Thêm 4 giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch

(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình Phiên họp sáng 16/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Dự kiến 140 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong năm 2021

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bước sang năm 2021, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền để tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ với số tiền dự kiến thực hiện trong năm 2021 là khoảng 118 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cũng đã được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, với tổng kinh phí ước tính trên 26 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cần thiết phải có thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 bởi diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành như du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, thể thao, vui chơi và giải trí, báo chí, truyền hình... 

Theo đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội 4 giải pháp gồm:

Một là, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020. Dự kiến số giảm thu NSNN theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỷ đồng. 

Hai là, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng. 

Ba là, giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1.10.2021 đến hết ngày 31.12.2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, bao gồm: vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí. Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực này thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; doanh nghiệp, tổ chức nào thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.000 tỷ đồng. 

Bốn là, miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020, không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng. 

Như vậy, tính chung việc thực hiện 4 giải pháp như nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Khẩn trương tháo gỡ khó khăn về dòng tiền

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, qua thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với các giải pháp do Chính phủ đề xuất. Việc ban hành thêm các giải pháp này là cần thiết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và cụ thể hóa các giải pháp ứng phó với tình hình dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội.

Tuy nhiên, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, nhất là trong những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng của đại dịch, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu triển khai một số vấn đề. Cụ thể là, đối với công tác đánh giá tác động về số thu, đề nghị Chính phủ sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý của ngành thuế, xác định rõ phạm vi đối tượng, lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh, phù hợp với tình hình thực tiễn, làm cơ sở xây dựng khung chính sách đúng mục tiêu, trúng đối tượng. Đồng thời đề nghị Chính phủ trong thẩm quyền của mình, cần khẩn trương triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ, giảm chi phí đầu vào, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp, xem xét khả năng thực hiện giải pháp cấp bù lãi suất hoặc có biện pháp thúc đẩy các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm hơn nữa lãi suất cho vay phù hợp với xu thế giảm lãi suất huy động tiền gửi. 

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ dựa trên chi phí, thay vì dựa trên số thuế phải nộp (giảm thuế suất), để hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp không có lợi nhuận. Với tình hình sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp hiện nay, nên triển khai chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí lao động để góp phần thu hút lao động quay trở lại làm việc. Chính sách này có thể thực hiện thông qua việc cho phép doanh nghiệp trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng, được trừ chi phí lao động cao hơn mức chi trả thực tế. Chi phí lao động được khấu trừ cao hơn có thể là các khoản chi mang tính chất tiền lương, thưởng,… Trong trường hợp doanh nghiệp có chi thêm các khoản bồi dưỡng, hỗ trợ người lao động vì dịch bệnh, thì có thể cho phép ưu đãi khấu trừ ở mức cao hơn. 

Trên cơ sở xem xét cụ thể các vấn đề được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.