(Mặt trận) - Hiện 22 chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào Hà Nội không còn kiểm tra giấy đi đường người ra, vào thành phố song vẫn duy trì một số yêu cầu.
|
Chốt kiểm soát dịch COVID-19 được đặt tại Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ hướng về Thủ đô Hà Nội. |
Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội thực hiện Công điện số 21/CĐ-UBND, nới lỏng một số hoạt động trên địa bàn như cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường; xe buýt, xe taxi được hoạt động; bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách; nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán hàng phục vụ tại chỗ...
Công điện số 21/CĐ-UBND không đề cập đến hoạt động của 22 chốt kiểm soát người ra, vào Thủ đô. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, từ sáng 14/10, việc kiểm soát người ra, vào Thủ đô có nới lỏng hơn so với những ngày trước đó; đồng thời lượng phương tiện qua chốt khá vắng, chưa thấy xe vận tải khách liên tỉnh chạy qua chốt.
Chỉ huy Chốt số 1, Công an TP Hà Nội đang kiểm soát tuyến cửa ngõ tại tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ thông tin, hiện đối với người ra/vào qua chốt, lực lượng trực chốt yêu cầu phải có chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine (hiển thị trên các ứng dụng PC Covid-19, sổ khai báo sức khỏe điện tử... hoặc giấy chứng nhận đã tiêm đủ); đồng thời có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (test nhanh hoặc test PCR). Ngoài ra, những người ra/vào chốt đều phải khai báo y tế.
"Hiện chốt không còn kiểm tra giấy đi đường, giấy xác nhận công việc, lý do để vào/ra khỏi Hà Nội", cán bộ chốt trực cho hay.
Tương tự, Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội CSGT số 10 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cán bộ trực tại Chốt số 3 trên tuyến QL21B Hà Nội đi huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) cho hay, sáng nay do trời mưa, lưu lượng người và phương tiện ra vào tuyến này vắng.
"Để tạo điều kiện nhanh cho người điều khiển phương tiện qua chốt, hiện chúng tôi chỉ kiểm tra giấy chứng nhận đã tiêm Covid-19, giấy test âm tính với SARS-CoV-2 và khai báo y tế. Nếu người dân đã khai báo y tế từ trước qua điện thoại, thì qua chốt chỉ cần quẹt mã QR và xuất trình thêm chứng nhận tiêm, giấy test là xong", Trung tá Cường chia sẻ.
Tại Chốt số 19 trên tuyến QL2 vào Hà Nội, Đại uý Nguyễn Xuân Khương, phụ trách Chốt 1 cho biết, việc bỏ giấy đi đường, giấy xác nhận công việc, lý do để vào/ra khỏi Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ra/vào Thủ đô.
Người dân qua chốt hiện phải xuất trình chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vacccine, khai báo y tế và giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Trường hợp người qua chốt chưa có giấy xét nghiệm âm tính, có thể test nhanh tại chốt.
Hiện mỗi ngày, trung bình vẫn có gần 30.000 lượt người ra/vào Hà Nội và vẫn có hàng ngàn xe phải yêu cầu quay đầu vì không đảm bảo đủ điều kiện qua chốt.
|
Đã có 15 địa phương đồng ý thí điểm mở lại vận tải khách liên tỉnh. Ảnh minh họa |
15 địa phương đồng ý thí điểm mở lại vận tải khách liên tỉnh
Sáng 14/10, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 13/10 đã có có thêm 8 tỉnh thành gồm Kon Tum, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh chấp thuận kế hoạch chạy lại xe khách liên tỉnh.
Trước đó, ngày 12/10, 7 địa phương đã đồng ý chạy lại xe khách liên tỉnh gồm Điện Biên, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình.
Như vậy, tính đến nay đã có 15 địa phương đồng ý thí điểm chạy lại vận tải khách liên tỉnh. Ngoài ra, còn có 15 sở giao thông vận tải đang chờ ý kiến UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại tuyến.
Ngoài 15 địa phương trên, tối 13/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đã ký văn bản thí điểm hoạt động vận tải hành khách. Theo đó, Hà Nội thống nhất với các tỉnh, thành phố để tổ chức các tuyến đi/đến 7 địa phương gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La bằng 5% số chuyến của các đơn vị hoạt động trên tuyến theo biểu đồ đã được công bố.
HD