Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp toàn thể Ủy ban về các vấn đề Xã hội

(Mặt trận) - Sáng 29/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội. Ảnh: Hồ Long

Phiên họp được tiến hành theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh. 

Cùng dự, tại điểm cầu Nhà Quốc hội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Nguyễn Thế Mạnh; đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các bộ, ngành liên quan.

Trách nhiệm đến cùng

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, tập trung xem xét, thẩm tra các nội dung quan trọng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 58 và trình Quốc hội Khóa XV tại Kỳ họp thứ Nhất. Phiên họp thể hiện trách nhiệm đến cùng của Ủy ban về các vấn đề Xã hội Khóa XIV đối với các nhiệm vụ được giao để chuyển giao cho Ủy ban Xã hội Khóa XV. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh mong muốn, các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao để có được các Báo cáo thẩm tra chất lượng tốt nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Ảnh: Hồ Long 

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội rất có ý nghĩa khi được tổ chức vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Ủy ban Y tế và Xã hội (tiền thân của Ủy ban về các vấn đề Xã hội hiện nay). Là một trong những Ủy ban quan trọng của Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề Xã hội được giao phụ trách những lĩnh vực gắn liền với đời sống của Nhân dân và luôn được dư luận xã hội quan tâm. Qua lịch sử hình thành, phát triển, Ủy ban đã đóng góp thiết thực vào sự đổi mới, phát triển của Quốc hội, để lại những dấu ấn đậm nét, được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chúc mừng và biểu dương những cống hiến, nỗ lực, thành tích nổi bật của Ủy ban về các vấn đề Xã hội đạt được qua các nhiệm kỳ trong 45 năm qua; tin tưởng, với đội ngũ cán bộ, thành viên có năng lực, trình độ, có bề bày kinh nghiệm, tâm huyết, làm việc khoa học, chuyên nghiệp, trách nhiệm, trong sự thương yêu, tôn trọng, đoàn kết, thống nhất cao, Ủy ban sẽ tiếp tục kế thừa, vun đắp, phát huy thành quả của các thế hệ đi trước, đạt được những kết quả nổi bật hơn nữa trong thời gian tới.

Đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo

Về chương trình giảm nghèo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, việc xây dựng chương trình này trong giai đoạn mới cần bảo đảm sự thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Cần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều; đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo, vùng nghèo, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện chính sách giảm nghèo phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế đồng thời gắn với mục tiêu phát triển bền vững; người nghèo được tham gia và thụ hưởng các thành quả của tăng trưởng. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực giảm nghèo, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Về chính sách bảo hiểm xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Tuy nhiên, thực tiễn còn những vấn đề cần quan tâm trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội; tình trạng chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng và trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hồ Long 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh việc Ủy ban thẩm tra báo cáo của Chính phủ lần này là một trong những căn cứ để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và chuẩn bị thẩm tra đề xuất chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội trong 3 năm tới. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá sâu sắc những mặt được, chưa được, những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, có lý luận, số liệu thuyết phục, từ đó có kiến nghị, đề xuất khả thi, sát với thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực. Các vấn đề Ủy ban xem xét trong Phiên họp hôm nay và ý kiến thẩm tra của Ủy ban sẽ là căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội Khóa XV xem xét, cho ý kiến phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Tại phiên họp, các đại biểu đã xem hai nội dung: đề xuất về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020.