Tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số cho địa phương

(Mặt trận) - Phát biểu tại buổi làm việc với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên sáng 18/10, nhằm giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh đề nghị, nhà trường cần định hướng được mục tiêu cho các em đang học tập tại trường để sau này các em chính là nguồn cán bộ vững chắc cho địa phương, là những người vận động dân làng thay đổi tập tục, tập quán lạc hậu của làng, bản.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Hội Cựu giáo chức Việt Nam và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh Điện Biên.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh làm việc với Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên.

Bà Phạm Lệ Thanh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên cho biết, hiện trường có 568 học sinh với tỷ lệ 97% các em học sinh là người dân tộc đến từ 15-17 dân tộc trên toàn tỉnh như dân tộc Thái, H.Mông, Khơ Mú, Dao, Hà Nhì... Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực trung bình trở lên chiếm 99%; xếp loại khá, giỏi đạt từ 70% trở lên; trong kết quả thi học sinh giỏi toàn tỉnh, trường luôn xếp thứ hai trong khối các trường THPT; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt 100%, chất lượng đỗ ĐH-CĐ chiếm trên 80%.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, trường đã triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện: từ tư tưởng, từ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu theo giai đoạn và theo từng năm học, các cơ chế, điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện Nghị quyết.

Nhà trường đã đảm bảo tính liên thông giữa các bậc học, cấp học: kế thừa kiến thức và kỹ năng học sinh đã hình thành từ bậc THCS, tiếp tục hoàn thiện ở bậc THPT và tập trung phát triển năng lực toàn diện cho học sinh, làm cơ sở cho học sinh tận dụng được các cơ hội học tập trong tương lai, góp phần xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh thăm cơ sở vật chất của Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên.

Trường đã chú trọng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học, năng lực thực hành và vận dụng kiến thức thực tế vào thực tiễn trong các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp. Nhà trường cũng quan tâm tới phát triển kỹ năng sáng tạo, nâng cao năng lực tự học, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh thông qua tổ chức và duy trì tốt các CLB trải nghiệm phù hợp với nguyện vọng, sở thích, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh nhà trường như CLB giáo dục SKSS, CLB khéo tay, CLB truyền thông, CLB tiếng Anh,…

“Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số cho địa phương, đồng thời do chất lượng đầu vào ổn định, nhà trường luôn khuyến khích học sinh học tập nâng cao trình độ và tư vấn cho học sinh lựa chọn ngành nghề lao động phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu của địa phương”, bà Phạm Lệ Thanh nhấn mạnh.

Biểu dương những kết quả đáng khích lệ của tập thể giáo viên, học sinh nhà trường trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cho rằng, có được những kết quả này là nhờ vào quyết tâm của thầy, trò nhà trường trong thực hiện đổi mới phương thức dạy và học, từ đó chất lượng giảng dạy luôn được đảm bảo và không ngừng được nâng lên, khả năng tiếp cận kiến thức và định hướng nghề nghiệp của các em được quan tâm và duy trì.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh chụp ảnh lưu niệm với các thầy cô Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên.

Từ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục củng cố kiến thức, đưa ra nhiều sáng kiến, kinh nghiệm để đổi mới phương thức dạy và học, rèn luyện kỹ năng của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, tăng cường hình thành các câu lạc bộ để giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự học cho các em, từ đó nâng cao khả năng tự chủ, khả năng độc lập trong tổ chức các hoạt động và học tập.

“Ngoài giờ học, nhà trường cần tạo cho các em môi trường sinh hoạt cộng đồng, tăng cường rèn luyện và gia tăng sản xuất để tạo động lực cho các em có niềm vui trong học tập, hòa đồng với bạn bè và có thêm nguồn lực cho các em yên tâm học tập”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh gợi mở.

Cùng với đó, nhà trường cần đảm bảo tính dân chủ, thắt chặt nội quy và thường xuyên giám sát các hoạt động của các em trong và sau giờ học để có những điều chỉnh quy chế quản lý sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại trường.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cũng đề nghị đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường cần phân luồng, hướng dẫn học sinh, để sau khi tốt nghiệp, các em sẽ là nguồn cán bộ cho tỉnh, là những người chủ lực trong phát triển kinh tế cho gia đình, cho địa phương và các em chính là những người vận động dân làng thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu của làng, bản.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh làm việc với Trường Cao đẳng nghề Điện Biên.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã tới thăm và làm việc với Trường Cao đẳng nghề Điện Biên, nhằm giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.