Tập trung hiến kế điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội

(Mặt trận) - Nhân dân đang mong đợi những quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp này. Trong đó, có hai quyết sách quan trọng nhất là tới đây phòng, chống dịch Covid-19 thế nào và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ra sao. Trước Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước ở nhiều cấp độ để tìm lời giải tốt nhất cho hai vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 21.10 

Phải đổi mới tư duy trong phòng, chống dịch

Tôi đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, 3 báo cáo thẩm tra do 3 cơ quan của Quốc hội chủ trì nhưng đã có sự tham gia ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, có tính phản biện cao và xây dựng cao, cung cấp nguồn thông tin phong phú, sâu sắc cho các đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước trong năm 2022 trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với đại dịch để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII đã thống nhất xây dựng Chiến lược, Kế hoạch tổng thể ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị này, vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh. Để làm được như vậy thì điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Tốc độ tiêm vaccine hiện nay của nước ta đã nhanh hơn, có vaccine là tiêm được ngay. Do đó, chúng ta có thể sẽ bao phủ được vaccine nhanh hơn kỳ vọng và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế. 

Thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, chúng ta vẫn có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bài bản, với nhiều kinh nghiệm đã tích lũy được trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt, phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh.

Về chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch, Trung ương đã bàn và hiện nay Chính phủ, Quốc hội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng. Tuy nhiên, một Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp hai chính sách này như thế nào, tính toán nguồn lực cụ thể ra sao... Trung ương thống nhất điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo nguyên tắc: quy mô phù hợp, lộ trình hợp lý và phải bảo đảm được ổn định kinh tế, vĩ mô. Để thiết kế được gói chính sách đáp ứng được các nguyên tắc này không đơn giản. Ngay sau Hội nghị Trung ương, Lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với các cơ quan của Chính phủ, các chuyên gia ở cả diện rộng và diện hẹp để thảo luận, xem xét các vấn đề liên quan. Các cơ quan của Quốc hội cũng đang chủ động nghiên cứu, chuẩn bị để khi Chính phủ trình thì có thể thống nhất được ngay. Tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội cần tập trung nghiên cứu, hiến kế cho Quốc hội về gói chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội tổ chức Kỳ họp chuyên đề bất thường vào cuối năm nay để quyết định sớm vấn đề này, không chờ đến Kỳ họp thứ Ba (tháng 5.2022) vì sẽ lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới.

Tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện nay là khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông… Cần tính tổng thể gói chính sách đang được thực hiện để xác định dư địa còn lại cho điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như thế nào? Phải làm sao khơi thông, huy động được nguồn lực, có nguồn lực rồi thì xác định được sẽ phân bổ vào đâu.

Qua các cuộc làm việc với các nhà khoa học, các cơ quan của Chính phủ về gói chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong thời gian tới thì cơ bản thống nhất một số nguyên tắc, quan điểm như: chú trọng tăng cường đồng thời cả tổng cầu và tổng cung bởi cả hai vấn đề này đều đang yếu, để phục hồi được ngay là rất khó. Phải sử dụng tổng thể cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Phục hồi cả về kinh tế và xã hội. Các chuyên gia và các cơ quan cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý; trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023, cụ thể, năm 2022 tập trung vào giải quyết giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an sinh xã hội, tạo các điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu và chuẩn bị năng lực đầu tư để năm 2023 có thể đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh... Đồng thời đề nghị xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách này, đưa vào những ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế. Bảo đảm hiệu quả, tránh tình trạng bị trục lợi, bị lợi ích nhóm thao túng. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi có gói chính sách mới thì phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tổng các gói chính sách hỗ trợ hiện nay cũng đã hơn 100.000 tỷ đồng và đang phát huy hiệu quả.

Điều hành chính sách trên cơ sở dữ liệu khoa học, dữ liệu dịch tễ học

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang 

Để có quyết đáp chính xác về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội thì phải đánh giá đúng thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay cũng như tác đông của đại dịch trong từng lĩnh vực. Tại sao kinh tế giảm sâu như vậy mà nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá, là trụ đỡ của nền kinh tế? Xuất khẩu tăng, dự kiến 10 tháng xuất khẩu tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ năm trước? Công nghiệp chế biến, chế tạo, dược phẩm, sản xuất thiết bị y tế… cũng tăng? Các ngành nào trong đại dịch đã chuyển từ “nguy” thành “cơ”? Phải phân tích rất kỹ lưỡng để xem dư địa tăng trưởng ở đâu?

Hay trong lĩnh vực lao động, việc làm, thống kê sơ bộ cho thấy, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III năm nay giảm 2,4 triệu người so với quý II, giảm 2,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động công nghiệp xây dựng giảm đến 815 nghìn người; lao động dịch vụ giảm 2,28 triệu người nhưng lao động nông nghiệp lại tăng đến 742 nghìn người. Phải chăng số lao động tăng trong lĩnh vực nông nghiệp chính là bộ phận lao động đã rời khỏi các đô thị, khu công nghiệp trong đại dịch về nông thôn và tìm được việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp? Số người đã có việc làm này khả năng quay trở lại các đô thị, khu công nghiệp là bao nhiêu? Đại dịch chắc chắn sẽ dẫn đến sự phân bổ lại dân cư, lao động và điều này sẽ tác động đến câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu lao động trong thời gian tới.

Muốn vậy, phải có dữ liệu thông tin đầy đủ. Thông tin sai lệch thì quyết định chính sách không thể chính xác được. Trong Nghị quyết của Quốc hội có lẽ cũng phải yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá kỹ lưỡng tác động của đại dịch không chỉ về kinh tế mà cả vấn đề xã hội, văn hóa..., không chỉ tác động tích cực, tiêu cực mà còn cả những cơ hội mở ra như thế nào. Vừa qua, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đã có báo cáo rất chi tiết, rất sâu sắc về tác động của đại dịch đối với xã hội, văn hóa, giáo dục và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất hoan nghênh. Các báo cáo liên quan đến quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, chiến lược vaccine đều đã được các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị, có báo cáo. Tổ Công tác Covid-19 đã có một tập tài liệu rất chi tiết về nhiều lĩnh vực gửi đại biểu Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19.

Phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình. Dự báo đúng thì mới có biện pháp đúng, không bị lúng túng, bất ngờ. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tình hình kinh tế - xã hội của thế giới có phục hồi, tăng trưởng nhưng lại có sự phân hóa do độ bao phủ vaccine khác nhau. Các chuyên gia nhận định nền kinh tế đang tăng trưởng hai tốc độ. Một số nước tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu nhưng một số nước rất chậm do bao phủ vaccine còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu sang năm các nước lớn lại thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ lỡ nhịp phục hồi kinh tế của thế giới… 

Chúng ta phải nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Các biện pháp điều hành phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội đều phải dựa trên cơ sở dữ liệu khoa học, dữ liệu dịch tễ học. Phải nghiên cứu rất căn cơ, có giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, dài hơi hơn và khi quyết định rồi thì phải thực hiện nhất quán, thông suốt.