dục đại học). Kho học liệu của Bộ đang được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước. Bộ tiến hành rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định các nội dung cốt lõi cần đạt được của chương trình để hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh; tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng các bài giảng chất lượng tốt để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình khi học sinh không thể đến trường do phải thực hiện giãn cách xã hội; tiếp tục bổ sung nguồn học liệu số và bài giảng trên truyền hình để duy trì hoạt động dạy và học, bảo đảm các hoạt động giáo dục không bị đứt gãy.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên; chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu (khung, mẫu) cho một bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn chuẩn (yêu cầu) tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học các lớp 1, 2 và 6 (hiện đang phát hình Tiếng Việt và Tiếng Anh lớp 1). Đối với các lớp còn lại (3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12), Bộ GD&ĐT lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng.