Ông Hóa đã phản bội lại lòng tin của cán bộ, nhân dân, không xứng đáng là công dân chứ chưa nói không xứng đáng là sỹ quan công an nhân dân.
Như tin đã đưa, ngày 11/3, cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao (C50), Bộ Công an, để điều tra vì liên quan đến đường dây đánh bạc với quy mô hàng ngàn tỉ đồng.
Công an khám xét nhà bị can Nguyễn Thanh Hóa (ảnh: Báo Môi trường đô thị)
Nhiều cán bộ lão thành, công tác trong ngành công an khi nghe thông tin này cảm thấy sửng sốt và phẫn nộ. Còn đảng viên và nhân dân cho rằng, cần xử lý nghiêm khắc ông Nguyễn Thanh Hóa để làm gương cho cán bộ, chiến sỹ công an.
Ông Đặng Ngọc Ánh, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Xuất - Nhập cảnh, Bộ Công an cho rằng, một cán bộ công an đã được Đảng, Nhà nước và ngành công an đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng, tin tưởng, trao cho trách nhiệm phục vụ nhân dân mà lại xa vào tệ nạn xã hội vô cùng phức tạp đó là sử dụng mạng internet tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành là điều không thể chấp nhận được.
“Một người dân bình thường xa vào tệ nạn đó đã không chấp nhận được, huống hồ một cán bộ công an ở vị trí cao như thế càng không thể chấp nhận được. Người này đã phản bội lại lòng tin của cán bộ, nhân dân, không xứng đáng là công dân chứ chưa nói không xứng đáng là sỹ quan công an nhân dân. Cần xử nghiêm người này để làm gương cho những cán bộ chiến sỹ công an và cho những người khác”, ông Đặng Ngọc Anh nêu suy nghĩ và đề nghị vụ việc phải được giải quyết thận trọng, khẩn trương, minh bạch và triệt để.
Còn PGS-TS Ngô Huy Cương (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc bắt ông Nguyễn Thanh Hóa là việc làm hết sức chính đáng, kịp thời và kiên quyết của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Việt Nam. Theo ông Ngô Huy Cương, việc làm của ông Nguyễn Thanh Hóa ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành công an, làm mất đi niềm tin của người dân vào chiến sỹ công an nhân dân.
Không khỏi “bâng khuâng” khi một cán bộ giữ trọng trách cao trong lĩnh vực phòng chống tội phạm mà lại “bắt tay” với những kẻ phạm tội, PGS-TS Ngô Huy Cương cho rằng có thiếu sót trong công tác tổ chức cán bộ, tạo ra lỗ hổng trong công tác phòng chống tội phạm ở Việt Nam cũng như của cơ quan bảo vệ pháp luật. “Tôi tin tưởng qua dịp này, các cơ quan bảo vệ pháp luật và tổ chức cán bộ có sự nhìn nhận và có giải pháp tốt hơn, phù hợp hơn bảo đảm công tác chính trị, phòng chống tội phạm và tổ chức cán bộ”, PGS-TS Ngô Huy Cương đề nghị.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng vụ việc có tính chất cực kỳ nghiêm trọng về tình trạng tham nhũng và thoái hóa biến chất bởi nó liên quan đến cán bộ công tác tại cơ quan thi hành và bảo vệ pháp luật, người bị bắt là Thiếu tướng, Cục trưởng công nghệ cao. Tuy nhiên, qua ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư có thể thấy rõ Đảng rất quyết tâm phòng chống thoái hóa biến chất, tham nhũng. Một trong những biểu hiện của quyết tâm ấy là dù người đó ở cương vị nào, bất kỳ cơ quan nào vi phạm pháp luật đều bị trừng trị nghiêm túc. Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tính cương quyết nhưng thận trọng để xử lý đúng người, đúng tội.
Theo Lại Hoa/VOV