(Mặt trận) - Sáng 17/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã gặp gỡ, lắng nghe các chuyên gia góp ý về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Phủ nhanh vaccine và xét nghiệm có trọng tâm trọng điểm
Nhiều ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia y tế, chuyên gia kinh tế đã được chuyển đến lãnh đạo TPHCM. GS-TS-BS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM nhấn mạnh điều kiện cơ bản, điều kiện cần để mở cửa là phải bao phủ vaccine, điều kiện đủ là 5K và các yếu tố khác. Điều kiện mở cửa phát triển kinh tế, phải nhanh chóng dập dịch, phải sống cùng với virus, chứ không thể truy đến cùng.
Theo GS-TS-BS Lê Hoàng Ninh, trong số ca bệnh, 80% không có triệu chứng lâm sàng, vậy thì những người bệnh sẽ còn tồn tại và không biết tồn tại đến bao giờ. Do vậy, việc xét nghiệm cần phải chọn những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, xét nghiệm có trọng tâm, chứ không nên xét nghiệm diện rộng gây lãng phí vật chất và nhân lực. Đồng thời, tiếp tục để F0 điều trị tại nhà và có theo dõi chăm sóc, giải quyết ca tử vong ở cấp thấp nhất.
Về tiêu chuẩn mở phong tỏa của Bộ Y tế, GS-TS-BS Lê Hoàng Ninh cho rằng không thực tế, vì nếu theo tiêu chuẩn này thì TPHCM còn xa lắm mới đạt được. Vừa yêu cầu tìm ra F0, nhưng lại bắt phải giảm tỷ lệ F0 thì mới đạt tiêu chí, thực tế thì tìm số ca mới mắc bệnh, còn phát hiện thì không thể có khả năng giảm đều liên tục.
GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TPHCM đề nghị cần tập trung 2 vấn đề là bao phủ vaccine và can thiệp sớm tại cộng đồng đối với F0. Theo GS Trần Diệp Tuấn, xét nghiệm để bóc tách, chuyển F0 đi nơi khác để giữ khu dân cư xanh. Nhưng nếu giữ vùng xanh bằng cách này thì cứ phải làm xét nghiệm với tần suất 3 ngày/lần, nghĩa là cứ phải làm hoài. Vì vậy, GS Trần Diệp Tuấn đề nghị cần thống nhất quan điểm không cần thiết phải xét nghiệm trên diện rộng, chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Nguồn lực lúc này cần được tập trung vào bao phủ vaccine tới người dân, nhất là đối với người có nguy cơ cao, người trên 65 tuổi. Dự báo khi TPHCM nới lỏng giãn cách thì chắc chắn F0 sẽ tăng. GS Trần Diệp Tuấn đề nghị TPHCM ngay từ bây giờ cần chuẩn bị, tăng cường hệ thống y tế để chăm sóc F0 tại cộng đồng, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời cho F0 khi có yêu cầu chăm sóc y tế.
Theo GS-TS-BS Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, số ca tử vong vì Covid-19 đang liên tục giảm, chỉ còn 50% so với đỉnh điểm tử vong, chứng tỏ hệ thống điều trị đã được nâng cấp và có sự liên thông. Do vậy, nếu muốn đẩy lùi dịch phải có biện pháp mới và có tính đột phá. 2 vấn đề cần tập trung là vaccine và thuốc, bên cạnh quy tắc 5K.
GS-TS-BS Lê Trường Giang cũng đánh giá sức chịu đựng của xã hội đã đến ngưỡng; năng lực y tế cơ bản đáp ứng được, vaccine và thuốc là vũ khí. Theo tiêu chí an toàn cho TPHCM và tiêu chí an toàn phục hồi, thì chúng ta có thể bắt đầu mở cửa.
Mở cửa và phục hồi kinh tế
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, dựa trên một số yếu tố về tỷ lệ tiêm vaccine, kiểm soát dịch bệnh, thì đã đến lúc mở cửa phục hồi kinh tế. Bên cạnh việc TP tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch, tăng cường điều trị F0 tại cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong. Theo TS Trần Du Lịch thì TPHCM nên kiến nghị Chính phủ tập trung tiêm vaccine cho 40% dân đô thị và những người có nguy cơ cao, để rút ngắn thời gian phủ vaccine. Đồng thời, TPHCM nên có lộ trình dứt khoát, phải mở cửa xuyên suốt.
Còn chuyên gia Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright khẳng định, phải mở cửa kinh tế, không thể không mở kinh tế. Bởi vì những yếu tố về nguồn lực, kinh phí, ngân sách phân bổ doanh nghiệp đang kiệt quệ, cần cấp cứu kịp thời, đời sống Nhân dân cũng đã gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tổn thương về tinh thần và tâm lý của trẻ em rất lớn không thể tính toán được.
Góp ý để mở cửa kinh tế an toàn, thì bài học lớn nhất đó là phải thích nghi với hoàn cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn, quản lý người lao động, bảo vệ đối tượng có rủi ro nhiều nhất như người cao tuổi, trẻ em. Bên cạnh đó, cần phải đo lường chuyển biến của dịch bệnh, có biện pháp kịp thời; cân nhắc mở ra ứng phó từng hoàn cảnh.
Cần có những bước đi cẩn thận trong quá trình mở cửa
Ghi nhận những ý kiến góp ý tâm huyết từ các chuyên gia, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng các ý kiến nhìn từ nhiều góc cạnh nhưng có chung các vấn đề như: không thể loại hẳn dịch bệnh Covid-19 ra khỏi cộng đồng, những điều kiện chuẩn bị để phòng chống dịch đến giờ tương đối bảo đảm như có thuốc trị, vaccine, ý thức người dân chấp hành để cùng vượt qua khó khăn, sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn không thể kéo dài và nền kinh tế cũng đã tới ngưỡng không thể chịu đựng được nữa. Do đó, việc giãn cách phải từng bước phải mở dần, bảo đảm sự an toàn.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, hiện nay chính quyền đã chuẩn bị các chiến lược để chuyển sang giai đoạn bình thường mới, sống trong môi trường có Covid-19 và chuẩn bị thói quen, tinh thần để ứng phó với môi trường có virus.
“TPHCM đã chuẩn bị 13, 14 chiến lược trong đó trụ cột là chiến lược y tế; củng cố y tế cơ sở, cộng đồng, bệnh viện tư nhân, hệ thống nhà thuốc tây, phải có quy định rõ khi phát hiện F0 trong cộng đồng và hình thành mạng lưới y tế cơ sở để chăm sóc cho bệnh nhân. Đồng thời, TPHCM còn có chiến lược về chính sách an sinh xã hội chăm lo cho đời sống Nhân dân” – Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cám ơn sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ của Trung ương, địa phương, đặc biệt ngành y tế đã sát cánh đóng góp tinh thần trách nhiệm bằng tình cảm đặc biệt, chung tay chăm lo cho TPHCM. “Chúng ta lạc quan với những gì làm được, nhưng cũng không chủ quan, mà cần có những bước đi cẩn thận, chặt chẽ, an toàn trong quá trình mở để đưa TPHCM có bước khôi phục chắc chắn và phát triển vững chắc trở lại để hoàn thành sứ mệnh đối với đất nước và Nhân dân”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Minh Hiệp