Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Đánh giá đúng tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

(Mặt trận) - Sáng 3/4, tại thành phố Cần Thơ, Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Trang trọng Lễ dâng hương dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, tỉnh Phú Thọ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, “một dấu mốc bằng vàng chói lọi”

Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” của lịch sử

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp 

Cùng tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Trưởng đoàn ĐBQH, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh và Trưởng đoàn ĐBQH, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; các thành viên Hội đồng Dân tộc; Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, lãnh đạo TP. Cần Thơ.

Trong phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn Tây Nam Bộ nhân dịp đón Tết Chôl Chnăm Thmây 2023 an lành, đầm ấm, vui tươi, hạnh phúc. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đề ra và triển khai nhiều chủ trương, chính sách dân tộc, góp phần tạo sự ổn định, phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Cụ thể là chương trình của Chính phủ và triển khai giám sát giữa kỳ của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18.11.2019, của Quốc hội “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” và Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19.6.2020, của Quốc hội “Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các vùng trong cả nước, trong đó có đề cập yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy trong phần thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2022 và quý I.2023.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, tại phiên họp, các đại biểu cần "nói thẳng, nói thật" để có sự đánh giá đúng việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thể hiện rõ sự quan tâm với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng đánh giá về tình hình an ninh, trật tự, bảo vệ biên giới, an ninh - quốc phòng vùng Tây Nam bộ, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; bảo đảm cho vùng Tây Nam Bộ chủ động đối phó với các tình huống trở ngại, khó khăn cũng như các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, dân tộc để chống phá Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở đó, các đại biểu cần tập trung thảo luận, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, nghiên cứu những kiến nghị chính sách thật cụ thể, rút ra những vấn đề cần báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, những vấn đề mới nhất, nóng nhất liên quan đến chính sách dân tộc.

Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Năm sắp tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc quan tâm đến công tác thẩm tra và tham gia thẩm tra các dự án Luật. Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ Năm tới, Quốc hội sẽ thông qua 6 dự án luật gồm: dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); dự án Luật Giá (sửa đổi); dự án Luật Phòng thủ dân sự; dự án Luật Giao dịch điện tử; dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến với 6 dự án luật và 1 Nghị quyết. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra cũng như tính đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số tại hai hội thảo chuyên đề về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tham gia thẩm tra, góp ý, cùng xây dựng hoàn thiện các dự thảo luật có chất lượng thực chất để trình ra Quốc hội.

Liên quan đến việc triển khai giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, phạm vi giám sát chuyên đề lần này rất rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi, hộ nghèo, khó khăn trên cả nước. Vì vậy, các đại biểu cần tập trung thảo luận làm rõ kết quả hoạt động của Đoàn giám sát; tình hình xây dựng, hoàn thiện báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, xác định những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn ở giai đoạn hiện nay và thảo luận các biện pháp bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ.

 Quang cảnh Hội nghị

Về Báo cáo kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc năm 2022 theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22.7.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc báo cáo đầy đủ để các đại biểu nghiên cứu, tham gia ý kiến với việc triển khai hoạt động giám sát, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất, nhất là kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan.

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, sau thời gian làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Hội đồng Dân tộc đã hoàn thành tốt các nội dung đề ra.

Tại phiên họp này, Hội đồng Dân tộc đã tập trung thực hiện các nội dung quan trọng, cơ bản ghi nhận nhiều nỗ lực của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc nói chung và cụ thể đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Phiên họp cũng đã thẳng thắn xác định, thảo luận, làm rõ được những khó khăn, tồn tại, hạn chế về cơ chế, chính sách, cách thức triển khai các nhiệm vụ, chủ yếu tập trung vào các vấn đề về giao vốn, văn bản hướng dẫn ban hành chậm, nội dung chưa rõ ràng; các vấn đề về tổ chức bộ máy, nguồn lực, con người.

Trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Hội đồng Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc tiếp tục nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra; đề nghị Vụ Dân tộc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại Phiên họp, xây dựng Thông báo Kết luận để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

 Quang cảnh Hội thảo

* Cũng trong chiều ngày 3/4, tại TP. Cần Thơ, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết: Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được sửa đổi để nhằm thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển, song kinh tế tập thể trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn chưa phát triển mạnh. Quy mô hợp tác xã chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, phương thức sản xuất, vận hành, quản trị hợp tác xã còn lạc hậu, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ, kiến thức mới vào sản xuất. Số lượng các hợp tác xã được thành lập mới, số các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh về quy mô còn chưa nhiều…

Với mong muốn có những kiến nghị sát thực tiễn, Hội đồng Dân tộc tổ chức hội thảo để tham vấn, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, đại biểu các bộ, ngành và địa phương để tổng hợp, chắt lọc, góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ Năm tới, góp phần thay đổi mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được trình xin ý kiến Thường vụ Quốc hội ngày 15.3 vừa qua với 12 chương, 135 điều. Bản dự thảo này đã được Chính phủ chuẩn bị khá công phu, trên cơ sở báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện luật Hợp tác xã 2012, và thể chế Nghị quyết 20 của Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Qua đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành và địa phương liên quan, nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc trong luật cũ đã được chỉ ra và bổ sung, sửa đổi vào luật mới.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn 10 nhóm vấn đề lớn có nhiều ý kiến khác nhau cần tiếp tục làm rõ, đó là các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng, thuận lợi và những khó khăn, bất cập của các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã hoạt động ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, các hợp tác xã có người đại diện là người dân tộc thiểu số...

Các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung liên quan đến vai trò quản lý nhà nước và việc thể chế 8 nhóm chính sách của Nghị quyết 20 vào dự thảo Luật; các điều khoản quy định về địa vị pháp lý, chính sách đối với tổ hợp tác, những bất cập, vướng mắc trong khuôn khổ pháp luật hiện hành về phát triển kinh tế hợp tác ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, miền núi. Các vấn đề liên quan đến tài sản chung không chia, tỉ lệ phần trăm vốn góp đối với thành viên chính thức và không chính thức; các loại hình kinh tế tập thể và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn; kinh nghiệm của một số quốc gia trong xây dựng Luật Hợp tác xã để phát triển kinh tế tập thể ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, miền núi... cũng được trao đổi tại Hội thảo. 

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, các ý kiến đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc các hợp tác xã đang gặp phải, chỉ ra những bất cập, chưa phù hợp của Luật Hợp tác xã năm 2012 và kiến nghị sửa đổi cụ thể vào trong các điều khoản của dự thảo Luật... 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc giao Tiểu ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng Dân tộc tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo báo cáo góp ý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), bảo đảm rõ ràng, không trùng lặp về vai trò, quyền hạn và trách nhiệm, bảo đảm thống nhất từ trung ương đến địa phương gắn với hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tới.