Quy trình lập pháp “khẩn và gọn” với nghị quyết cấp bách do Chính phủ trình

(Mặt trận) - Chiều 8/8, trong nội dung văn bản gửi các cơ quan báo chí, Văn phòng Quốc hội cho biết: Tối 6/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo tại Phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Thẩm tra, thẩm định “hỏa tốc”

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến nhanh và phức tạp, đây là những động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có những biện pháp kịp thời, hữu hiệu phòng, chống đại dịch; thể hiện tinh thần đổi mới của Quốc hội - Quốc hội hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đại diện Văn phòng Quốc hội, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, vào ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1067/TTg-KGVX đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Trước tình hình cấp bách, Chủ tịch Quốc hội lập tức chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội triển khai hỏa tốc theo hướng giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp Ủy ban Xã hội và các cơ quan liên quan thảo luận về các nội dung trình của Chính phủ để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ngay sau khi Chính phủ có Tờ trình số 228/TTr-CP ngày 6/8 về việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ quyết định các giải pháp cấp bách khác quy định của luật, từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ 45 phút cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và quyết định các nội dung theo thẩm quyền.

Tại cuộc họp, với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết đồng ý với bốn nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ khác với quy định của luật hiện hành. Với các quy định khác trong dự thảo, Chính phủ chủ động triển khai trong thực tiễn.

Ngay trong đêm 6/8, sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Tránh triển khai tùy tiện, thiếu nhất quán

Bên cạnh các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tại Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản số 33/UBTVQH15-PL ngày 6/8 về tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, đề nghị Chính phủ lưu ý các nội dung về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; bố trí kinh phí; các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc lưu hành và thông quan thuốc, vaccine phòng Covid-19, tài sản mua sắm để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch và tổ chức thực hiện.

Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách để kịp thời phòng, chống dịch Covid-19. Để khắc phục việc thực hiện thiếu thống nhất, thiếu quyết liệt ở một số địa phương thời gian qua, đề nghị Chính phủ cần cụ thể hóa hơn nữa các biện pháp được nêu tại điểm 3.1 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động áp dụng một cách linh hoạt song vẫn bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán.

Trong công văn gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết không nên sử dụng các từ ngữ không rõ về nội hàm như “sớm hơn”, “cao hơn” để tránh cách hiểu không thống nhất, gây lúng túng cho các địa phương trong việc áp dụng, thậm chí có thể tạo ra sự tùy tiện, thiếu nhất quán giữa các địa phương hoặc áp dụng vượt quá mức cần thiết, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch và việc thực hiện “mục tiêu kép” của cả nước.

Cụ thể như đối với biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết thì nên quy định và phân cấp rõ cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với phạm vi và mức độ nguy cơ của dịch; giới hạn rõ thời hạn hạn chế tối đa là bao lâu, nếu vượt quá mức này thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; tiêu chí để xác định khu vực, địa bàn nào là khu vực, địa bàn cần thiết.

Đối với các biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc, sử dụng phương tiện thông tin liên lạc thì cần liệt kê cụ thể các biện pháp được áp dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nêu cụ thể các biện pháp khác có thể được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp đối với tình hình dịch bệnh hiện nay hoặc viện dẫn điều, khoản cụ thể của các luật, pháp lệnh có liên quan (Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Quốc phòng, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp,…) vì đây là các biện pháp đặc biệt, có thể hạn chế quyền công dân trong một số trường hợp.

Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể quyết định áp dụng các biện pháp tương ứng với mức độ nguy cơ cao hơn diễn biến dịch thực tế tại địa bàn tại thời điểm ra quyết định nhưng vẫn phải bảo đảm trong khung quy định chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trường hợp địa phương thấy cần áp dụng biện pháp khác chưa được quy định thì nhất định phải báo cáo và có ý kiến của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện.

Trường hợp chưa thể quy định cụ thể ngay trong Nghị quyết này thì Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp được quy định tại các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý chung, thống nhất với các giải pháp cụ thể (cả về nội dung, phạm vi, thẩm quyền và thủ tục áp dụng), đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Quản lý chặt việc lưu hành thuốc điều trị và vaccine

Về việc lưu hành và thông quan thuốc, vaccine phòng Covid-19 (khoản 1 Điều 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đưa ra một Chiến lược tổng thể về vaccine, trong đó có cơ chế phân bổ, sử dụng và phác đồ tiêm vaccine thống nhất trên toàn quốc.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề cấp giấy lưu hành thuốc điều trị và vaccine phòng Covid-19, theo đó, “kể cả khi được phê duyệt sử dụng khẩn cấp thì các bước quan trọng, các tiêu chí bắt buộc cũng không được bỏ qua”. Đồng thời, “cần cung cấp đầy đủ các dữ liệu khoa học của tất cả các bước thử nghiệm thuốc, vaccine; tổ chức đánh giá dữ liệu này một cách cẩn trọng, phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định không áp dụng tiêu chuẩn, định mức đối với tài sản nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quyết định công bố dịch của cơ quan có thẩm quyền tại điểm h khoản 4 Điều 2.

Tuy nhiên, đối với tài sản mua sắm để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian có dịch thì cần quy định rõ ngoài việc được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh như Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã cho phép, đề nghị vẫn đồng thời phải bảo đảm định mức, tiêu chuẩn, tránh tình trạng mua sắm hàng hóa, vật tư, thiết bị phục vụ phòng, chống dịch không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người.

Lưu ý rằng, để khắc phục việc thực hiện thiếu thống nhất, thiếu quyết liệt ở một số địa phương thời gian qua, đề nghị Chính phủ cần cụ thể hóa hơn nữa các biện pháp được nêu tại điểm 3.1 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động áp dụng một cách linh hoạt song vẫn bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán.

Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, ban hành các văn bản để phân định rõ những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và xem xét, phân cấp mạnh hơn cho địa phương, nhất là trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp duy trì, phục hồi, ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương, của Quốc hội.

Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (được Quốc hội ủy quyền theo Nghị quyết số 30 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất.