Phải kiểm soát bằng được các ổ dịch trong KCN

(Mặt trận) - Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, chiều 16/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Các khu công nghiệp (KCN) tập trung là nơi nhạy cảm, đông người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất của cả đất nước, vì vậy, chúng ta phải kiểm soát bằng được các ổ dịch trong KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang, không được để lan ra các KCN khác trong hai tỉnh này, kể cả toàn quốc.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: KCN tập trung rất đông người, lây lan rất nhanh với chủng mới hiện nay. Nếu một KCN dừng sản xuất ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của đất nước, đằng sau đó là biết bao nhiêu công nhân.  

Dồn toàn lực khống chế, kiểm soát dịch

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết từ ngày 9/5 đến ngày 14/5, tỉnh Bắc Giang có 2 ổ dịch. Trong đó, ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) có 4 ca F0 và đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng.

Ổ dịch tại Công ty SJ Tech - KCN Vân Trung (liên quan đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) có 105 F0; đến nay cơ bản đã qua đỉnh dịch, chỉ còn xuất hiện các ca F0 trong các khu cách ly tập trung (chuyển từ âm tính sang dương tính) và một vài trường hợp công nhân đi cùng xe (mức độ lây lan ra cộng đồng rất thấp).

Tuy nhiên, từ ngày 14/5, qua rà soát các KCN còn lại đã phát hiện thêm ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam trong KCN Quang Châu (huyện Việt Yên). Qua đánh giá đây là ổ dịch có tốc độ lây lan nhanh do làm việc trong phòng lạnh, khép kín. Qua test nhanh, chiều tối ngày 14/5 đã phát hiện 12 ca F0 cùng phân xưởng số 4 của công ty. Đến nay, tổng số ca F0 ở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam là 159 ca. Đây là ổ dịch rất phức tạp, các ca F0 tăng nhanh.

Những ngày qua, với sự hỗ trợ, chi viện của một số tỉnh, Bộ Y tế, một số đơn vị, DN, Bắc Giang đã tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ công nhân ở 4 KCN có nguy cơ cao, đồng thời chuyển sang xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại các khu vực tập trung nhiều nhà trọ của công nhân.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị được tiếp tục hỗ trợ các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh để sàng lọc trong KCN, lực lượng lấy mẫu, công tác truy vết, theo dấu hoạt động di chuyển của các F0 nhằm không bỏ sót F1 bên ngoài cộng đồng…

Còn tỉnh Bắc Ninh đã triển khai xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ các trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K Tân Triều, đến các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và người dân lao động liên quan đến các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, người lao động tạm trú ở nhà trọ, ký túc xá, làm việc tại các cơ sở cung cấp suất ăn, người kinh doanh tại các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, xét nghiệm lần 2 và lần 3 cho toàn bộ người dân xã Mão Điền, xét nghiệm cho toàn bộ các bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú tại các cơ khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, với sự chi viện của một số địa phương, trường đại học, doanh nghiệp… năng lực xét nghiệm của Bắc Ninh đạt 30.000 đến 50.000 mẫu gộp một ngày.

Thường trực Ban Chỉ đạo, các chuyên gia cho rằng mặc dù đã rất tích cực nhưng trong điều kiện đặc biệt ở KCN, biến thể mới của virus lây lan nhanh nên tiến độ kiểm soát dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang có thể chậm hơn dự kiến. Bắc Ninh, Bắc Giang phải tập trung rất cao độ để kiểm soát bằng được các ổ dịch này.

Ban Chỉ đạo đánh giá cao hai tỉnh đã rất kiên định nguyên tắc khi phát hiện thì truy vết nhanh nhất có thể, khoanh gọn nhất có thể. Ảnh: VGP/Đình Nam  

Kiên định nguyên tắc truy vết nhanh, khoanh gọn nhất

Ban Chỉ đạo đánh giá cao hai tỉnh đã rất kiên định nguyên tắc khi phát hiện thì truy vết nhanh nhất có thể, khoanh gọn nhất có thể. Trường hợp khoanh vùng nhanh nhất nhưng chưa đủ chứng cứ để khoanh gọn thì tạm thời khoanh rộng hơn nhưng chúng ta phải khẩn cấp xác định những yếu tố dịch tễ để nếu có thể thì thu hẹp phạm vi khoanh vùng.

Ban Chỉ đạo và các chuyên gia khẳng định bản chất của giãn cách xã hội (hay cách ly xã hội, phong toả) là để tránh tiếp xúc giữa người mang virus và người chưa mang virus, nhằm làm chậm lại và tiến tới cắt đứt chuỗi lây của virus. Nhưng không quốc gia nào, địa phương nào có thể giãn cách xã hội liên tục, vì thế, việc giãn cách, phong toả chỉ là giải pháp tạm thời, và khi mở lại các hoạt động kinh tế, xã hội hoàn toàn có thể xuất hiện đợt dịch mới và phải giãn cách tiếp.

Với nguyên tắc “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch, như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã thống nhất từ năm 2020, tinh thần chúng ta thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch để không bị dịch xâm nhập; khi đã có mầm bệnh vào phải truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch nhanh nhất, gọn nhất có thể.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, từ góc độ chống dịch thì chỉ có cách ly xã hội cắt đứt chuỗi lây lan nhanh nhất nhưng tác động rất lớn đến kinh tế và tâm lý xã hội. Vừa qua, Bắc Ninh, Bắc Giang làm rất đúng, chỉ khoanh vùng ở địa bàn nguy cơ cao, tuy nhiên, chưa quản lý chặt trong khu vực bị khoanh vùng, phong toả.

“Chúng ta phải cố gắng phát hiện được nguy cơ, càng thu hẹp càng tốt, đồng thời kiểm soát chặt chẽ không được để lây trong khu cách ly. Làm sao không giãn cách xã hội trong phạm vi quá rộng mà để làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt Bắc Ninh, Bắc Giang có nhiều KCN lớn, để đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển được kinh tế”, ông Trần Đắc Phu trao đổi.

Các chuyên gia phân tích và khẳng định nếu thực hiện nghiêm 5K đối với cá nhân, an toàn COVID-19 đối với cơ quan, nhà máy, xí nghiệp… thì dù còn điểm dịch nhưng sẽ không bao giờ phải giãn cách xã hội toàn quốc. Trường hợp chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác đến mức không thể kiểm soát được thì buộc phải giãn cách xã hội toàn quốc, sẽ gây hệ luỵ rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội nhưng đến thời điểm đó thì phải chấp nhận.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất phân công từng thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các bộ có trách nhiệm theo dõi tình hình phòng, chống dịch ở một số địa phương, trong đó đặc biệt lưu ý nếu tỉnh/thành phố nào cần giãn cách xã hội toàn địa bàn thì thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp báo cáo với Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ. Còn đến thời điểm cần giãn cách xã hội toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ.

Chuẩn bị lực lượng chi viện cơ động

Ảnh: VGP/Đình Nam  

Với yêu cầu phải thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm số lượng lớn trong thời gian rất ngắn tại các KCN, Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự chi viện, hỗ trợ của các địa phương, đơn vị cho Bắc Giang, Bắc Ninh. Các chuyên gia cho biết, việc lấy mẫu phải rất chuyên nghiệp để đảm bảo độ chính xác khi xét nghiệm, như tình huống ở các KCN Bắc Ninh, Bắc Giang có thể cần tới hàng nghìn người lấy mẫu trong một thời điểm.

Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho Bộ Y tế, Quân y, y tế Công an tập huấn, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng dự phòng, có xe xét nghiệm lưu động để chi viện kịp thời trong tình huống cần lấy mẫu gấp trong thời gian ngắn, nhất là tại KCN đông công nhân. “Địa bàn nào cần hỗ trợ, nhất là các KCN, lực lượng này có thể lên đường chi viện ngay”.

Cùng với đó, Bộ Y tế thành lập nhóm chuyên gia tư vấn cho các địa phương thực hiện kết hợp các loại xét nghiệm trong từng tình huống khác nhau, tương tự như cơ chế hoạt động của nhóm chuyên gia hỗ trợ điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng cho các bệnh viện cả nước.

Lập đường dây nóng hỗ trợ khai báo y tế

Thường trực Ban Chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai báo y tế của những người có liên quan đến người trong vùng dịch, đối tượng F2, F3, người vào bệnh viện, lên máy bay, đều đã có quy định nhưng thực tế có những nơi làm không nhất quán. Khai báo y tế điện tử còn phức tạp đối với những người không quen sử dụng điện thoại thông minh. Nhiều người đã khai báo y tế trên giấy khi đến nơi khác vẫn phải khai báo lại; hoặc khai báo rồi mà không có người hỏi đến. Dẫn đến tình trạng một số người, dù không cố tình trốn tránh khai báo y tế, nhưng vì một hay nhiều lý do nêu trên, mà không hoàn thành trách nhiệm hết sức cần thiết của mình, dẫn tới để có dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại rất nghiêm túc các quy định về khai báo y tế, đảm bảo thật đơn giản, thuận tiện để mọi người dân có thể khai báo được; những người có khó khăn trong khai báo thì có người trợ giúp.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Khai báo y tế là việc làm rất cần thiết để có thể kiểm soát được những người có nguy cơ lây nhiễm như người vào bệnh viện, đi máy bay hay bây giờ là công nhân ở các KCN tập trung. Chúng ta phải có công cụ, có cách tổ chức để nhân dân, mọi đối tượng, trong mọi hoàn cảnh đều khai báo y tế thuận lợi.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ GTVT phải hoàn thiện các công cụ liên thông dữ liệu; những dữ liệu người dân đã khai báo 1 lần thì chỉ cần khai báo thêm những thông tin có thay đổi một cách thuận tiện.

Trong 24 giờ tới, Bộ Thông tin và Truyền thông phải chỉ đạo các nhà mạng, Tổ thông tin của Ban Chỉ đạo thiết lập xong đường dây nóng, tổ chức lực lượng tình nguyện viên kết hợp với các điện thoại viên để tiếp nhận, trợ giúp mọi yêu cầu của nhân dân về khai báo y tế một cách kịp thời, miễn phí, không để ách tắc.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề nghị, ngoài những đối tượng bắt buộc phải khai báo y tế như vào bệnh viện, đi máy bay, có liên quan đến vùng dịch, ca nhiễm… thì cần quy định thêm sinh viên đại học, công nhân làm việc trong KCN tập trung cũng cần khai báo y tế.

Bộ Y tế  khẩn trương thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao là ban hành các tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh theo mức độ có nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao ở các địa bàn và quy định các đối tượng phải khai báo y tế bắt buộc phù hợp tình hình chống dịch.

Trước mắt, Ban Chỉ đạo yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TP. Đà Nẵng căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chỉ đạo khai báo y tế bắt buộc đối với người làm việc trong khu tập trung, để có ngay phương án ứng phó khi xuất hiện dịch liên quan đến KCN, không để lây lan.

Ban Chỉ đạo đặc biệt lưu ý các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh khi cách ly tập trung  rất nhiều người phải kết hợp xét nghiệm, không để lây trong khu cách ly. Do đặc điểm Bắc Ninh, Bắc Giang có nhiều khu ký túc xá mới, tương đối tốt, các chuyên gia đề nghị hai tỉnh nghiên cứu cách ly trong các khu ký túc xá.

Theo dõi sát bệnh nhân có bệnh nền nặng

Đối với công tác điều trị, Bắc Ninh, Bắc Giang hết sức chú ý, theo dõi ngay từ đầu những bệnh nhân mắc có bệnh nền nặng, khi cần thiết phải chuyển lên tuyến Trung ương ngay từ khi chưa chuyển nặng, không để tử vong.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các KCN tập trung là nơi nhạy cảm, đông người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất của cả đất nước, vì vậy, chúng ta phải kiểm soát bằng đường các ổ dịch trong KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang, không được để lan ra các KCN khác trong hai tỉnh này, kể cả toàn quốc. Khu công nghiệp tập trung rất đông người, lây lan rất nhanh với chủng mới hiện nay. Nếu một KCN dừng sản xuất ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của đất nước, đằng sau đó là biết bao nhiêu công nhân.

Nhiều lực lượng chi viện đã về Bắc Giang, Phó Thủ tướng đề nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đang có mặt ở đây điều phối lực lượng tối ưu, coi như đây là một đợt “thực chiến”, sau đó đúc rút kinh nghiệm để phổ biến cho các KCN khác, tương tự như năm 2020, khi chúng ta phong toả Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) để sau này thành cẩm nang khi phong tỏa một đơn vị hành chính nhỏ.

Ngoài các ổ dịch trong KCN hiện nay, Bắc Ninh, Bắc Giang cần tiếp tục bám sát tất cả các địa bàn, xét nghiệm sàng lọc rất sớm, có các giải pháp chuẩn bị phòng, chống dịch cần thiết.

 

* Tính từ 18 giờ ngày 16/5 đến 6 giờ ngày 17/5, Việt Nam có 37 ca mắc mới (BN4176-4212) đều là ca mắc ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (22 ca), Bắc Ninh (11 ca), Vĩnh Phúc (3 ca), Tuyên Quang (1 ca), trong đó: Số ca mới trong khu cách ly là 15 ca; số ca mới trong khu vực được phong tỏa là 22 ca; không phát hiện các ổ dịch mới. Cụ thể:

BN4191-BN4212 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang: là F1 liên quan đến các KCN Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám đã được cách ly và nằm trong khu phong tỏa trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 15/5/2021 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Bắc Giang.

BN4176-BN4177, BN4181-BN4189 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 14-16/5/2021 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

BN4178-BN4180 ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Phúc: là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 16/5/2021, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc.

BN4190 ghi nhận tại tỉnh Tuyên Quang: Bệnh nhân nữ, 30 tuổi, địa chỉ tại huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang; là F1 của BN3918, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 16/5/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Tính đến 6 giờ ngày 17/5, Việt Nam có tổng cộng 2.746 ca ghi nhận trong nước và 1.466 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 1.176 ca.

Tổng số lượng mẫu xét nghiệm đã được lấy từ 29/4 đến nay là 482.900 mẫu.

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 100 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 108.288.

Trong ngày 16/5, cả nước có thêm 2.206 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong ngày 16/5/2021.

Tính đến 16 giờ ngày 16/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố với 979.238 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 là 22.561 người.