Phú Thọ: Nhiều địa phương nâng cấp độ dịch; Người trở về từ vùng dịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2

(Mặt trận) - Lũy tích kể từ ngày 14/10/2021 đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ ghi nhận 823 ca mắc COVID-19. Trong đó, tại Việt Trì có 451 ca; huyện Lâm Thao 147 ca; huyện Phù Ninh 100 ca; huyện Thanh Sơn 73 ca; thị xã Phú Thọ 19 ca; huyện Tam Nông 13 ca; huyện Tân Sơn 8 ca; huyện Thanh Thủy 5 ca; huyện Cẩm Khê 3 ca; huyện Yên Lập 2 ca và huyện Hạ Hòa 2 ca. Có 3 xã, thị trấn mới ghi nhận ca mắc COVID-19 là Võ Miếu, huyện Thanh Sơn; Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê; Ngọc Đồng, huyện Yên Lập.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Trang trọng Lễ dâng hương dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, tỉnh Phú Thọ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, “một dấu mốc bằng vàng chói lọi”

Ảnh: Báo Phú Thọ

Đánh giá cấp độ dịch, toàn tỉnh Phú Thọ ở Cấp độ 2 (màu vàng) với số ca mắc mới trong cộng đồng xấp xỉ 7,49 ca/100.000 dân/tuần; 68,86% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19.

Kể từ 14/10 đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn Phú Thọ đã chuyển cấp độ dịch sang cam và đỏ. Trong đó, ngày 3/11 huyện Thanh Sơn đã chuyển từ cấp độ 2 (vàng) sang cấp độ 3 (cam); 10/13 huyện ở cấp độ 2 (vàng), gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Tân Sơn và Yên Lập; 2/13 huyện còn lại ở cấp độ 1(xanh).

Tại cấp xã, toàn tỉnh đã có 4 xã ở cấp độ 4 (đỏ) gồm Chu Hóa, thành phố Việt Trì; riêng 3 địa phương gồm thị trấn Thanh Sơn, xã Thục Luyện, Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn đã nâng cấp độ dịch từ cam sang đỏ từ ngày 2/11. Năm địa phương gồm: phường Thọ Sơn, Vân Cơ, Thụy Vân, thành phố Việt Trì và các xã  Kim Thượng, huyện Tân Sơn; Ngọc Đồng, huyện Yên Lập cũng nâng cấp độ dịch từ vàng sang cam (từ ngày 2/11); 43 xã ở cấp độ 2 (vàng) và 173 xã/phường/thị trấn còn lại ở cấp độ 1 (xanh).

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp tại huyện Thanh Sơn, Sở Giao thông Vận tải tỉnh vừa có thông báo tạm dừng hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn có dịch ở cấp độ 4 gồm xã Thục Luyện và thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn từ ngày 2/11 đến khi có thông báo mới.

Với số ca mắc tăng cao; trong đó, có nhiều ca trong khu công nghiệp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân trong tỉnh. Để thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, Phú Thọ đã thành lập Tổ Công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ Công tác yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp phát sinh trong thực tiễn sản xuất kinh doanh, tổng hợp và đề xuất để giải quyết kịp thời; đề xuất công tác làm việc với các doanh nghiệp có nhiều khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch bệnh để trực tiếp chỉ đạo giải quyết, kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp; đề xuất giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Sở Công Thương khẩn trương rà soát cụ thể sản lượng của doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ, có giải pháp thiết thực hỗ trợ kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản có khối lượng lớn: lợn, gà, bưởi và các sản phẩm nông sản đến kỳ thu hoạch; thường xuyên nắm bắt thông tin thực tế trong việc lưu thông hàng hóa giữa Phú Thọ và các tỉnh trong phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh lân cận...

Người trở về từ vùng dịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2
UBND tỉnh Phú Thọ vừa có văn bản số 5097/UBND-KGVX yêu cầu, từ 13 giờ ngày 3/11, tất cả các trường hợp người đến/trở về từ các vùng có dịch phải thực hiện khai báo y tế tại một trong các địa điểm UBND xã, trạm y tế, khu dân cư, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng để được hướng dẫn áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Cụ thể, người đến/trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Thuận, Sóc Trang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Gia Lai, Quảng Nam, Hà Giang, Nam Định; các xã có nguy cơ dịch được xác định ở cấp độ 4; các vùng phong tỏa thuộc tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, phải thực hiện test nhanh kháng nguyên tại cơ sở y tế có chức năng và cá nhân tự chi trả phí xét nghiệm.

Người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc người đã khỏi COVID-19, phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương; người chưa tiêm đủ liều vaccine phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Cơ quan y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, trong đó lần thứ 2 bằng phương pháp RT-PCR.

Người chưa tiêm vaccine phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương; lấy mẫu xét nghiệm 3 lần, trong đó lần thứ 3 bằng phương pháp RT-PCR. Người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ dưới 16 tuổi thuộc diện cách ly, phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế và có người chăm sóc cách ly cùng theo quy định.

Người đến/về từ các xã trong, ngoài tỉnh có nguy cơ dịch được xác định ở cấp độ 3 phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước thời điểm đến/về địa phương. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, phải thực hiện test nhanh kháng nguyên tại cơ sở y tế có chức năng và tự chi trả phí.

Người đến/về từ các xã trong và ngoài tỉnh, có nguy cơ dịch được xác định ở cấp độ 1, cấp độ 2 không áp dụng cách ly y tế, song phải tự thực hiện việc theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định...