Tạo sự bình đẳng giữa người sản xuất và người tiêu dùng

(Mặt trận) - Đó là đề nghị của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trần Thanh Mẫn khi đi kiểm tra tình hình triển khai đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng và làm việc với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Tây Ninh ngày 15/9.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Cùng tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở Trung ương và tỉnh Tây Ninh.

 Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đi khảo sát, nắm tình hình sử dụng hàng VIệt Nam tại siêu thị Co.opMart.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh, sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên, sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ tích cực có hiệu quả của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam đã tạo thành sức mạnh tổng hợp trong công tác triển khai, tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên toàn tỉnh. Cuộc vận động đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; đồng thời, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu cho nhiều sản phẩm, hàng hóa.

“Hiện tại tỉnh Tây Ninh đang xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh năm 2017. Thông qua các điểm bán hàng Việt, các doanh nghiệp cũng như thương nhân phân phối hàng Việt sẽ góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động”, ông Vy thông tin.

Ông Nguyễn Văn Vy cũng cho biết, với đặc thù là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài trên 240 km, có 20 xã biên giới thuộc 5 huyện, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều cửa khẩu phụ khác nên Tây Ninh cũng là điểm nóng về buôn lậu hàng hóa từ Campuchia vào Việt Nam. Ngoài ra, tâm lý mua sắm hàng ngoại còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân, nhất là người có kinh tế khá giả. Xuất phát từ thực tế trên, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã phối hợp tổ chức phát động các tầng lớp nhân dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, các cơ quan, đơn vị ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi mua sắm công; phát động các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh trong tỉnh nâng cao uy tín, chú trọng chất lượng sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.

“Những việc làm trên của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp nâng cao nhận thức, khuyến khích mọi người dùng hàng Việt, góp phần định hướng, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, xây dựng niềm tin và thói quen sử dụng hàng nội địa. Một số sản phẩm của Tây Ninh mang thương hiệu Việt đã được nhiều người biết đến như: mãng cầu Bà Đen, bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, muối ớt Tây Ninh.”, ông Vy nêu.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh cho biết, nếu muốn Cuộc vận động thành công, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị để từ đó đẩy mạnh Cuộc vận động lan tỏa đến từng người dân, từng doanh nghiệp và nhà phân phối. Với sự nỗ lực của toàn tỉnh, các hoạt động bình ổn thị trường, việc đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần điều tiết hiệu quả thị trường hàng hoá, phân phối đến tận tay người tiêu dùng, nhất là người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, để đất nước phát triển được thì phải đẩy mạnh sản xuất trong nước, hàng Việt phải phục vụ đủ nhu cầu của người tiêu dùng Việt, đồng thời phải thay đổi tư duy của người Việt, có được sự thay đổi này thì hàng hóa Việt Nam mới phát triển và lớn mạnh.

Sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc sử dụng hàng Việt rộng rãi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian qua là nhờ vào việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, từ đó thay đổi nhận thức của người dân, nhiều chuyến hàng đến với vùng sâu, vùng xa và công tác bình ổn giá, quản lý thị trường được phát huy hiệu quả đã giúp người dân tránh được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Để Cuộc vận động tiếp tục triển khai lớn mạnh trong các năm tiếp theo, ông Vượng cho rằng, tỉnh cần quan tâm tới tái cơ cấu nền nông nghiệp, thông qua hệ thống HTX để mỗi sản phẩm của người dân có thể đáp ứng được chất lượng, quy trình, thủ tục, để giá trị hàng hóa được tăng lên và tiêu thụ tốt hơn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu cung - cầu, các điểm bán hàng, xây dựng hệ thống phân phối để hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa trên toàn tỉnh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban Chỉ đạo các cấp với cấp ủy, chính quyền của tỉnh Tây Ninh trong thực hiện Cuộc vận động.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động, tích cực và sớm triển khai, phối hợp của Ban Chỉ đạo các cấp với cấp ủy, chính quyền của tỉnh Tây Ninh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của MTTQ và các tổ chức thành viên trong Ban Chỉ đạo, tạo nên thói quen dùng hàng Việt đối với người dân và góp phần nâng cao khả năng tiêu thụ hàng Việt đối với doanh nghiệp trên toàn tỉnh. “Đây chính là điều kiện quan trọng, cần thiết để Cuộc vận động có sức sống, đi vào lòng người dân, đi vào lòng người tiêu dùng, từng bước tạo nên nhận thức và hành vi ưu tiên dùng hàng Việt theo nhu cầu và thói quen”. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Tây Ninh là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm ở vị trí cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia, đồng thời là một trong những tỉnh cửa ngõ giao lưu về quốc tế quan trọng giữa Việt Nam với Camphuchia và Thái Lan, tỉnh còn giao lưu trao đổi hàng hóa với các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây được xem là điều kiện thuận lợi cơ bản trong giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế, nâng kim ngạch xuất nhập khẩu, song cũng là thách thức vô cùng lớn trong việc triển khai Cuộc vận động.

Để Cuộc vận động đi đến từng người dân trong tỉnh, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị tỉnh cần có sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xây dựng và bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện Cuộc vận động; xác định nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình hành động của các cấp ủy. Đồng thời cần đẩy mạnh hơn nữa việc tăng cường, thường xuyên, phát huy thế mạnh của mỗi tổ chức trong Ban chỉ đạo và đặc biệt hướng tới đối tượng là đoàn viên, hội viên của Hội mình với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với phong tục, tập quán, vùng miền, quảng bá sản phẩm Việt, tổ chức thăm dò dư luận xã hội trong nhân dân.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối nhằm tạo môi trường lành mạnh của thị trường nội địa để bảo vệ và tăng sức mua sắm của người tiêu dùng. Tăng cường công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,…

“Cần có đánh giá kết quả việc thực hiện ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong mua sắm công từ nguồn ngân sách nhà nước và trong sử dụng vật tư, nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp Việt. Bên cạnh đó cần có cơ chế, chính sách cụ thể đối với các doanh nghiệp trong tiêu thụ hàng Việt thông qua kết nối với Nhà nước, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng”. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, phải tạo sự bình đẳng giữa sản xuất và phân phối vì thực tế hiện nay sản xuất nông nghiệp rủi ro, đầu tư lớn, lợi nhuận không nhiều, trong khi đó khâu phân phối lợi nhuận cao, cần có giải pháp để phân phối lại lợi nhuận giữa các khâu đảm bảo cho người nông dân yên tâm sản xuất và sản xuất an toàn. “Người dân, người tiêu dùng phải được bảo đảm quyền lợi nhất định, không là nạn nhân của tình trạng buôn lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không để tình trạng hàng hết hạn sử dụng đến tay người tiêu dùng”. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng, với sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên toàn tỉnh, nhất định Cuộc vận động sẽ thành công, phấn đấu trên 80% người dân trên toàn tỉnh sử dụng hàng Việt.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát trực tiếp Doanh nghiệp Hùng Duy, Siêu thị Co.op Mart tỉnh Tây Ninh.

Trước đó, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh đến kiểm tra, giám sát trực tiếp Doanh nghiệp Hùng Duy, Siêu thị Co.op Mart tỉnh Tây Ninh.