Quỹ Vaccine đã xuất chi hơn 4.056 tỷ đồng

(Mặt trận) - Đến thời điểm này, Quỹ Vaccine phòng Covid-19 đã chi 4.506,8 tỷ đồng để mua vaccine và hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine. Tới đây, căn cứ kế hoạch của Bộ Y tế, Kho bạc Nhà nước sẽ có phương án bảo toàn và tăng trưởng Quỹ, bảo đảm nguồn lực tài chính hiệu quả cho việc mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine, góp phần sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tiếp nhận ủng hộ Quỹ Vaccine từ đại diện doanh nghiệp 

Còn 13 nhà tài trợ chưa chuyển tiền

Ban Quản lý Quỹ Vaccine phòng Covid-19, tính đến 17 giờ ngày 21.9, tổng số huy động cho Quỹ là 8.692,1 tỷ đồng. Đây là số tiền ủng hộ của 549.698 lượt tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đến nay, Quỹ đã xuất chi 4.506,8 tỷ đồng. Trong đó, chi mua vaccine 4.498 tỷ đồng và chi 8,8 tỷ đồng để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) sản xuất. Như vậy, số dư cuối ngày của Quỹ còn 4.185,3 tỷ đồng.

Hiện Quỹ đã mở tài khoản cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và 7 ngân hàng thương mại cổ phần. Các cá nhân tổ chức có thể nộp vào tài khoản nêu trên hoặc nhắn tin ủng hộ qua Tổng đài 1408 của Bộ Thông tin Truyền thông.

Tính đến ngày 19.9, còn 13 nhà tài trợ cam kết ủng hộ nhưng chưa chuyển tiền tới Quỹ với tổng số tiền gần 36 tỷ đồng như: Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, Công ty TNHH Qisda Việt Nam, Tập đoàn Texhong... “Chúng tôi đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị sớm chuyển tiền vào Quỹ”, đại diện Ban Quản lý Quỹ cho biết.

Quỹ thu lãi tiền gửi ngân hàng 13,5 tỷ đồng

Để bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ Vaccine phòng Covid-19, Ban Quản lý Quỹ đã xây dựng phương án gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại theo phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả theo đúng quy định của Thủ tướng. Lãi tiền gửi của quỹ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại được tính vào nguồn thu của Quỹ.

Nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ Vaccine đang được gửi tại 4 ngân hàng thương mại lớn nhất gồm: Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV. Luỹ kế đến hết tháng 8, Quỹ đã thu về 13,4 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.

Trước đó, để bảo đảm tăng trưởng Quỹ an toàn nhất, Ban Quản lý Quỹ đã tổ chức đấu thầu để lựa chọn các ngân hàng gửi tiền với các cơ cấu: 1.600 tỷ đồng gửi kỳ hạn 1 tháng, 4.000 tỷ đồng gửi kỳ hạn 3 tháng, vừa bảo đảm tranh thủ tăng trưởng quỹ nhưng vẫn sẵn sàng rút ra chi mua vaccine ngay khi cần.

Theo quy định của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước sẽ đấu thầu chọn ngân hàng dựa trên tiêu chí cao nhất là an toàn, bao gồm: Chỉ số tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, chất lượng tín dụng, kết quả kinh doanh, sau đó phải đáp ứng về mức lãi suất hợp lý. Kết quả, Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV trúng thầu mỗi đơn vị 1.400 tỷ đồng với kỳ hạn 1 tháng là 400 tỷ đồng, kỳ hạn 3 tháng là 1.000 tỷ đồng với lãi suất 3% cho kỳ hạn 1 tháng và 3,3% cho kỳ hạn 3 tháng.

Vừa qua Ban Quản lý Quỹ đã rút một nửa số tiền gửi ngân hàng để chi mua vaccine. Tới đây, tùy vào kế hoạch của Bộ Y tế, Kho bạc Nhà nước sẽ có phương án đấu thầu kỳ tiếp theo để bảo toàn và tăng trưởng Quỹ, bảo đảm nguồn lực tài chính hiệu quả cho việc mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine, góp phần sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.