Tăng cường trang bị kiến thức cho cán bộ Mặt trận địa phương

(Mặt trận) - Phát biểu tại Lễ bế giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận khóa VI (lớp 1) cho cán bộ Mặt trận 29 tỉnh, thành phố phía Bắc vào chiều 23/5, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, khoá học chính là nền tảng cho mỗi học viên khi triển khai công tác Mặt trận trong những năm tiếp theo.Từ những kiến thức này, mỗi học viên sẽ làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, công tác dân tộc, tôn giáo, triển khai các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Báo cáo kết quả của lớp bồi dưỡng, ông Lê Mậu Nhiệm, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ cho biết, lớp bồi dưỡng diễn ra trong 10 ngày, tập trung truyền đạt, nghiên cứu và trao đổi với các học viên 11 chuyên đề bám sát với tình hình công tác Mặt trận hiện nay.

Nội dung, chương trình lớp bồi dưỡng phù hợp đã góp phần giúp các học viên hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ Việt Nam. Những kiến thức cập nhật giúp cho các học viên hiểu rõ hơn về công tác MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; công tác giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam; về các cuộc vận động của Mặt trận; công tác dân tộc, tôn giáo; công tác tuyên truyền cho các hoạt động của Mặt trận trong tình hình mới…

“Trong quá trình học, một số học viên đã có ý thức thảo luận thông qua phát biểu ý kiến và đặt câu hỏi với các báo cáo viên, 100% học viên đã nghiêm túc viết và nộp bài thu hoạch đảm bảo thời gian và chất lượng. Kết thúc khóa học, đã có 32 học viên đạt loại giỏi.”, ông Nhiệm thông tin.

Thay mặt các học viên, ông Lê Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, chương trình học tập, bồi dưỡng được Mặt trận Trung ương xây dựng khoa học, sắp xếp hợp lý, các chuyên đề rất phong phú và toàn diện. Qua đó giúp cho 125 học viên đến từ 29 tỉnh, thành phía Bắc - những người mới tiếp cận với công tác Mặt trận được trang bị một phông nền kiến thức đầy đủ, toàn diện và khái quát cao về tổng quan công tác Mặt trận, để chúng tôi nhận thức rõ và đầy đủ về trách nhiệm, vai trò của người cán bộ Mặt trận.

Đặc biệt, qua từng chuyên đề, qua kinh nghiệm của các giảng viên, cán bộ đến từ các địa phương còn có dịp trao đổi, chia sẻ với nhau về những thực tế công tác Mặt trận tại địa phương để cùng nhau học hỏi, rút kinh nghiệm để có thể làm tốt hơn nhiệm vụ tại địa phương. Trong 10 ngày học tập có 1 ngày được đi thực tế, trao đổi chuyên môn về xây dựng nông thôn mới tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc rất ý nghĩa và ấn tượng với mỗi người làm công tác Mặt trận.

Phát biểu tại Lễ bế giảng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng bày tỏ niềm vui mừng khi sau 10 ngày, 11 chuyên đề đã được truyền tải tới từng học viên. Những kiến thức này sẽ là tiền đề để mỗi học viên ứng dụng vào công tác Mặt trận tại địa phương, từ đó đưa công tác Mặt trận ngày càng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX vào tháng 9/2019.

“Khoá học chính là nền tảng cho mỗi học viên khi triển khai công tác Mặt trận trong những năm tiếp theo. Từ những kiến thức này, mỗi học viên sẽ làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, công tác dân tộc, tôn giáo, triển khai các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận phát động…”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Ghi nhận và đánh giá cao ý thức học tập, chấp hành giờ giấc của các học viên trong việc nghiên cứu, theo dõi các chuyên đề do các báo cáo viên trình bày, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, mỗi học viên khi về địa phương, từ những kiến thức tại lớp học, tiếp tục dành thời gian nghiên cứu các chuyên đề để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người làm công tác Mặt trận.

Phó Chủ tịch mong muốn, mỗi cán bộ làm công tác Mặt trận sẽ hội tụ đầy đủ năng lực, nhiệt huyết để công tác Mặt trận đến với từng khu dân cư, đến với mỗi người dân trên địa bàn.