Phát huy tiềm năng, lợi thế và tinh thần vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Ngày 7/9, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN 

Tại Phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, phải nhìn nhận Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trong tổng thể các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đầy đủ, hiệu quả 8 giải pháp trong Nghị quyết của Quốc hội; vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc và 19 Bộ và cơ quan ngang Bộ trong Nghị quyết của Chính phủ. Công tác dân tộc và chính sách dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, vì vậy phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, qua xem các báo cáo, tài liệu của Chính phủ trình, có thể đánh giá, thời gian qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp thực hiện đã được thực hiện nghiêm túc, ban hành nhiều văn bản, 5 nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ cơ bản đã và đang thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải tích cực triển khai hơn nữa, 8 giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội có những giải pháp đã thực hiện được nhưng còn có những giải pháp thực hiện chưa thật đầy đủ, chưa tốt.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, “mục tiêu là người dân thực sự được hưởng các quyền lợi từ Chương trình, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN  

Theo Báo cáo của Chính phủ, sau 1 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã có một số những kết quả nổi bật. Điển hình là Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và ban hành kế hoạch công tác cụ thể của Ban Chỉ đạo Trung ương để tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Chương trình.

Các bộ, ngành và địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có đánh giá khoa học, đầy đủ và khách quan làm cơ sở đề xuất chi tiết, đầy đủ nội dung đầu tư kèm theo các giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách trong khuôn khổ Chương trình; các dự án, tiểu dự án của Chương trình bao phủ nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể được tham vấn đầy đủ các bên liên quan, có tính khả thi cao trong giải quyết các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn nhất nói riêng.

Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, thách thức cơ bản trong quá trình thực hiện như việc tiến độ chuẩn bị đầu tư Chương trình có sự chậm chễ nhất định, đặc biệt là tiến độ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các thủ tục phê duyệt đầu tư Chương trình. Nội dung Chương trình mang quan điểm đầu tư tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dẫn tới nhu cầu đầu tư thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là rất lớn.

Báo cáo kết quả thẩm tra sơ bộ, Thường trực Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất và cho rằng báo cáo của Chính phủ đã phản ánh những nội dung cơ bản về kết quả đạt được và hạn chế, vướng mắc, trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Thường trực Hội đồng Dân tộc nhận thấy, đối chiếu với nhiệm vụ Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, vẫn còn chậm, một số nhiệm vụ chưa hoàn thành, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả hoạt động của Chương trình.

Với việc xác định phạm vi, đối tượng, địa bàn, theo Thường trực Hội đồng Dân tộc, do xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 3.434 xã là địa bàn có trên 15% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay sinh sống thành cộng đồng tại 5.266 xã. Xác định phạm vi, địa bàn như trên sẽ có gần 1.800 xã không thuộc đối tượng của Chương trình, các xã này chủ yếu ở khu vực miền núi duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, xem xét các địa bàn với những yếu tố đặc thù để bổ sung vào Chương trình trong thời gian tới.

Cho rằng báo cáo khả thi vẫn chưa được cấp có thẩm quyền quyết định để thực hiện là quá chậm, theo Thường trực Hội đồng Dân tộc, nếu để Chương trình có thể thực hiện được và có cơ sở để giải ngân theo vào năm 2022, thì Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ.